Ngày 3/5/2020 (tức 11 tháng 4 năm Canh Tý) trái tim “cuốn từ điển” về công tác cán bộ - nhà cách mạng lão thành Nguyễn Đình Hương (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ) đã ngừng đập. Nhưng tư tưởng của một người lãnh đạo trung kiên, nhà tổ chức Đảng liêm chính, bình dị thì còn mãi như “một tấm gương không tì vết”.
“Kiến trúc sư” trong công tác cán bộ
Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt gọi ông là “kiến trúc sư” trong công tác cán bộ. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi ông là “cuốn từ điển” về công tác tổ chức. Còn nhân dân gọi ông là “người con của non sông, đất nước” như chính cuốn sách mang tên ông: “Nguyễn Đình Hương-Người con của non sông đất nước”. Được sinh ra trên mảnh đất cách mạng và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. 16 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng, tham gia đội du kích xã Hưng Long. Chính việc sớm giác ngộ cách mạng, trải qua những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh nên ông thấu hiểu cặn kẽ những sự hy sinh, mất mát lớn lao của những đồng đội vì độc lập tự do của Tổ quốc. Từ việc sớm giác ngộ cách mạng cũng như kinh qua thực tế nên ở cương vị công tác nào, ông cũng tận tâm, tận hiến, giành cả cuộc cho cách mạng. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương (nơi ông công tác gần trọn cuộc đời), dù ở bất kỳ cương vị nào, ông không ngừng phấn đấu, cống hiến và trưởng thành. Trên cương vị là Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông đã chủ động đề xuất nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về tổ chức và cán bộ, hướng dẫn các tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác cán bộ, chăm lo kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ, xây dựng và rèn luyện đội ngũ những người làm công tác tổ chức cán bộ theo phương châm: “trung thực, công tâm, khách quan, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Là người từng được làm việc với ông, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương kể rằng, ông Nguyễn Đình Hương là một con người trung thành, tận tụy với Đảng, hiểu rất sâu sắc về công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời ông đã có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng, tổ chức Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự. Đặc biệt, ông luôn thể hiện thái độ thẳng thắn, trung thực, hiểu biết sâu sắc về công tác tổ chức. “Gần trọn cuộc đời gắn với công tác tổ chức của Đảng trên cương vị Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương với đầy quyền uy như vậy nhưng ông vẫn giữ cho mình lối sống trong sạch, giản dị, thanh đạm, tận tụy, cống hiến hết mình để xây dựng, bảo vệ sự trong sạch của Đảng”, ông Hùng kể.
Chính kiến, thẳng thắng về xây dựng Đảng, chống tham nhũng
Dù công tác ở những vị trí cao, thậm chí có phần được coi là “nhạy cảm” song ông không bao giờ né tránh. Riêng với báo chí, ông bao giờ cũng sẵn sàng chia sẻ. Những phát biểu của ông luôn chính trực, nói thẳng vào vấn đề, không né tránh, không vòng vo, ngay cả những chuyện được coi là “nhạy cảm”. Chỉ có điều, không phải báo nào ông cũng nhận lời trả lời phỏng vấn mà thường có sự lựa chọn, thời điểm nào trả lời trên báo nào là phù hợp. Có lần, khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang hết sức “nóng” vào năm 2012. Khi trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết về những vấn đề cấp bách, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay, ông đã có những phân tích, đề cập hết sức thẳng thắn về công tác cán bộ hiện nay. Mà qua đó, ông đã chỉ rõ những “thói hư, tật xấu” của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên thoái hóa biến chất, xa rời tu dưỡng, ham muốn tiền tài, vật chất, danh vọng. Sau khi dựng bài, tôi đến gặp ông để xem lại trước khi đăng, ông chỉ sửa lại những câu chữ cho thêm phần sắc sảo. Còn những “ý tứ” gai góc, chính trực thẳng thắn góp ý cho Đảng đều được ông giữ nguyên. Chính vị thế của người từng 55 năm làm công tác tổ chức và bảo vệ chính trị nội bộ “không tì vết” là điều trân quý để mỗi phát biểu của ông luôn thẳng thắn, gai góc và không sợ đụng chạm.
Trong một lần trả lời báo chí, ông đã từng nói rất thẳng thắn về nạn chạy chức, chạy quyền. Ông nói: “Chạy chức, chạy quyền bây giờ phổ biến, rầm rộ, trắng trợn, táo tợn, cấp nào cũng có, ngành nào cũng có. Chạy chức, chạy quyền giờ không chỉ phổ biến ở trước các kỳ đại hội, mà sau đại hội cũng vẫn diễn ra gần như công khai, trắng trợn. Chạy không còn là vấn nạn nữa mà đang thực sự trở thành phổ biến đối với đất nước và Đảng ta”. Thẳng thắn đến mức, khi trả lời VietTimes, ông chỉ ra rằng: “Đảng đang đứng trước nguy cơ “3 hóa”: tự tha hóa; phân hóa giàu nghèo; và chuyển hóa đang thực sự là những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Vì vậy trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi và đặc biệt phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn”.
