Gìn giữ cả đời những thước phim, những hiện vật gắn bó với cuộc đời làm nghề của mình, mới đây nhà báo- nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm (Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương) đã hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam những thước phim quý báu về Bác Hồ, thành cổ Quảng Trị vào năm 1972 và chiếc máy ảnh ông dùng tác nghiệp ở Sài Gòn tháng 4/1975…
Nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm khi ở chiến trường.
Đã ở ngoài ngưỡng “thất thập cổ lai hi”, mong muốn lớn nhất của ông Nguyễn Văn Nẫm là khi được gìn giữ, trưng bày ở bảo tàng, những thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau sẽ hiểu rõ hơn về một thời làm phim, làm báo trong bom đạn của những người đi trước.
Chúng tôi đến nhà riêng của ông ở đường Thụy Khuê (Hà Nội). Nghỉ hưu đã lâu nhưng nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm vẫn trẻ trung với sơ mi hoa, tác phong nhanh nhẹn và cung cách nói chuyện dí dỏm. Trong mắt đồng nghiệp và khán giả, ông là một nhân chứng sống- một nghệ sĩ “chép sử bằng hình”. Câu chuyện giữa chúng tôi với ông xoay quanh những hoài niệm, những trăn trở trở với nghiệp quay phim mà cả đời ông đã lặn lội theo đuổi.
Ông bảo cho đến bây giờ ông vẫn nhớ như in những ngày đầu mới bước chân vào nghề. Cổ nhân có câu “thời thế tạo anh hùng” quả không sai. Ông đến với nghề quay phim như một cơ duyên bởi trước đó ông học thiết kế mỹ thuật điện ảnh.
Năm 1964 về công tác tại Xưởng phim Thời sự tài liệu với công việc thiết kế chữ, vẽ động cho các phim khoa học và tài liệu lịch sử. Những năm đầu không quân Mỹ ném bom miền Bắc, Bộ Văn hóa và Xưởng phim Thời sự tài liệu mở lớp phóng viên quay phim chiến tranh, thế là ông ghi tên và theo học. Sau khi hoàn thành xong khóa học phóng viên chiến trường ngày ấy đã xông pha trận tuyến. Ông kể: Khi ấy, chúng tôi “máu” lắm, chẳng biết sợ chết là gì, tuổi trẻ và lý tưởng sống trong thời điểm ấy rất rõ ràng, chúng tôi xông pha trận mạc và đối mặt với chiến tranh đúng nghĩa, ác liệt, gian nguy lắm.
Tôi bắt đầu vác máy quay với nhiệm vụ làm phóng viên chiến tranh tại chiến trường C- chiến trường Lào. Ở đó, chúng tôi luôn phải đối mặt với sự ác liệt của chiến tranh cũng như thú dữ. Những giai thoại: hổ vồ, gấu tát, ong đốt, đỉa cắn, bọ cạp… là có thật 100%. Nhưng, cũng trong thời điểm khó khăn này tôi và đồng đội đã ghi hàng nghìn mét phim tư liệu cho nước bạn Lào mà điển hình là bộ phim “Giải phóng Mường Phìn” do tôi làm quay phim kiêm đạo diễn. Chính bộ phim này tôi đã được Nhà nước Lào tặng Huy chương Anh dũng.
Kể đến đây ông dừng lại để giải thích thêm, năm 1969 khi về nước, trong lúc đợi hậu kì của bộ phim nói trên lại đúng lúc được Trung ương giao nhiệm vụ ghi lại hình ảnh đám tang Bác Hồ. Nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm đã cùng các đồng nghiệp ghi lại những khoảnh khắc trong đám tang của Người ở Ba Đình và một số nơi làm lễ tưởng niệm Bác mất năm 1969. Trước đó, ông cũng vinh dự được cầm máy ghi lại những thước phim về Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966.
Nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm còn được biết đến với bút danh nhà báo Lê Mai Phong) từng xông pha ở chiến trường Lào 1968 - 1972, mùa hè đỏ lửa Thành cổ Quảng Trị và trận tập kích máy bay chiến lược B52 Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.
Đồng nghiệp của ông nhiều người đã hi sinh trên các chiến trường như: Đinh Quang Ba, Lê Viết Ất, Nguyễn Văn Đinh… Bản thân ông bị thương 2 lần, nhiều ngày nhịn đói xuyên rừng Trường Sơn, nằm trong tọa độ B52 trải thảm và chất độc hoá học. Rời chiến trường Lào giữa năm 1971, ông đến chiến trường nóng bỏng Quảng Bình - Vĩnh Linh - Quảng Trị.
