Sẽ khó có tên gọi chính xác về nghệ thuật mà Bùi Văn Tự đang theo đuổi, nhưng với anh đó là nghệ thuật “điêu khắc ánh sáng”.
Chọn một lối đi riêng, với nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự là điều không hề dễ dàng. Nghệ thuật của Tự là sự kết hợp giữa tạo hình, điêu khắc và chiếu bóng, dùng ánh sáng để tác động đến thị giác, phản chiếu những hình ảnh theo ý muốn.
Ít ai có thể nghĩ rằng, đằng sau những tạo hình điêu khắc hay những hình dạng kỳ lạ được tạo nên bởi vỏ lon, vỏ chai... lại trở thành một tác phẩm nghệ thuật dưới ánh sáng của nghệ thuật chiếu bóng.
Cái tài của nghệ nhân Bùi Văn Tự là từ những khúc gỗ, hòn đá vô tri vô giác anh có thể tận dụng để thể hiện ý tưởng của mình. Theo anh, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là cuộc chơi trên phần bóng của mỗi vật thể với một nguồn sáng cố định. Dưới sự chiếu rọi của ánh đèn, những chiếc bóng xuất hiện cùng câu chuyện và nhân vật.
Sinh năm 1992, với niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật đã giúp Bùi Văn Tự bước đầu gặt hái được nhiều thành công.
Chân dung mỗi người là một kiệt tác độc bản, hội tụ của ba dòng chảy: thời gian, không gian và tâm thức. Vì vậy việc thể hiện một tác phẩm chân dung không chỉ đơn thuần là "mô tả lại các thông số giải phẫu trên gương mặt". Người nghệ sĩ cần thể hiện những nét cá tính của nhân vật, thể hiện những thăng trầm của cuộc đời họ.
NGHỆ NHÂN BÙI VĂN TỰ
Khách đến tham quan gian phòng nhỏ ở Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt (Gia Lâm, Hà Nội) của nghệ nhân Bùi Văn Tự đều không khỏi ngạc nhiên, khi thấy những khúc gỗ được anh chạm khắc thành tác phẩm nghệ thuật, hay từ mảnh ghép của phế liệu được anh tạo thành những bức tượng… Lúc đầu trông thì có vẻ kì dị nhưng khi anh chiếu đèn vào, những tác phẩm ấy lại trở nên lung linh, huyền ảo, bóng chiếu của những tác phẩm được chạm trổ, lắp ghép ấy bỗng hiện ra chân dung nhiều nhân vật nổi tiếng… Sự kết hợp giữa tác phẩm điêu khắc và ánh sáng đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn mới, khác xa so với bản mà mọi người đã nhìn thấy khi chưa chiếu sáng.
Không chỉ khắc họa chân dung các nhân vật nổi tiếng, Bùi Văn Tự còn thực hiện nhiều triển lãm, trong đó có triển lãm giáo dục “Thế giới của những thiên tài”.
Điều làm nên sự đặc biệt của triển lãm này, vật thể trình chiếu đều là các vật liệu tái chế hoặc những vật dụng có liên quan đến nhân vật là các nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Thomas Edison, Archimedes...
“Tôi thực hiện dự án này với mong muốn lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nghệ thuật và tạo cảm hứng học tập cho các bạn trẻ, qua đó giúp họ hình dung rõ hơn về các nhà khoa học vĩ đại và những đóng góp của họ cho nhân loại. Bên cạnh đó, việc thực hiện bằng các nguyên liệu tái chế cũng là thông điệp về bảo vệ môi trường mà tôi muốn gửi gắm tới các bạn trẻ, để các bạn nâng cao ý thức giữ gìn Trái đất xanh”, Bùi Văn Tự chia sẻ, và không giấu giếm mong muốn sẽ có điều kiện và cơ hội để sáng tạo những tác phẩm điêu khắc ánh sáng có giá trị cho xã hội, đồng thời giới thiệu được những sản phẩm độc đáo đến với người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Kể về nhân duyên đưa anh bước theo con đường nghệ thuật này, Bùi Văn Tự chia sẻ nó được xuất phát từ phát hiện thú vị của anh từ khi còn là sinh viên.
Trong một lần dựng và trang trí tiểu cảnh cho hòn non bộ, khi lắp đặt ánh sáng để làm nổi bật tiểu cảnh, anh chợt nhìn thấy bóng của hòn non bộ hắt lên tường rất giống hình con gấu. Khi đó anh chợt nghĩ, tại sao không kết hợp giữa tác phẩm nghệ thuật với ánh sáng để tạo ra một tác phẩm theo ý mình…
Nuôi ý tưởng đó đến khi tốt nghiệp, sau khi ra trường, mặc dù không bắt tay ngay vào khởi nghiệp với ý tưởng trên, anh chọn làm kỹ sư xây dựng cho một cơ quan nhà nước, nhưng ý tưởng về loại hình nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đó vẫn luôn hiển hiện trong đầu nên anh vừa làm việc vừa tranh thủ mày mò. Ban đầu, anh dùng xi măng để tạo nên tác phẩm “Người mẹ” - một bức tượng có hình con chim mẹ mớm mồi cho chim con, khi chiếu đèn vào, bóng hắt lên tường sẽ là hình ảnh người mẹ đang bế con. Để làm tác phẩm này, anh mất đến gần 4 tháng mới hoàn thành.
Tuy nhiên, nhận thấy làm bằng xi măng khá khó khăn nên anh chuyển sang cách thử làm bằng phế liệu, lắp ghép lại để tạo ra những hình đơn giản như con chim, xe ô tô… Cho đến năm 2014, xem chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" (Vietnam Got Talent), Bùi Văn Tự nảy ra ý tưởng tham gia để giới thiệu nghệ thuật mới này đến khán giả. Nghệ thuật độc đáo và tài năng của Bùi Văn Tự đã chinh phục ban giám khảo cũng như khán giả, giám khảo Hoài Linh đã ấn nút vàng để anh đi thẳng vào vòng chung kết. Sự ủng hộ của ban giám khảo và khán giả trong chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" đã giúp cho Bùi Văn Tự có thêm dũng khí theo đuổi con đường nghệ thuật của riêng mình. Anh quyết định nghỉ việc ở cơ quan để bắt đầu một hành trình mới.
Hành trình của anh bắt đầu thay đổi và khởi sắc khi kết nối với chất liệu gốm. Trong một lần đến với làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), Bùi Văn Tự đã bị cuốn hút với những tạo hình gốm ở đây. Từ đó, bên cạnh gỗ, phế liệu, gốm là chất liệu để anh chế tạo ra các tác phẩm của mình. Nhờ vốn kiến thức, niềm đam mê hội họa, điêu khắc tự học từ nhỏ, chỉ mất 3 ngày, Bùi Văn Tự đã nắm vững cách làm và có thể nặn, vuốt các loại bình, ấm, lọ hoa... Năm 2020, anh khởi nghiệp với những tác phẩm độc đáo, được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật thú vị: Điêu khắc ánh sáng.
Lựa chọn kết hợp cả hai loại hình nghệ thuật: Nghệ thuật điêu khắc đòi hỏi nghệ sĩ ngoài những kiến thức hội họa căn bản còn là sức sáng tạo, tư duy khác biệt và đôi tay khéo léo. Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng lại là sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, truyền thần, nghệ thuật sắp đặt, cùng tình yêu với thi ca, văn hóa - lịch sử. Bùi Văn Tự phải nỗ lực gấp nhiều lần để tạo ra những tác phẩm toát lên thần thái riêng đầy sinh động, phản ánh đúng nét tính cách trong đặc trưng sáng tác của anh.
Thông thường, để thực hiện một tác phẩm, Bùi Văn Tự mất từ 1 đến 6 tháng, bao gồm việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, tạo hình và bổ sung chữ, thơ để tạo thành một tác phẩm hoàn thiện. Anh thường tìm nguồn cảm hứng sáng tạo tác phảm từ chính những con người anh có duyên gặp trong cuộc sống.
Các tác phẩm của anh được sáng tác trên một số chủ đề như những hình ảnh về đức Phật; câu chuyện về người mẹ, chân dung danh nhân, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, nhãn hiệu, thương hiệu…
Ở Bát Tràng những ngày cuối năm này, nghệ nhân Bùi Văn Tự đang tất bật với những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm chào đón năm mới Giáp Thìn 2024. Anh chia sẻ, những tác phẩm này sẽ lấy hình tượng rồng làm chủ thể, sau đó tạo tác thành hai chủ đề. Với hình tượng rồng thời Lý sẽ kể câu chuyện “Con rồng cháu tiên”. Còn với hình tượng cá chép hóa rồng (hình điêu khắc cá chép, bóng của cá chép là rồng), anh Tự cho biết, tác phẩm sẽ thể hiện khát vọng vươn lên của người Việt Nam, hứa hẹn sẽ cho ra mắt vào một ngày không xa.