Người chăn nuôi gia cầm lao đao

Lê Bảo 19/05/2023 08:53

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn.

Đặc biệt, giá sản phẩm đầu ra giảm sâu (có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất). Đáng chú ý, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp.

Theo VIPA, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam. Đây không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Mặt khác, thời gian qua, có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm.

Việt Nam là nước có ngành chăn nuôi phát triển, cả nhỏ lẻ hoặc trang trại. Tuy nhiên, nghịch lý là hàng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, bò và gà.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục, ước tính chiếm từ 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước.

Cùng đó, người chăn nuôi còn cho rằng đang phải “cõng” quá nhiều chi phí, trong khi đó giá cả lại xuống đáy. Theo ông Phạm Văn Lượng - Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ thì cộng đồng DN, trại chăn nuôi gia cầm đã rất nỗ lực. Bởi nuôi một con gà hiện nay ngoài chuyện giá bán thấp hơn giá thành còn phải gánh chịu rất nhiều vướng mắc. “Chúng tôi vận chuyển một lô hàng khoảng 10- 15kg chịu phí kiểm dịch 100.000 đồng, trong khi các DN lớn vận chuyển một container, một tàu hàng cũng chịu mức phí tương đương. Rồi phí kiểm dịch trong ngày, một con gà nhập về giết mổ mất 200 đồng, nếu cộng cả chi phí đầu tư, lãi suất ngân hàng, phí xét nghiệm 200-300 nghìn đồng/mẫu liên tục hàng tháng trời thì rất khó khăn” - ông Lượng nói.

Đáng chú ý, để tạo bước đột phá về tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, VIPA đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi chủ lực như: thịt gà chế biến, trứng gà/vịt, trứng chim cút qua chế biến, lông vũ, kể cả con giống… Đồng thời hạ mức phí kiểm dịch được quy định 200 đồng/con gia cầm đối với các cơ sở giết mổ gia cầm có quy mô trung bình và lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chăn nuôi gia cầm lao đao