Cũng vì sự thẳng thắn, góp ý chân thành, không né tránh của ông dành cho Đảng, cho công tác cán bộ mà lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã có những nhận định về ông đầy xúc động: Với tâm huyết, lòng nhiệt thành của người cán bộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Đình Hương luôn tỏ rõ quan điểm và chính kiến về những vấn đề đặt ra, thường xuyên có những tiếng nói mạnh mẽ, thẳng thắn về công tác tổ chức xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí”.
Khiêm tốn, bình dị
Hơn 55 năm làm công tác tổ chức, là “nhạc trưởng” đầy uy quyền song ông vẫn sống ngôi nhà trong khu tập thể cũ, trong một ngách hẹp tại 195 B4 phố Đội Cấn, Hà Nội. Căn phòng khách bên cạnh sân chỉ rộng chừng 10m2 với bộ bàn ghế cũ kỹ là nơi ông gặp tiếp khách và trả lời phóng viên báo chí. Những người từng làm việc và quen biết ông lâu năm đều có chung một nhận xét: “ông là người lòng dạ ngay thẳng, rất khó mua chuộc”. Là người thân thiết với gia đình ông, nhà báo Lê Thọ Bình cho biết, ông từng chia sẻ rằng không ít lần có tổ chức, cả những cá nhân gợi ý bố trí biệt thự cho ông ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí cả Vũng Tàu, nhưng ông đều từ chối, bởi theo ông: “nhu cầu ăn ở cũng chỉ chừng này là đủ”.
Qua rất nhiều kỳ Đại hội Đảng khi còn đương chức và về hưu, tiếng nói của ông đã góp vào tư duy và trí tuệ chung của Đảng. Từ đó mà đến nay chúng ta có được một bộ máy và nhân sự tốt. Bởi gốc rễ thì nhân sự tốt là nhân tố đầu tiên quyết định thắng lợi của Đảng, của đất nước. Ông Nguyễn Đình Hương là vậy. Luôn là con người ngay thẳng, bộc trực, liêm khiết và trên hết, như ông đã từng nói: “Cụ Hồ đã nói rồi, muốn xây một cái nhà đẹp thì trước hết phải quét sạch rác rưởi. Công tác cán bộ cũng vậy. Trước hết phải sạch và không dính líu đến “lợi ích nhóm”. Đó là hai tiêu chuẩn rất quan trọng của một cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược”. Đó cũng là ước nguyện ông trọn đời cống hiến trên cương vị một đảng viên cộng sản, một “kiến trúc sư” về công tác cán bộ cả đời luôn gắn với đấu tranh đến cùng để bảo vệ sự trong sạch của Đảng. Và từ nay, Đảng đã mất đi một người đảng viên tận tụy, trung thành. Cuộc đời và sự cống hiến của ông sẽ mãi được Đảng, nhân dân ghi nhớ: “Một người con của non sông, đất nước”.
Ông Nguyễn Đình Hương (bí danh Phi Hùng), sinh ngày 7/1/1930; quê quán Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An; Thường trú tại: Số nhà 30/195 B4 Đội Cấn, phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội; tham gia cách mạng tháng 3 năm 1946, vào Đảng ngày 10/11/1948. Ngày 10/11/1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1951 -1952: Làm cán bộ Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghệ An.
Năm 1953: Cán bộ Sở Vận tải Trung ương, thừa ủy quyền Chi sở trưởng Tuyên Quang.
Năm 1954 - tháng 4/1956: Tham gia cải cách ruộng đất tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn Tây (nay là Hà Nội), Nam Định.
Tháng 5/1956 đến năm 1964: Cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Năm 1965: Ông được đề bạt làm Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương.
Năm 1981: Vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ.
Tháng 3/1982: Ông được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan và Thường vụ Đảng ủy Ban Chấp hành Đảng bộ Khối I (nay là Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương).
Tại Đại hội 6 của Đảng (tháng 11/1986), ông được bầu làm ủy viên BCH Trung ương Đảng, được phân công làm Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 (tháng 6/1991), ông tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương Đảng, được phân công làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Tháng 7/1993: Ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.
Tháng 7/1996: Phó trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Thường trực A47.
Ông nghỉ công tác từ tháng 4/2005.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.