Trả lời câu hỏi của phóng viên Đại Đoàn Kết, chủ tọa phiên họp báo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, chính quyền, người dân nơi vùng dự án Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp rất đồng tình ủng hộ.
Quang cảnh buổi họp báo.
Chiều ngày 13/10, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo thông tin nội dung liên quan dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp (NMTVP). Tham dự có rất đông các lãnh đạo đơn vị liên quan và cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn và trung ương.
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, vừa qua có các thông tin trái chiều về dự án này không chính xác khiến người dân lo lắng không an tâm.
“Do đó, cuộc họp này chúng ta sẽ làm rõ mọi vấn đề, vì sao di dời nhà máy, công nghệ nhà máy, sự ảnh hưởng đến môi trường như thế nào...”, ông Quang nhấn mạnh.
Sở TN-MT và đại diện của NMTVP đã đưa ra nhiều thông tin về dự án và trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Về tình hình hoạt động của nhà máy: Đây là nhà máy từ năm 2010, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho phép đầu tư dự án NMTVP tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1, tại huyện Điện Bàn, với quy mô 3ha, chứ hoàn toàn không phải là dự án đầu tư mới.
Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển đô thị tại thị xã Điện Bàn và khi nhà máy đi vào hoạt động đã gây ra tiếng ồn và khí thải từ ống khói, mặc khác do gần với khu vực đông dân cư nên dẫn đến sự phản đối của người dân.
Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo công ty thực hiện các giải pháp để khắc phục, hạn chế ô nhiễm và đã tổ chức rất nhiều đợt kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động, tiến hành phân tích các mẫu khí thải (8 lần) và các thông số thu thập được đều nằm trong giới hạn cho phép.
Trước thông tin, việc nhà máy di dời lên tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, các sông Vu Gia 5 km, có dư luận tỏ ra lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên của hội đồng thẩm định ĐTM nhà máy NMTVP trả lời câu hỏi của phóng viên.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên của hội đồng thẩm định Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhà máy NMTVP cho rằng: Đây là nhà máy sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu (sắt thép phê liệu) để sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải và tiềng ồn. Nhà máy không sử dụng quặng sắt.
Nước sản xuất được lấy từ nước ngầm khai thác từ các giếng khoan, nước thải sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Quang, cho rằng, đối với số tiền NMTVP đề nghị hỗ trợ là 123,85 tỷ đồng, UBND tỉnh chưa thống nhất việc này.
Phóng viên Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi: Trong tất cả nguyên nhân di dời nhà máy có nguyên nhân người dân phản đối. Vậy địa điểm nhà máy mới người dân có phản đối hay không? Nếu có phản đối thì có tiếp tục di dời hay không? Nhà máy này sẽ đóng góp cho ngân sách và giải quyết công ăn việc làm đối với người dân địa phương như thế nào?
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TNMT tại buổi chủ trì cuộc họp báo.
Trả lời câu hỏi này, chủ tọa phiên họp báo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TNMT cho rằng, trong cuộc họp với chính quyền và các cơ quan chức năng cùng người dân trong vùng dự án về thông tin ĐTM, chính quyền, người dân nơi vùng dự án rất đồng tình ủng hộ. Còn đại diện NMTVP khẳng định, sẽ tuân thủ chặt chẽ những quy định về mô trường trong quá trình hoạt động.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, địa phương là vùng núi nếu được đầu tư phát triển công nghiệp là giúp địa phương phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và đóng góp ngân sách là việc làm cần thiết. Nhưng mong muốn công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải được thực hiện tốt.