Từ cao tốc La Sơn - Túy Loan trông xuống, sẽ gặp thôn Giàn Bí của người Cơ Tu đẹp nao lòng và đặc biệt là vẫn bình yên trong “cơn sốt đất” khắp các xã của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) từ giữa năm 2021 đến nay. Ông Trần Xuân Trung - Trưởng thôn Giàn Bí nói rằng: Gần 160 hộ Cơ Tu ở Giàn Bí không ai chia lô tách thửa đất canh tác, đất vườn, rừng để bán, dù được trả giá rất cao...
“Không lẽ cứ nghèo mãi?”
Cạnh tuyến đường ĐT 601 vừa hoàn thành là homestay của A Lăng Như - Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí. Theo chân cô gái A Lăng Hồng (em gái A Lăng Như), trên lối đi nhỏ nở đầy hoa sim, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi nhà sàn trông ra dòng sông Cu Đê xanh ngắt. Ngôi nhà nằm giữa vườn cây trái và khoảng sân rộng làm nơi đốt lửa trại, giao lưu hát múa “Tung tung, Za zá” (vũ điệu truyền thống của người Cơ Tu), là nơi nghỉ ngơi của cùng lúc hàng chục khách, ngăn nắp giữa dãy rèm thổ cẩm truyền thống do chính tay người Giàn Bí dệt nên bằng khung cửi do ông bà để lại.
Vài tháng trước, khi tuyến đường ĐT 601 nối trung tâm thành phố Đà Nẵng với 2 thôn đồng bào Cơ Tu ở Hòa Bắc còn dang dở, lầy lội, Giàn Bí gần như rơi vào cảnh “tự cung tự cấp”, chỉ có các đoàn khách là cán bộ chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đến thăm hỏi, hỗ trợ khó khăn. Những ai quan tâm đến đời sống đồng bào Cơ Tu ở Hòa Bắc, khó có thể nghĩ đến việc trước và sau Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Giàn Bí đón mỗi ngày vài trăm du khách. “Khách muốn đến nghỉ ngơi ở homestay phải liên hệ, lên lịch trước để chuẩn bị chỗ ngủ và thực phẩm” – A Lăng Hồng nói.
Theo lời A Lăng Hồng, từ 3 năm trước, khi khởi công xây dựng homestay, làm du lịch trên khu đất do cha mẹ để lại, anh trai cô là A Lăng Như đã bị nhiều người phản đối vì cho rằng không ai lại đến nơi vắng vẻ, heo hút này để nghỉ dưỡng. Một thời gian rất dài, mô hình homestay của Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí A Lăng Như, chỉ rải rác các nhóm khách đi công việc ghé lại ăn uống, nghỉ ngơi. Khoản chi để duy trì hoạt động luôn vượt quá khoản thu từ việc đón khách, không làm cho A Lăng Như nhụt chí. Anh quyết tâm duy trì mô hình homestay vì tin rằng khi cao tốc La Sơn – Túy Loan và tuyến ĐT 601 hoàn thành, đi qua Giàn Bí, sẽ là lúc khách các nơi tấp nập tìm đến.
Trong câu chuyện với tôi về quá trình xây dựng, duy trì mô hình kinh tế du lịch đầu tiên ở nơi cách trở giao thông và cũng là nơi khó khăn nhất của xã miền núi Hòa Bắc, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí A Lăng Như luôn trăn trở một điều: chẳng lẽ mình cứ mãi nghèo để phải nhận hỗ trợ khó khăn từ Mặt trận, đoàn thể.
Cách không xa homestay của gia đình A Lăng Như là ngôi nhà sàn của vợ chồng chị Zơ Răm Thị Hồng đang còn dang dở. Zơ Răm Thị Hồng cho biết, đã đầu tư 500 triệu đồng làm ngôi nhà sàn. Dù đang phải nợ gần 400 triệu đồng tiền đầu tư, xây dựng nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm hoàn thiện mô hình homestay này để thay đổi cuộc sống gia đình và tạo việc làm cho con em các hộ gia đình trong thôn.
Không ai bán đất!
Trăn trở thoát nghèo của Bí thư Chi bộ A Lăng Như thành hiện thực bởi ở thời điểm này, nhiều hộ dân Cơ Tu ở Giàn Bí đã có thu nhập cao hơn nhờ tham gia tích cực vào mô hình du lịch cộng đồng: múa Tung tung – Za zá, hướng dẫn khách đi tham quan, giới thiệu văn hóa truyền thống, cung ứng thực phẩm bản địa.
Theo lời A Lăng Hồng (em gái A Lăng Như), mỗi hướng dẫn viên là con em các gia đình trong thôn, được trả công 200.000 đến 400.000 đồng cho một lần dẫn khách đi tham quan (tùy khoảng cách xa, gần). Nhiều hộ dân cũng có thu nhập rất cao từ việc cung ứng thực phẩm bản địa (rau rừng, măng, ốc đá).
Bà Trần Thị Linh, sống ở thôn Nam Mỹ, cạnh thôn Giàn Bí cho biết, vợ chồng bà được homestay của A Lăng Như trả 65.000 đồng cho mỗi kg ốc đá bắt từ các con suối trong rừng sâu. Bình quân mỗi ngày, gia đình bà có thu nhập từ 1.300.000 đồng đến 1.500.000 đồng từ việc cung ứng ốc đá cho homestay. Đó là một con số quá ấm no đối với người dân nơi đây.
Mô hình kinh tế du lịch (homestay) dù mới chỉ hình thành theo cách tự phát ở thôn Giàn Bí nhưng hiệu quả bước đầu đã thay đổi cách nghĩ của 153 hộ dân Cơ Tu mưu sinh từ canh tác vườn, rừng. Trong lúc “cơn sốt” rao bán đất canh tác, đất vườn, rừng làm “chao đảo” hàng loạt thôn của xã Hòa Bắc như Hội Yên, Nam Yên, Phò Nam, Nam Mỹ thì cả thôn Giàn Bí nằm cạnh cao tốc La Sơn – Túy Loan, đường ĐT 601 và dòng sông Cu Đê vẫn bình yên!
Trưởng thôn Giàn Bí Trần Xuân Trung khẳng định, đến thời điểm này, không hộ dân nào trong số 153 hộ dân trong thôn bán đất. Đất ở, đất rừng được Nhà nước giao, khoán cho các hộ Cơ Tu thôn Giàn Bí từ trước năm 1980 khi di dời từ Xã Ba, Xã Tư (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn nguyên vẹn. Người Cơ Tu ở Giàn Bí chưa hiểu nhiều về du lịch cộng đồng nhưng thu nhập cao từ việc tham gia vào hoạt động homestay đã tác động tích cực đến tư duy, cách nghĩ của đồng bào – ông Trung chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Bước đầu huyện đã tập trung tư vấn hỗ trợ đầu tư mô hình điểm homestay của hộ gia đình A Lăng Như ở thôn Giàn Bí song song với đề án bảo tồn thiên nhiên và văn hoá Cơ Tu. Qua đó nhiều lễ hội, nghề truyền thống như đan lát, dệt may thổ cẩm, được phục dựng. Bà con Cơ Tu cũng được huyện đưa đi tham quan mô hình du lịch cộng đồng ở một số địa phương, bồi dưỡng hướng dẫn tập huấn kỹ năng về làm du lịch… Huyện còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư Nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng, biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu), ưu đãi hỗ trợ bà con vay vốn làm du lịch.
Ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: Sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Hoà Vang tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng hình thành các cụm du lịch cộng đồng trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và văn hoá đặc trưng của địa phương (trong đó có cụm du lịch cồng đồng tại xã Hoà Bắc). Sở cũng vận động một số khách sạn tài trợ cơ sở vật chất để hình thành điểm du lịch cộng đồng homestay A Lăng Như tại Tà Lang, Giàn Bí.