Giản dị trong vai một cán bộ cơ sở, PGS.TS Trần Hậu luôn tạo cho người đối diện một sự ấm áp, chân thành nhưng cũng rất sắc sảo khi chia sẻ về công tác lý luận ở Mặt trận Trung ương, đến cả những việc gần gụi nhất của người làm Mặt trận cơ sở.
Ông Trần Hậu.
Ngôi nhà 3 tầng rợp trong màu xanh cây lá, chuông cửa vừa bấm ông Hậu vội ra đón khách. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, ông thanh minh, không biết thói quen của người làm Mặt trận đã ngấm tự bao giờ, mình không muốn ai phải chờ đợi lâu, bởi khi có việc họ mới tìm đến...
“Về với mái nhà chung Mặt trận dường như là một cái duyên, bởi tôi vốn là dân kinh tế, làm việc ở Bộ Nội thương đến 20 năm sau đó được Trung ương cử đi đào tạo lý luận ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội ở Liên Xô. Thế rồi chẳng ai tin lại sang làm Mặt trận. Một bước chuyển “ngọt” đến cả bản thân tôi cũng bất ngờ” - lời mở đầu thú vị cũng là lời giới thiệu của nguyên Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận- PGS.TS Trần Hậu.
Cái ngày về 46 Tràng Thi, người đầu tiên ông lên gặp là Chủ tịch Lê Quang Đạo. “Anh Đạo đón tôi rất niềm nở, gần gụi. Câu đầu tiên anh chia sẻ nhưng cũng là giao nhiệm vụ, Mặt trận từ ngày thành lập đã làm được rất nhiều việc. Thế nhưng, giờ bước sang giai đoạn mới, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ cũng phải thay đổi. Chúng ta nói về đoàn kết dân tộc như cũ giờ ít người nghe. Bởi vậy, Mặt trận cần phải tổng kết thực tiễn nghiên cứu lý luận để xây dựng quan điểm lý luận về đại đoàn kết dân tộc, về Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn mới. Nhiệm vụ của người làm lý luận là phải nghiên cứu quan điểm, đường lối để thích ứng với tình hình mới”- ông Hậu nhớ lại công việc ngày đầu của mình.
Công việc của một người làm công tác Mặt trận nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế rất khó khăn và bận rộn. Trăm đầu việc đều đến tay, từ vận động bà con thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, giám sát các công trình xây dựng đến hòa giải, thăm hỏi, chia buồn... mà đều là không lương. Nhưng mừng là những người cán bộ Mặt trận cơ sở đều rất nhiệt tình và trách nhiệm. Họ luôn biết cân đối hài hòa với điều kiện ở khu dân cư của mình. |
Ngày đầu khó quên đó, khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, ông đã đặt hết niềm tin và trách nhiệm của một người đảng viên lên trên những khó khăn “không nguồn lực, không kinh phí, không kinh nghiệm”.
Một căn phòng nhỏ, 1 chiếc bàn, 2 chiếc ghế và một bộ ấm chén mới được cơ quan trang bị cùng những kiến thức được đào tạo ở Liên Xô, ông bắt tay vào xây dựng đề án về Tổ chức triển khai công tác lý luận của Mặt trận.
Bằng tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết hiếm thấy, sau một thời gian ngắn Trung tâm Lý luận của MTTQ Việt Nam đã ra đời và đi vào hoạt động. Tạp chí Lý luận của Mặt trận cũng xuất bản số đầu tiên.
“Thú thực, phải cám ơn Mặt trận vì từ ngày sang đây tôi đã mở mang và thay đổi rất nhiều về tư duy nghiên cứu khi được tiếp xúc với đủ các tầng lớp khác nhau trong xã hội”- ông Hậu chia sẻ.
Ngày ấy, để tìm tư liệu nghiên cứu ông lăn lộn khắp trong Nam ngoài Bắc, làm việc với rất nhiều tổ chức thành viên, từ Hội Phụ nữ, Công đoàn đến Đoàn Thanh niên... Ông bảo, càng tìm hiểu càng thấy phong phú và hấp dẫn. Ngẫm lại thấy kiến thức của mình vẫn còn thiếu nhiều lắm nếu muốn làm cán bộ Mặt trận- người bạn gần gụi, đáng tin cậy của nhân dân.
Do yêu cầu nhiệm vụ, ông Trần Hậu kiêm luôn hai vai, vừa là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý luận vừa là Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận. Công việc nhiều, số lượng người có hạn ông cũng không nhớ mình đã sắp xếp thế nào để hoàn thành hết nhiệm vụ được giao. Có lẽ niềm say mê chính là sức đề kháng tuyệt vời để rồi chẳng mấy khi người ta thấy ông phải xin nghỉ làm vì những lý do như trái nắng, trở trời.
Nhẩm tính giờ cũng qua 4 khóa ông là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam và cũng là hơn 20 năm tham gia Hội đồng tư vấn Khoa học- Giáo dục của Mặt trận Trung ương. Ở cương vị nào cũng vậy, mỗi điều ông nói, mỗi việc ông làm đều hướng đến việc làm sao xứng đáng với danh xưng Người Mặt trận.
Đúng như cái chất của PGS.TS Trần Hậu khi phát biểu tại các cuộc họp: Việc lắng nghe ý kiến nhân dân, nói cho nhân dân hiểu được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hệ thống Mặt và cũng là đòi hỏi, yêu cầu, thúc giục Mặt trận phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đổi mới mình để làm tròn trách nhiệm với nhân dân trong tình hình mới.
Ông luôn cho rằng, vai trò của MTTQ ngày nay không chỉ là động viên tinh thần yêu nước, khích lệ sự lao động hăng say của người dân, mà còn phải đảm nhiệm tốt chức năng tham chính bằng hoạt động đa dạng, trong đó có giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện xã hội không chỉ là việc đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước mà là tư vấn thẩm định đối với những chủ trương, chính sách để làm cho sự lãnh đạo, quản lý được tốt hơn. Có lẽ đó cũng là công việc mà những nhà trí thức như ông khi tham gia các Hội đồng Tư vấn muốn đóng góp cho Mặt trận.
Thế nhưng, theo ông Hậu, vấn đề giám sát và phản biện hiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít băn khoăn. Bộ Chính trị đã có Quyết định 217-QĐ/TW ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, Quyết định 218-QĐ/TW Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài pháp lý để thực hiện.
“Nhất thiết phải có hành lang pháp lý để đảm bảo cho quá trình thực hiện đạt kết quả. Nếu không chúng ta sẽ vẫn chỉ dừng lại ở việc tập hợp và kính chuyển mà thôi”- ông Hậu trăn trở.
Cuộc sống hàng ngày của người dân đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết, nhưng theo PGS.TS Trần Hậu, nhiều chính sách hiện nay chưa đến được với người dân hoặc chưa sát với cuộc sống. Bởi vậy, khi muốn giải quyết một vấn đề gì đó người dân phải tự làm theo cách của mình, dẫn đến tình trạng tùy tiện, đôi khi làm rạn nứt khối đại đoàn kết trong dân cư.
“Vai trò của Mặt trận là lắng nghe những bất cập, những bức xúc từ người dân để kiến nghị với các cơ quan chức năng rà soát lại các chính sách hiện có, bỏ đi những gì lạc hậu, bất cập và bổ sung những chính sách mới trên cơ sở khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến dân”- ông chia sẻ.
Tham gia sinh hoạt với khu dân cư, cũng đóng luôn hai vai, vừa là cán bộ ở Mặt trận Trung ương cũng là thành viên Ban Công tác Mặt trận cơ sở, liệu có sự bổ sung, tương trợ cho nhau? - Tôi hỏi. Ông Hậu cười bảo, có nhiều chứ! Công việc của một người làm công tác Mặt trận nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế vô cùng khó khăn và bận rộn. Trăm đầu việc đều đến tay, từ vận động bà con thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, giám sát các công trình xây dựng đến hòa giải, thăm hỏi, chia buồn...mà đều là không lương. Nhưng mừng là những người cán bộ Mặt trận cơ sở mà tôi biết đều rất nhiệt tình và trách nhiệm. Họ luôn biết cân đối hài hòa với điều kiện ở địa phương.
Hay như trong công việc, các thành viên Ban công tác Mặt trận phải thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, nhưng ở đây chỉ có trao đổi chứ không hề có mệnh lệnh cấp trên cấp dưới. Một việc khi đưa ra, các thành viên cùng bàn bạc và quyết định cuối cùng sẽ dành cho số đông. Vì thế công việc Mặt trận theo tôi chỉ nên dành cho những người biết thuyết phục và tập hợp dân, gần dân nắm được tâm tư nguyện vọng của dân để biết họ nghĩ gì, lo gì mà tháo gỡ từng việc.
Và có những việc theo ông, bao năm Mặt trận cấp trên cứ mặc định cấp dưới sẽ làm như các văn bản chỉ đạo, nhưng thực tế không hẳn là vậy.
“Như ở khu phố tôi, người ta không gọi là khu dân cư mà lại gọi địa bàn dân cư. Rồi Ban Công tác Mặt trận theo Điều lệ gồm đại diện các tổ chức thành viên và một số cá nhân tiêu biểu tham gia, nhưng ở một số khu dân cư lại không làm như thế”.
Về hưu đã 8 năm, nhưng tác phong của một người làm công tác Mặt trận vẫn tạo cho PGS.TS Trần Hậu lối làm việc khoa học. 76 tuổi, ông vẫn say mê công tác nghiên cứu khoa học và nhiệt tình với công việc của Mặt trận. Hàng xóm, đặc biệt là các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận rất ngạc nhiên vì thấy ông cụ tóc bạc ấy vẫn đi về sớm tối. Lúc thì lên Hội đồng Lý luận Trung ương; khi sang Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hay vào Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng để giảng dạy, hướng dẫn luận án, rồi đi nghiên cứu khảo sát thực tế tại các địa phương. Và đặc biệt, chẳng mấy khi thấy ông vắng mặt tại các kỳ họp của Mặt trận Trung ương.
Ông bảo, mỗi quý Hội đồng Tư vấn - Khoa học giáo dục họp có một lần nên có rất nhiều vấn đề chúng tôi muốn đóng góp và phản biện, làm sao để những chủ trương, chính sách của Đảng ngày càng gần, càng trúng với cuộc sống của người dân hơn. Tâm tư ấy thật đúng với cái chất con người ông: Đặt ra vấn đề để giải quyết chứ không chỉ là những lời phán xét suông.
“Vai trò của Mặt trận là lắng nghe những bức xúc từ người dân để kiến nghị với các cơ quan chức năng rà soát lại các chính sách hiện có, bỏ đi những gì lạc hậu, bất cập và bổ sung những chính sách mới trên cơ sở khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến dân”- PGS.TS Trần Hậu chia sẻ. |