Cộng đồng mạng lan truyền chóng mặt những bức hình Ngọc Trinh sải bước trên thảm đỏ, ở một trong những liên hoan phim danh giá nhất hành tinh.
Cannes ra đời lần đầu tiên năm 1939 (sau đó bị gián đoạn mất vài năm đến 1946 mới tiếp tục trở lại) và trong nhiều thập niên của thế kỷ 20, là một thánh đường mà ở đó chỉ tôn vinh nghệ thuật. Ở thành phố bên bờ biển Saint-Tropez đầy nắng, đã từng có cả thời gian dài được chạm tay vào Cành cọ Vàng là ước mơ của nhiều ngôi sao điện ảnh hàng đầu thế giới.
Ở châu Á, không nhiều những cái tên chạm tới mơ ước này. Trong lịch sử hơn 70 năm của Cannes chỉ có 8 tác phẩm điện ảnh châu Á giành được Càng cọ Vàng, trong đó Nhật Bản chiếm tới 5 phim. Các quốc gia còn lại từng đoạt Cành cọ Vàng là Trung Quốc (Bá vương biệt Cơ), Ấn Độ (Lowly City), Iran (Taste of Cherry), Thái Lan (Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives). Nghĩa là tiếng thế Trương Nghệ Mưu chưa từng được chạm tay vào Cành cọ Vàng (Phim Phải sống của ông chỉ mới được Giải thưởng Lớn tại Cannes). Còn đạo diễn lừng danh Vương Gia Vệ chỉ từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Cannes.
Đại diện duy nhất của điện ảnh Hoa ngữ cho đến nay đoạt giải thưởng danh giá nhất của Cannes vẫn chỉ là Trần Khải Ca với Bá vương biệt Cơ vừa kể trên. Củng Lợi nhiều lần sải bước ở Cannes, thậm chí còn được mời làm giám khảo nhưng cũng chưa chạm tới được Cành cọ Vàng. Một đại diện xuất sắc khác của châu Á là đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk cũng chỉ mới đoạt giải Sư tử Vàng ở LHP Venice…
Ở Cannes đã từng có những quy định rất chặt chẽ về trang phục của các ngôi sao khi bước trên thảm đỏ ra mắt công chúng. Với các quý ông điện ảnh là trang phục smoking kiểu truyền thống còn với các người đẹp là váy đầm dạ hội thường do các nhà mốt nổi tiếng thiết kế. Vào LHP Cannes năm 1953, đã từng có một việc gây xôn xao khi có một nhân vật nổi tiếng không tuân theo quy định này, đó là họa sĩ thiên tài Pablo Picasso khi đến Cannes chỉ mặc một chiếc áo vest da cừu chứ không mặc cả bộ smoking…
Nếu lấy mốc 1939, Cannes đến bây giờ tròn 80 năm. Nhưng thông thường, người ta tính tuổi của LHP Cannes kể từ năm 1946, tức là cũng đã 73 năm. Trong ngần ấy năm, Cannes đương nhiên không chỉ toàn có danh giá. Đã có một số bê bối ở thảm đỏ danh giá này. Năm 1954, LHP Cannes phải đối mặt với vụ bê bối lớn khi nữ diễn viên Simone Silva trong khi chụp ảnh với ngôi sao Robert Mitchum trước báo giới đã đồng ý bỏ áo ngực để thay vào đó là hai bàn tay của Mitchum.
Vụ bê bối này vừa làm ảnh hưởng tới liên hoan, vừa hủy hoại sự nghiệp của Silva, cô tự tử sau sự kiện này chỉ 3 năm. Còn tại LHP Cannes 2005, trong khi bước trên thảm đỏ, nữ diễn viên huyền thoại người Pháp Sophie Marceau cũng bất cẩn để lộ một phần ngực. Sự kiện này sau đó được gọi là một vụ bê bối nhỏ của Cannes…
Nhắc lại ngần ấy việc dài dòng, để trở lại chuyện đang xôn xao trên mạng, về những bước sải trên thảm đỏ ở Cannes của một người đẹp Việt Nam. Chuyện về cô ấy, cô Ngọc Trinh, vốn từ trước đến nay đã nhiều lần nóng rồi. Nhưng lần này khiến cư dân mạng sôi lên vì cô ấy đến Cannes mà mặc như không mặc gì. Việc này, làm nhiều người cho là một việc rất đáng xấu hổ, làm xấu mặt người Việt…
Thực ra, Trinh mặc gì, trước hết là xấu mặt cô ấy thôi. Nhất là khi ta biết rằng thư mời tới Cannes ngày càng mất giá, thậm chí nghe đồn được bán ra nước ngoài nhằm kiếm lợi nhuận. Và một số công ty giải trí của các người đẹp ở các nước đã chi tiền ra mua để người đẹp của họ xuất hiện ở Cannes. Tư thế của người đẹp vô danh mua vé đến Cannes nó không giống ngôi sao điện ảnh khi xuất hiện trên thảm đỏ. Và lý giải vì sao các người đẹp ấy phải dùng chiêu trò rẻ tiền như mặc mà không mặc gì.
Nếu có buồn thì việc này nên đáng buồn là điện ảnh Việt Nam bao giờ chạm tay tới Cành cọ Vàng danh giá khi mà hình ảnh người Việt mỗi năm xuất hiện trên thảm đỏ ở thành phố biển Cannes lại là một người đẹp vô danh đối với giới điện ảnh, nhất là điện ảnh thế giới.
Chắc chắn việc như của Trinh không được xếp vào trong số bê bối trong lịch sử của Cannes, bởi vì không ai lại nhắc tới những người vô danh đã từng xuất hiện trên thảm đỏ.