Ông Trịnh Tiến Dần, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm 5, Bãi Vĩnh (xã Tràng An, huyện Bình Lục-Hà Nam) cho rằng, gần 30 năm làm công tác Đảng, công tác Mặt trận đó chính là những năm tháng bận rộn nhất, vất vả nhất nhưng cũng vui và ý nghĩa nhất.
Ông Trịnh Tiến Dần bên tấm bia khắc tên con em quê hương học hành đỗ đạt.
Từ đường cái nườm nượp xe cộ, rẽ xuống con dốc, đi qua cổng làng vừa được làm mới, xuôi vào sâu Bãi Vĩnh nằm ven con sông Châu Giang, chúng tôi gặp một không gian khác hẳn: làng quê thanh bình, yên tĩnh, nhà nào nhà nấy rợp bóng cây xanh, lúc lỉu hoa trái. Những gì riêng có của làng quê gần như còn nguyên vẹn ở nơi này...
Ông Trịnh Tiến Dần tiếp khách bằng sự khiêm cung, nhẹ nhàng vốn có của người đã có hơn 35 năm làm “hương sư” (thầy giáo Tiểu học) cùng chén nước chè và quả bưởi-đặc sản của bãi-ông vừa vặt xuống từ vườn nhà.
Ông thuộc khu dân cư này như lòng bàn tay mình. Theo ông Dần, cũng nhờ kinh tế khá giả hơn mà mấy năm qua, dân trong xóm có điều kiện đóng góp xây sửa được mấy công trình chung, từ nhà văn hóa đến làm đường, làm cổng làng, giúp cho làng cho xóm thêm phần khang trang...
Về hưu từ năm 1990, ông Dần nay đã xấp xỉ tuổi bát tuần nhưng đã có gần 30 năm công tác xã hội sau khi nghỉ hưu trong đó, từ năm 2009 cho đến nay ông về xóm làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận.
Lúc này chúng tôi mới để ý đến căn phòng ở ngôi nhà ngang ông Dần ngồi tiếp khách. Trên tường treo kín mấy chục chiếc giấy khen, bằng khen của đủ các cấp từ xã đến huyện, tỉnh vì đủ các thành tích, phong trào. Ông chia sẻ, gần 30 năm làm công tác Đảng, công tác Mặt trận, mấy năm qua với ông là những năm tháng bận rộn nhất, vất vả nhất nhưng cũng vui và ý nghĩa. Đơn giản là, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, trưởng xóm; tuyên truyền, vận động của Ban Công tác Mặt trận, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xóm đã chung sức, đồng lòng làm được nhiều công trình, phần việc chung, thiết thực phục vụ sản xuất, cải thiện điều kiện dân sinh ở địa phương...
Đơn cử, từ năm 2013 xóm hoàn thiện được công trình nhà văn hóa vốn được xây dựng từ trước nhưng thiếu kinh phí đành bỏ dở.
“Khó nhất là lấy kinh phí đâu để hoàn thiện? Họp bàn, thống nhất xóm quyết định không thu của dân mà kêu gọi cán bộ, đảng viên trong chi bộ, con em quê hương có điều kiện ủng hộ. Người ủng hộ 1 triệu, người 5 trăm, người ủng hộ gạch, người ủng hộ xi-măng, cuối cùng công trình cũng được hoàn thiện, khang trang. Từ ngày có nhà văn hóa, sinh hoạt của chi bộ, các hội, đoàn thể nền nếp hơn hẳn, những sinh hoạt cộng đồng khác cũng có nơi tổ chức”, ông kể.
Nói đến việc làm đường, ông bảo việc này khó hơn nhiều. Bởi lẽ, trước đây đường làng ngõ xóm chỉ rộng chừng 2-3m, nay theo quy cách mới phải mở rộng hơn, sẽ lạm vào đất, công trình của nhiều hộ dân ven đường. Chẳng có cách nào khác, chi bộ, Ban công tác Mặt trận phải tuyên truyền, vận động các hộ trên hiến, góp đất cho xóm.
“31 hộ dân ven đường sau đó đều vui vẻ tự nguyện hiến cho xóm tổng cộng hơn 1000 m2 đất thổ cư, thổ canh, có hộ hiến trên 100 m2, tháo dỡ 500 m2 tường dậu, phá 12 cổng nhà, giúp xóm thực hiện việc mở rộng đường. Phần đóng góp chung ngoài phần hỗ trợ xi-măng của tỉnh các hộ đều thực hiện nghiêm túc, tổng cộng lên tới 1 tỷ đồng. Nhờ vậy đến nay toàn bộ 3km đường trong xóm đã được mở rộng, trải bê-tông mới”, ông phấn khởi kể.
Để “có trước có sau”, không để các hộ dân ở mặt đường thiệt thòi, các ông Mặt trận lại tuyên truyền, vận động những hộ ở phía trong quyên góp, hỗ trợ thêm cho các hộ trên, tất cả đều vui vẻ thực hiện.
Chính vì vậy, làm một việc liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của mọi người, mọi nhà trong xóm nhưng ai nấy, trước sau đều đồng thuận, không để xảy ra mâu thuẫn.
Hỏi ông kinh nghiệm làm công tác Mặt trận, kinh nghiệm kết hợp công tác Đảng với công tác Mặt trận, ông cười hiền bảo, chẳng có ai được dạy làm Bí thư, làm Trưởng ban Công tác Mặt trận nên mình vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Cuối cùng ông rút ra một điều, muốn thành công, mọi việc của xóm, của làng đều phải được họp bàn dân chủ, công khai. Dân chủ, công khai từ trong chi bộ, các đoàn thể đến trong nhân dân. Phương châm là mọi việc chỉ thực hiện khi có sự đồng thuận của số đông.
“Quan trọng nhất là quá trình thực hiện cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Ví như mình vận động bà con đóng góp, hiến đất, dỡ tường để mở rộng đường mà nhà mình, người thân của mình không thực hiện thì ai nghe?”, ông Dần trải lòng.