Đêm nằm dưới bãi cát trắng Bắc sông Thạch Hãn vùng Cửa Việt, ngày lên làm nhiệm vụ ghi hình với chiếc máy quay 35 ly phim nhựa, cùng các chiến sĩ vào trận đánh, ngày 2/5/1972 ông đã có mặt tại Thành cổ Quảng Trị. Bộ phim “Quảng Trị ngày đầu giải phóng” của ông tham dự Liên hoan phim Quốc gia lần thứ 4 năm 1977 và được trao tặng giải Bông sen Bạc.
Trở lại Hà Nội thời điểm Nixon chính thức ra lệnh oanh tạc Hà Nội bằng B52. Ông kể: Sáng 18/12/1972, Xưởng phim nhận được thông báo Mỹ sẽ ném bom Hà Nội bằng không lực mạnh. Chiều ngày 18/12, ông Lê Huân lúc đó là Giám đốc kiêm Tổng chỉ huy ở địa chỉ 122 Hoàng Hoa Thám (nay là 465 Hoàng Hoa Thám) họp với anh em quay phim.
Quả không sai, đêm ngày 18/12, B52 đánh Đông Anh và các vùng lân cận, đất trời rung chuyển. Anh em được mang máy, phim luôn bên mình như chiến sĩ. Riêng quay phim chính và phụ quay không ai được đi sơ tán. Quay chính như tôi hồi đó được giữ một máy quay Convat 35li và 120m phim đen trắng gồm hai loại lắp vào hai Caset NP5 quay ban ngày, độ nhạy 21 DIN, còn NP7 27DIN quay ban đêm nếu quay hết phim thì về xưởng lĩnh thêm.
Mục tiêu của quay phim là trực 24/24h, nếu ở đâu có bom rơi đạn nổ là tới đó ghi lại. Bởi Mỹ đánh Hà Nội không biết bao nhiêu lâu nên giám đốc phân công cứ sáng nay điều đi trận địa này trong thành phố, sáng mai lại điều đi trận địa khác, anh em quay phim thay nhau khắp thành phố…
Chép sử bằng phim, nhưng trí nhớ của ông cũng chính là một bộ phim có thể “tua” chậm lại ký ức bất kể lúc nào. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông nhớ chi tiết đến từng mốc thời gian tham gia chiến trường nào, ở đâu; những thước phim đó đã được quay như thế nào. Chuyện ông được đi học tập ở Đức (1976) học về kỹ xảo và làm phim khoa học ra sao…
Về việc lưu giữ những thước phim quý hiếm về chiến trường lửa đạn Quảng Trị trong suốt một thời gian dài, nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm chia sẻ âu cũng bởi ông học nghề, làm nghề, yêu nghề và thấy được giá trị của những thước phim được quay trong lửa. Bởi ông đã được các thầy dạy cho biết cách làm sao có thể bảo quản được những thước phim ấy.
Dù đó là những cách rất đơn sơ. Thứ nhất là khi quay phim về tráng xong thì phải ngâm nước đúng hai ngày, trong hai ngày này không được sờ vào ảnh mà chỉ được thay nước thôi, khi nó nở hết thuốc đem phơi thì đảm bảo có thể được 30 năm.
Thứ hai là phim ảnh cho riêng vào một cái thùng, cho vôi xuống dưới,vôi bột hoặc lá chuối khô. Hồi trong Nam phải rang gạo khô lên bỏ xuống dưới đáy, rồi đậy kín vào để hút ẩm. Sau khi điện ảnh bắt đầu chuyển sang kỹ thuật số, quay băng, ông đã mua lại cái máy quay phim 16 li của Thụy Sĩ và một cái máy quay phim Convat của Liên Xô…
Hơn 40 năm đã qua đi từ những ngày đầu bước chân vào nghề quay phim, giờ đây ông luôn cảm thấy mình may mắn hơn những đồng nghiệp đã phải bỏ lại xương máu khắp các chiến trường, kể cả ở chiến trường Đông Dương.
Trước khi tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo- nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm đã tặng cho Bảo tàng Quân đội chiếc máy quay mà ông sử dụng ở chiến trường Quảng Trị và trận B52 đánh ở Hà Nội.
Mới đây, khi nghe tin Hội Nhà báo Việt Nam phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông đã tặng lại cho bảo tàng những thước phim và những hiện vật quý giá. Có người hỏi: Gìn giữ bao nhiêu năm rồi, bây giờ vì sao lại đem tặng? Ông Nẫm đã trả lời: Vì mình thì ngày càng già đi, tặng Bảo tàng để họ gìn giữ trong điều kiện công nghệ tân tiến hơn, sẽ lưu giữ được lâu hơn. Nhưng quan trọng hơn là ông mong muốn được góp sức trong việc chung tay xây dựng Bảo tàng báo chí Cách mạng Việt Nam.