Theo ông Trần Đức Trường - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hòa Bình, hưởng ứng phong trào xã hội hóa học tập, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp thông qua người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, tuyên truyền, vận động các tầng lớp đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo tham gia phong trào xã hội hóa học tập.
Người có uy tín, già làng tỉnh Hòa Bình tới thăm UBTƯMTTQ Việt Nam. ảnh: Kỳ Anh.
Đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng Nhà nước chăm lo xây dựng cở sở hạ tầng, trường lớp, tạo môi trường giáo dục toàn diện gắn bó giữa gia đình và nhà trường, tạo ra các phong trào: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập... góp phần vào kết quả đạt được, năm học 2016-2017 của tỉnh Hòa Bình.
Tiêu biểu trong phong trào xã hội hóa học tập là ông Nguyễn Đình Sướng, dân tộc Mường, sinh năm 1947 - người có uy tín ở xóm Tràng, xã Tú Lý, huyện Lương Sơn. Ông Sướng là cán bộ hưu trí, là người có uy tín ở khu dân cư, vừa trực tiếp tham gia làm Chủ tịch hội Khuyến học từ năm 2014.
Trách nhiệm của ông Sướng là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở phối kết hợp với UBMTTQ xã và các ban ngành đoàn thể tuyên truyền vận động tổ chức Hội, các chi hội, các ban khuyến học củng cố xây dựng trung tâm học tập cộng đồng xã, xây dựng các mô hình học tập theo Quyết định 281 của Chính phủ đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Đến nay, ở địa phương nơi ông Sướng sinh sống đã có 13/13 xóm có chi hội khuyến học, 4 trường và 1 cơ quan có Ban khuyến học và 2 dòng họ khuyến học với trên 1.300 hội viên. Đặc biệt năm 2016, xã Tú Lý được huyện Lương Sơn chọn làm điểm về xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã.
“Với trách nhiệm là người có uy tín trong cộng đồng, tôi luôn tuyên truyền, vận động con em trong khu dân cư tích cực học tập, không để xảy ra hiện tượng bỏ học”, ông Nguyễn Đình Sướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Chếnh, Bí thư Chi bộ, trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Cơi, xã Vũ Lâm, huyện Lạc Sơn đã vận động được 100% số trẻ trong độ tuổi đi học tới trường, xóm Cơi đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Phong trào khuyến học, khuyến tài luôn được củng cố và duy trì hoạt động tốt.
Hiện nay khu dân cư có 108 hội viên, sinh hoạt theo định kỳ, bình quân mỗi hộ có 1 hội viên khuyến học. Chi hội khuyến học đã xây dựng được quỹ khuyến học để tặng thưởng cho con em có thành tích xuất sắc trong học tập và thi đỗ đại học, cao đẳng hằng năm. Ông Bùi Văn Chếnh khẳng định: Thực tế đã chỉ rõ, những nội dung nào đưa ra hợp với lợi ích của người dân, phong trào đó sẽ được lan tỏa mạnh mẽ.
Già làng Lường Văn Vàng, xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc cũng đặc biệt quan tâm tới công tác chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông Vàng đã vận động nhiều hộ gia đình, cá nhân hưởng ứng phong trào và tự nguyện hiến đất, hiến vườn, hiến ngày công lao động để dành đất đai cho xây dựng các công trình phúc lợi, điển hình là các hộ gia đình bà Hà Thị Sâm, ông Xa Văn Sót, ông Hà Văn Uyên, ông Xa Văn Sộn ở xóm Đắt 1 di dời nhà cửa, vật nuôi, hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng trường học.
Hiện 100% số hộ dân của xã Giáp Đắt được sử dụng điện lưới quốc gia, 7/8 xóm đã có đường bê tông liên xóm, trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ, đảm bảo cho việc dạy và học, khám chữa bệnh cho nhân dân.
Tuy nhiên, già làng Lường Văn Vàng cũng tâm tư: Chính sách đối với già làng, người có uy tín ở các vùng dân tộc thiểu số cần được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm sâu sát hơn nữa, để có những ưu tiên, hỗ trợ kịp thời nhằm khuyến khích, động viên chúng tôi thực hiện tốt hơn mọi công việc được giao.