Thay vì đi chợ hoặc siêu thị, người dân Thủ đô có thể đến các điểm bán hàng lưu động để mua sắm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho gia đình trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Sáng 30/8, quận Ba Đình (Hà Nội) triển khai điểm bán hàng lưu động tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh. Đây là 1 trong 10 điểm bán lưu động trên địa bàn quận Ba Đình được triển khai phục vụ người dân của 14 phường trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Các mặt hàng được cung cấp tại điểm bán hàng lưu động có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và kinh doanh theo quy định. Các loại thực phẩm tươi sống được bán phong phú, gồm: rau, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm, giá đỗ, đậu phụ, bánh cuốn, giò chả,… Đơn vị cung cấp tại điểm bán hàng này là Công ty TNHH Hương Việt Sinh.
Theo bà Dương Thị Diễm, cán bộ phòng Kinh tế, quận Ba Đình, điểm bán hàng lưu động tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh được mở cửa phục vụ người dân trên địa bàn 2 phường Điện Biên và Kim Mã sau khi chợ Ngọc Hà tạm thời ngừng hoạt động do liên quan tới trường hợp tiểu thương bán hàng tại chợ dương tính với SARS-CoV-2.
Với mục tiêu bảo đảm người dân đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu; không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực, điểm bán hàng lưu động sẽ hoạt động vào các buổi sáng trong tuần, từ 7h30 đến 11h30.
Theo ghi nhận, người dân đến mua hàng được đơn vị tổ chức đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, nhắc nhở xếp hàng bảo đảm giữ khoảng cách 2m/người.
Mỗi người dân đến mua thực phẩm phải mang theo phiếu đi chợ, đi chợ đúng ngày ghi trên phiếu và phải thực hiện khai báo y tế, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Bảng báo giá các sản phẩm được niêm yết cụ thể ở bên ngoài và bên trong điểm bán hàng, thuận lợi cho người mua hàng lựa chọn sản phẩm. Sau khi lựa chọn được hàng hóa, người mua hàng điền danh mục các hàng hóa cần mua vào phiếu và chuyển tới tay người bán hàng.
Đối với những người dân trên địa bàn phường Điện Biên và Kim Mã, điểm bán hàng lưu động là hoạt động rất thiết thực trong bối cảnh chợ Ngọc Hà tạm thời bị phong tỏa.
Bà Đỗ Thị Vân (số 69 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên) cho biết: “Chợ Ngọc Hà đóng cửa 3 ngày nay, gia đình tôi nấu nướng bằng lương thực tích trữ trong lần đi chợ trước đó. Điểm bán hàng mở cửa đúng lúc lương thực nhà tôi đang hết. Tôi hài lòng khi nhu yếu phẩm ở đây bảo đảm nguồn gốc, giá cả ổn định”.
Đến với điểm bán hàng lưu động tuy các thủ tục để được mua hàng rườm rà hơn đi chợ dân sinh nhưng bà Nguyễn Thị Hải (số 4B phố Yên Thế, phường Điện Biên) cảm thấy yên tâm khi các biện pháp phòng, chống dịch được bảo đảm nghiêm ngặt.
Ngoài điểm bán hàng lưu động tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, các điểm bán hàng được duy trì hiện nay trên địa bàn quận Ba Đình ở các địa điểm: Trường THCS Thăng Long (phường Cống Vị ), Trường THCS Phúc Xá (phường Phúc Xá), Trường Tiểu học Việt Nam-Cu Ba (phường Trúc Bạch), Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (phường Quán Thánh), Trường Tiểu học Ba Đình (phường Ngọc Hà), Trường THCS Hoàng Hoa Thám (phường Vĩnh Phúc), Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (phường Trung Trực), Trường Tiểu học Đại Yên (phường Đội Cấn) và vỉa hè ngõ 629 Kim Mã (phường Ngọc Khánh).
Được biết, để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu yếu phẩm phục vụ người dân trên địa bàn, thời gian tới, UBND quận Ba Đình sẵn sàng mở các điểm bán hàng lưu động như thế này khi cần thiết để bán hàng cho người dân trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cùng với quận Ba Đình, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng bố trí các điểm bán hàng lưu động thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch Covid-19. Theo Sở Công thương Hà Nội, sở này sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.
Với cách làm hay, hiệu quả, mô hình điểm bán hàng lưu động đang được người dân đánh giá là cần thiết tại thời điểm này và cần được nhân rộng trên địa bàn thành phố.