Khác với những đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trước đó, đợt giãn cách này, TP Hồ Chí Minh cho phép thêm một số lĩnh vực, ngành nghề hoạt động trở lại, tránh tình trạng bị đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Từ tối 15/8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành văn bản khẩn số 2718/UBND-VX về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
So với những đợt giãn cách trước đây, lần này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép một số ngành nghề lĩnh vực sản xuất hoạt động trở lại. Trong đó, nhóm ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến các cơ sở sản xuất thực phẩm như: bánh mỳ, tàu hũ, bún, hủ tiếu,... được người dân quan tâm nhất.
Anh Trần Hoàng Quân, chủ lò bánh mì Hoàng Quân, 679 Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cơ sở sản xuất bánh bì của gia đình anh ngưng hoạt động 2 tháng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngay khi nắm bắt được thông tin UBND TP Hồ Chí Minh cho phép hoạt động lại, hôm nay (17/8), anh đã bắt đầu sản xuất mẻ bánh mì đầu tiên.
“Cảm giác lúc này vừa vui mà vừa lo. Vui vì được sản xuất lại, lo là vì sản xuất ra rồi không biết bán thế nào. Nhu cầu của người dân chắc chắn là cao, nhưng với việc hạn chế ra ngoài thì cũng lo lắng không biết là bán có được nhiều không”, anh Quân nói.
Trước đây, lò bánh mì của anh Quân cung cấp khoảng gần 1.000 ổ/ngày, chủ yếu là trong địa bàn TP Thủ Đức. Anh Quân cho biết, do hôm nay là ngày sản xuất lại đầu tiên nên anh chỉ làm khoảng 200 cái để bán. Anh đã liên hệ với các mối về việc sản xuất lại, ngoài ra, anh cũng sẽ bán tại chỗ để mọi người biết.
Dự kiến, sản lượng sẽ tăng theo từng ngày. “Khi người dân, các mối lấy bánh mì họ biết mình sản xuất và bán lại rồi thì sẽ làm nhiều hơn”, anh Quân hồ hởi.
Một trong những điều khiến anh Quân quan tâm nhất hiện nay chính là nguồn nguyên liệu đầu vào. Do nguyên liệu sản xuất bánh mì không để được lâu nên anh không có dự trữ. Hiện nay, việc vận chuyển nguyên liệu rất khó khăn do vướng nhiều quy định, ngoài ra, giá cả đầu vào cũng tăng cao phi mã cũng là một thách thức không chỉ riêng với lò bánh mì của anh mà còn có các chủ lò khác nữa. Tuy nhiên, anh cho biết mình sẽ không tăng giá. Anh Quân tâm niệm, “dịch bệnh bà con đã khó khăn rồi, cứ giá cũ mà bán thôi”.
Còn với bà Mộng Uyển, chuyên sản xuất bún tươi ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, việc thành phố nới lỏng cho một số mặt hàng thực phẩm được sản xuất trở lại, trong đó có bún tươi khiến bà rất vui mừng.
Bà Uyển chia sẻ, “Gia đình mình chỉ sản xuất hộ cá thể thôi. Hôm qua nghe tin được làm lại mừng quá chú. Nguyên liệu thì nhà mình luôn luôn sẵn sàng. Tối qua cả nhà thay phiên nhau gọi điện cho các mối thông báo và để biết nhu cầu ra sao. Vì gia đình mình chủ yếu bỏ mối. Nhiều mối họ cũng đang e dè chưa dám lấy bán và nếu có thì cũng không lấy nhiều. Chợ thì đóng cửa nên mình có nhờ con gái chủ động liên hệ với một số cửa hàng như bách hóa xanh xem thử có nhập hàng được không. Từ ngày mai thì nhà mình mới sản xuất lại. Dự kiến sản lượng ngày đầu khoảng 100kg bún tươi”.
Chị Nguyễn Lan, cơ sở sản xuất đậu hũ Nguyễn Văn Chanh, ở đường Hồng Bàng, quận 6 cũng mừng ra mặt khi đậu hũ cũng nằm trong danh mục được sản xuất lại. “Nhà mình đã chính thức sản xuất lại từ đêm hôm qua, đưa ra thị trường khoảng 1.000 miếng đậu hũ. Chủ yếu là giao lại cho các mối, các chủ hàng bán online. Bây giờ cơ sở sản xuất của mình cũng đang rất trông chờ vào các mối là chủ hàng bán online. Vì họ chốt đơn được bao nhiêu thì mình giao bấy nhiêu”, chị Lan nói.
Chị Lan dự báo, khả năng sản lượng sẽ có sự thay đổi nếu đường sá thông thoáng, các đơn hàng bán online tăng nhiều hơn. Cũng giống như anh Cường hay bà Uyển, chị Lan xác định không tăng giá bán. “Dịch bệnh nhiều mặt hàng tăng giá cao để bù chi phí, nhưng gia đình mình xác định, kinh doanh là phải giữ chữ tín hàng đầu nên hàng vẫn được bán với giá như ngày thường”, chị Lan bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết chủ các cơ sở sản xuất bánh mỳ, tàu hũ, bún, hủ tiếu đều dự kiến sản lượng đầu ra chỉ ở mức thăm dò thị trường. Chưa dám sản xuất nhiều. Vì hiện nay, theo quy định người dân chỉ được đi chợ 2 lần/tuần nên sức mua còn yếu. Chợ truyền thống chỉ mở được một số, trong khi các mặt hàng này để vào siêu thị, hay các cửa hàng bách hóa tổng hợp cũng không phải là dễ nếu như chưa có giao kèo hợp đồng trước đó. Nguồn cung hiện tại đang trông chờ vào các mối hàng online.
Hầu hết các cơ sở sản xuất đều tuân thủ nghiêm ngặt an toàn các khâu vệ sinh phòng dịch. Các cơ sở sản xuất đều trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn. Người lao động được trang bị khẩu trang, bao tay, kín chắn giọt bắn, và luôn giữ khoảng cách khi sản xuất. Sau khi ngưng sản xuất trong ngày sẽ thực hiện vệ sinh khử khuẩn khép kín.
“Với người giao hàng, chúng tôi yêu cầu trang bị bảo hộ đầy đủ mới được nhận hàng. Tiền thì chuyển khoản. Nếu đưa tiền mặt thì tiền cũng được phun khử khuẩn. Tất cả phải đảm bảo yếu tố an toàn lên hàng đầu khi sản xuất, kinh doanh”, chị Nguyễn Lan khẳng định.
Sản xuất được thì vui một phần nhưng bán được hay không, bán cho ai, bán như thế nào cũng là một bài toán khó. Dù sao đi nữa, việc một số ngành, nghề lĩnh vực tại TP Hồ Chí Minh được hoạt động trở lại cũng là tín hiệu tích cực. Ngoài việc đảm bảo không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho người dân thì cũng cho thấy công tác chống dịch đã có hiệu quả nhất định.
Hi vọng, sau bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu được cho sản xuất lại, nhiều mặt hàng, lĩnh vực sản xuất tương tự cũng sẽ được TP Hồ Chí Minh nới lỏng thêm.