Người cựu binh và mô hình cà phê chồn

Đại Dương - Lam Hồng 07/06/2017 10:30

Với bản tính thích tìm tòi khám phá cái mới lạ để làm ăn, ông Nguyễn Tiến Đức (thôn 5, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) sau nhiều lần tìm hiểu, đã mạnh dạn đầu tư nuôi chồn và làm cà phê chồn. Dù mới hình thành khoảng một năm nay, nhưng ông Đức hy vọng mô hình của mình sẽ phát triển và mang lại hiệu quả bền vững.

Ông Đức và vợ bên sản phẩm hạt cà phê chồn.

Vốn là công an vũ trang, chuyển ngành, ông trải qua nhiều công việc khác nhau rồi gắn với nghiệp làm nông. Với tư duy làm ăn táo bạo, có lúc ông và gia đình làm chủ đến hàng trăm ha đất làm nương rẫy. Trải qua nhiều biến đổi trong làm ăn, khoảng năm 2015, ông Đức bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chồn và làm cà phê chồn.

Ông tìm đọc các tài liệu về con chồn hương, cách nuôi chúng, cách làm cà phê chồn, giá trị của cà phê chồn… Để có thêm kiến thức từ thực tế, ông đi đến nhiều nơi có mô hình nuôi chồn để tìm hiểu. Sau đó, ông bàn với vợ quyết tâm mua chồn về nuôi với ý định sẽ làm cà phê chồn.

Ban đầu, vợ ông là cô giáo dạy Văn cấp 2 đã nghỉ hưu, cũng có nhiều ái ngại. Nhưng biết tính chồng đã tính gì là quyết định làm cho bằng được nên cũng thuận tình. Bà cũng hy vọng mô hình nuôi chồn và làm cà phê chồn của gia đình sẽ mang lại hướng đi khả quan. Vậy là ở tuổi 60, ông Đức lại bắt đầu một cuộc khởi nghiệp mới, không hề dễ dàng.

Bỏ ra một số vốn kha khá dành dụm từ tiền lương hưu của cả hai vợ chồng, ông Đức mua chồn hương cả đực và cái về nuôi. Vốn tính cẩn thận và lo xa, ông chỉ tìm mua chồn có nguồn gốc rõ ràng, đã được cấp phép, không mua chồn trôi nổi để vừa đảm bảo hợp pháp vừa an toàn về bệnh tật cho chồn.

Thời điểm ông mua một con chồn có giá khoảng 8 triệu đồng, đó là giá của loại chồn có nguồn gốc rõ ràng. Để đảm bảo an toàn vệ sinh và kiểm soát được bệnh tật cho chồn và chất lượng cà phê chồn, ông Đức làm chuồng trại rất sạch sẽ, thoáng mát, có hệ thống biogas.

Sau một thời gian nuôi, chồn của gia đình ông thích nghi với môi trường mới và sống khỏe.

Để sản xuất cà phê chồn, đến mùa cà phê chín, ông Đức cùng vợ chọn hái những trái chín cho chồn ăn. “Chồn rất khôn và kén ăn. Chúng chỉ ăn những trái cà phê chín mọng và còn tươi. Trái chưa chín lắm hoặc héo là chúng không ăn”. - ông Đức nói.

Ông Đức cho biết, nhân hạt cà phê được chồn ăn và thải ra có màu hồng đỏ, rất đẹp và phảng phất hương thơm. Nhân cà phê này đem phơi khô, xay vỏ để cho ra hạt cà phê thô. Sau đó mới đem rang xay thành cà phê chồn.

Ông Đức cho biết, cà phê chồn nếu không pha đường cũng có vị hơi ngọt. Sau một mùa ông Đức đã làm được mấy chục kg cà phê chồn, nhưng chưa có nơi tiêu thụ. Mong ước của ông Đức là muốn tìm được đầu ra ổn định cho cà phê chồn để có thêm vốn tái sản xuất. “Cũng có một số người tìm đến tôi hỏi mua cà phê chồn nhưng rồi không thấy quay lại”- ông Đức chia sẻ.

Có thể nói, với xu thế và chính sách đẩy mạnh nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, những mô hình làm cà phê chồn như ông Đức cần được khuyến khích, hỗ trợ.

Mỗi ký cà phê chồn thô còn ở dạng lọn kết dính, hạt còn nguyên vỏ trấu có giá khoảng 2 triệu đồng. Nếu hạt cà phê chồn sau khi tách vỏ có giá 3,3-3,7 triệu đồng/kg, chế biến đóng gói dạng bột sẽ có giá lên tới 10 triệu đồng/kg. Người ta cho rằng, dưới tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày của chồn hương, hạt cà phê được hấp thụ bớt protein nên khi rang xay, cà phê ít đắng hơn, mùi vị cũng đặc trưng và rất lạ so với các loại cà phê thông thường. Đó chính là lý do khiến loại cà phê này trở thành đặc sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cựu binh và mô hình cà phê chồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO