Người chăn nuôi gia cầm lao đao

Khanh Lê 21/10/2023 07:00

Giá bán gà ta và gà công nghiệp thấp hơn giá thành sản xuất từ 4.000 - 8.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ. Nếu không kiểm soát tốt vấn đề nhập khẩu gia cầm giống cũng như sản phẩm thịt, thị trường chăn nuôi trong nước sẽ khó ổn định.

Thời gian qua, người chăn nuôi gia cầm đối diện nhiều khó khăn.

Khó khăn bủa vây

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là Tết Nguyên đán, tuy nhiên anh Nguyễn Văn Luyến, chủ trại gà ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc quyết định không đầu tư nhập thêm gà giống. Trang trại của anh có tổng 11 chuồng, mỗi chuồng nuôi được từ 200 đến 300 con tuy nhiên từ đầu năm đến nay doanh thu phần lớn là âm, thậm chí có lứa lỗ nặng vì mua phải giống nhập lậu nuôi chưa được bao lâu thì bị chết.

“Gắn bó với nghề nuôi gà lông trắng gần 30 năm chưa khi nào tôi thấy khó khăn như thời điểm hiện nay. Cùng một lúc người chăn nuôi gặp khó khăn do thức ăn chăn nuôi tăng cao, giống nhập cao nhưng rủi ro rất lớn vì không đảm bảo. Trong khi đó đầu ra thì bấp bênh. Có thời điểm gà lông trắng bán ra chỉ 20 đến 25.000 đồng/kg mà không bán được” - anh Luyến ngậm ngùi cho biết.

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cũng cho biết, trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm tăng liên tục tăng đã khiến cung vượt cầu, giá bán thịt gia cầm vì thế luôn thấp hơn giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi phải đối mặt với thực trạng càng chăn nuôi càng thua lỗ.

Cụ thể, trong các tháng đầu năm 2023, giá gà thịt lông trắng xuất chuồng bình quân từ đầu năm đến nay là 25.600 đồng/kg, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền - dao động từ 17.000 -35.000 đồng/kg thịt hơi. Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp trong tháng 1/2023 duy trì 39.000-43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó giảm còn 26.000-32.000 đồng/kg trong tháng 4/2023.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá bán sản phẩm chăn nuôi hiện đang thấp hơn giá thành sản xuất, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức sản xuất lớn. Trong khi đó, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu gần 34 triệu con gia cầm giống, nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con, nhưng sức tiêu dùng lại có hạn. Sức mua của thị trường giảm ảnh hưởng đến giá các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt gia cầm.

Chặn nhập lậu gia cầm

Đề cập nguyên nhân khiến giá gia cầm giảm sâu, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, sản xuất trong nước vẫn giữ đà tăng trưởng trong khi đó sức mua không tăng. Bên cạnh đó yếu tố khiến giá gia cầm giảm sâu do sản phẩm nhập khẩu chính ngạch tăng, tiểu ngạch nhập lậu cũng tăng. “Ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm” - ông Dương nói.

Chia sẻ về tình trạng nhập lậu gia cầm hiện nay, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ NNPTNT thường xuyên, liên tục ban hành nhiều văn bản, tổ chức các đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, khiến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong số 3,4-3,8 triệu con giống gia cầm nhập khẩu về hàng năm về Việt Nam, thì có đến 1,5-2 triệu con giống nhập lậu. Dự báo, từ nay đến Tết Giáp Thìn, tình hình buôn lậu gia cầm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Sơn, chưa bao giờ ngành chăn nuôi lao đao như hiện nay. Sau khi "gồng mình" vượt qua đại dịch, lại phải đối phó tình trạng nhập lậu trong khi sức mua của thị trường trong nước chưa hết khó khăn. Tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực giáp biên.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hệ lụy từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt. “Hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm tăng liên tục tăng đã khiến cung vượt cầu, giá bán thịt gia cầm vì thế luôn thấp hơn giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi phải đối mặt với thực trạng càng chăn nuôi càng thua lỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chăn nuôi gia cầm lao đao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO