Lưu Sơn Minh là nhà văn trưởng thành sau 1975. Mỗi khi nhớ đến anh, tôi hình dung một người lầm lũi, độc hành trên con đường vắng. Anh bền bỉ viết về những cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc, trong đó có cả những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ gắn với bao máu xương của người Việt.
Nhà văn Lưu Sơn Minh.
PV:Đọc tác phẩm của anh, thấy anh quan tâm nhiều đến những cuộc chiến trong lịch sử dân tộc. Anh có thể lý giải vì sao?
Nhà văn Lưu Sơn Minh: Trước mắt các tiểu thuyết của tôi vẫn xoay quanh 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông. Còn các cuộc chiến tranh thời hiện đại cũng đã xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của tôi, từ truyện đầu tay. Tôi cũng đã từng viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng từ góc độ của người lính Mỹ (truyện “Chú lùn thứ bảy”). Từ phía nào cũng vậy thôi, chiến tranh vẫn là chiến tranh. Mất mát. Tổn thương. Và chết chóc. Có lẽ còn rất lâu nữa người Việt mới có thể nguôi đi nỗi ám ảnh về các cuộc chiến tranh. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục viết về các cuộc chiến tranh hiện đại. Bởi vì tôi luôn muốn viết về những thân phận người mà trong chiến tranh thì có biết bao thân phận.
Từ góc độ của người viết truyện lịch sử, anh suy nghĩ như thế nào về sự kiện 30-4-1975?
- Từ góc độ người viết, có thế nói chiến thắng 30-4-1975 là một đề tài tuyệt vời cho các nhà văn, kể cả từ hai phía. Trong chiến thắng này còn chứa đựng vẻ đẹp của nghệ thuật quân sự, những bản hùng ca, và dĩ nhiên, không thể thiếu câu chuyện về những số phận đã khuất lấp. Với cá nhân tôi, 30-4-1975 là một dấu ấn đáng nhớ về ngày thống nhất. Tôi tin, còn nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được sáng tác về dấu mốc này.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bảo rằng ông không mơ tưởng hay xác định văn chương, tác phẩm của mình phải lưu danh hậu thế. Còn Lưu Sơn Minh, quan niệm về văn chương của anh thế nào?
- Tôi không tin lắm rằng những người làm văn học nghệ thuật cứ chỉ nhăm nhăm muốn lưu danh có thể tạo ra được một tác phẩm gì giá trị. Viết, với tôi, vẫn luôn thuần túy là dồn những cảm xúc và suy ngẫm, trăn trở lên trang giấy. Còn hậu thế có lưu danh hay không, ấy lại là vấn đề của hậu thế.
Bìa tiểu thuyết "Trần Khánh Dư".
Từ lúc ngồi trong giảng đường Trường Đại học Y viết truyện ngắn đầu tay “Bến trần gian” chỉ với một ngày học (5 tiết buổi sáng và gần 3 tiết buổi chiều) cho tới nay, việc viết đối với tôi vẫn như thế. Có khác chăng, chỉ là khi viết “Bến trần gian”, tôi còn chẳng biết mình đang viết cái gì...
Tức là anh viết trong vô thức?
- Đúng vậy. Sau này, khi đọc “Bến trần gian”, nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo tôi, lúc đó là ma nó đọc cho chú viết. Còn những truyện về sau là chính chú viết.
Không nói tới vấn đề to tát lưu danh hậu thế, nếu hồi đó ở tuổi 19, chỉ cần cứ nhăm nhăm xác định cố viết để được giải truyện ngắn Văn nghệ quân đội (như “Bến trần gian” đã được nhận) thì có lẽ đến giờ tôi còn chưa dám viết một cái truyện ngắn nào ấy chứ!
Còn những tác phẩm sau này, anh viết “có ý thức”?
- Khi đã viết một cách có ý thức thì dân dần sẽ đi kèm với viết có trách nhiệm. Trách nhiệm với chính mình, trách nhiệm với nhân vật, và trách nhiệm với độc giả.
Với chính mình và với độc giả thì có thể hiểu được. Còn trách nhiệm với nhân vật, trong khi những nhân vật của anh toàn là nhân vật lịch sử?
- Mỗi tác phẩm, dù truyện ngắn hay tiểu thuyết, tôi thường viết rất lâu. Nhất là các tiểu thuyết. Như cuốn “Trần Quốc Toản” tôi viết trong 6 năm, cuốn “Trần Khánh Dư”- 8 năm. Vì thế, các nhân vật trở nên hết sức gắn bó tới mức thân thuộc. Việc có trách nhiệm với những “người thân thuộc” có lẽ cũng là một ứng xử thường tình chứ không phải là một điều gì lên gân lên cốt cả.
Trong quan sát của anh, độc giả ngày nay khác gì so với ngày trước?
- Độc giả ngày trước, ít thứ để đọc, để “hưởng thụ” văn hóa nghệ thuật hơn. Do đó, ngày trước độc giả còn có thể rộng lòng với những tác phẩm vừa vừa. Chứ bây giờ, có lẽ những gì không trụ nổi, sẽ chìm nghỉm trước những sức ép từ bốn phía. Từ truyền thông, từ dư luận, từ cả các tác phẩm khác... Nhất là với những độc giả trẻ, nếu không thực sự gây được ấn tượng với họ, mỗi tác phẩm văn học khó mà đương đầu nổi với âm nhạc, điện ảnh, thời trang, game... về độ cuốn hút thông qua hiệu ứng nghe-nhìn. Tôi đã từng nghe vài nhà văn có tuổi đổ tại các bạn trẻ không đọc sách vì Internet.
Tôi không đồng ý với quan niệm đó. Sách, hay bất cứ thứ gì khác, không được phép có bất kỳ quyền ưu tiên hay miễn trừ nào. Nếu bị Internet (và nhiều thứ rất hấp dẫn khác) “chiếm” mất độc giả, vậy thì sách phải tự xem lại độ thu hút và hiệu quả tác động của mình trước. Đừng vin vào những giá trị cũ để mà áp đặt vào thế hệ mới. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”!
Cuốn tiểu thuyết “Trần Khánh Dư” của anh vừa ra mắt đã được tái bản. Đó là một bất ngờ, khi nhiều người vẫn nói độc giả quay lưng với sách lịch sử nói riêng, lịch sử nói chung. Theo anh thì độc giả có quay lưng, có thờ ơ không?
- Chỉ với một chút thành công bước đầu (nếu tạm coi việc vừa ra mắt 2 tuần đã được tái bản là thành công) mà đã vội vã kết luận điều gì đó, e rằng không thỏa đáng. Trước mắt, tôi mới chỉ dám cảm thấy mừng khi vẫn còn những độc giả đón nhận tiểu thuyết lịch sử. Đặc biệt, trong số đó, đa phần lại là bạn đọc trẻ. Nhìn cái cách họ hào hứng mua sách và tìm tác giả xin chữ ký, rồi chia sẻ quan điểm và mong ngóng chờ phần tiếp theo, tôi thực sự ấm lòng...
Cái cách chúng ta giáo dục lịch sử cho học sinh, cho thế hệ trẻ, theo anh có phải là nguyên nhân chính khiến cho nhiều người ngại học Sử, ngại thi Sử, và tình yêu với sách lịch sử cũng có phần phai nhạt?
- Việc biến những giờ học lịch sử, nhất là các bài thi đồng hành với nỗi ám ảnh của những con số khô cứng cùng các bài học rút ra hết sức giáo điều đã tác động xấu cả đến người học và người dạy. Bệnh thành tích khiến người dạy bằng mọi giá phải nhồi nhét cho được mớ thông tin đó vào đầu người học. Và người học, đương nhiên hoàn toàn thụ động trở nên phản cảm với những gì bị nhồi nhét. Nhất là khi người học lại là lứa thiếu niên trẻ trung, đầy năng động... Các em sẽ nhanh chóng chán ngán những giờ học lịch sử tẻ ngắt như vậy. Tôi cũng đã trải qua những giờ học như thế: buồn ngủ vô cùng...
Con đường văn chương anh chọn là viết về những đề tài lịch sử hiện rất ít người theo đuổi, nhất là các nhà văn trẻ. Anh có cảm thấy mình cô đơn và muốn có thêm những người đồng hành trên con đường đó?
- Tôi mê đọc truyện lịch sử từ nhỏ. Tôi đã lớn lên cùng những nhân vật trong các truyện lịch sử mà ông ngoại mua cho. Mục tiêu đầu tiên khi viết truyện lịch sử của tôi là làm thế nào kể tiếp về những nhân vật tôi đã từng yêu. Mục tiêu thứ hai: tạo ra một góc nhìn lại đối với những nhân vật mà tôi cảm thấy đã bị đánh giá bất công. Với tôi, mọi sáng tạo đều cô đơn, vì sự riêng biệt và cá tính của nó. Tôi không băn khoăn về sự cô đơn, càng không băn khoăn về việc có người đồng hành hay không. Có lẽ điều này xuất phát từ bản tính bao lâu nay trong văn hay cả trong cuộc đời tôi vẫn lầm lũi, độc hành.
Theo anh, cách nào để có thêm nhiều tác phẩm văn chương viết về lịch sử hấp dẫn, hợp với độc giả đương thời?
- Chưa bao giờ, tôi đặt ra câu hỏi “cách nào để có thêm tác phẩm viết về lịch sử hấp dẫn”. Và, tôi cũng không định trả lời câu hỏi đó. Nếu bị đề tài cuốn hút, hãy viết. Nếu có một cảm xúc mạnh với nhân vật, hãy viết. Còn nếu muốn làm một cái gì đấy để đạt được điều này điều nọ, thì hãy dừng lại. Vậy thôi...
Có thể nói, nhà văn Hà Ân là một người thầy trong văn chương của anh? Bây giờ nhắc đến Hà Ân, anh nhớ kỷ niệm gì về ông?
- Tôi lớn lên cùng những nhân vật trong truyện của Hà Ân. Rồi khi đã viết văn, tôi tìm gặp bác lúc đầu cũng chỉ vì muốn được hỏi thêm về các nhân vật mà tôi yêu quý. Chính bác đã động viên tôi viết tiếu thuyết lịch sử, thay vì tự “khoanh tròn” mình ở mảng truyện ngắn. Những tìm tòi, những thắc mắc hay trăn trở, tôi đều tìm đến bác.
Việc được nhà văn Hà Ân đồng ý cho “nối dài” nhân vật của bác sang những tác phẩm của tôi, thực sự là vô cùng có ý nghĩa. Sắp tới tôi sẽ tái bản cuốn tiểu thuyết “Trần Quốc Toản” có sửa chữa và bổ sung. Việc viết cuốn “Trần Quốc Toản” cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của tôi với nhà văn Hà Ân. Trong gần 6 năm tôi đã ì ạch viết được nửa cuốn và rồi hoàn toàn bỏ đấy. Một buổi trưa tháng 5 âm lịch (2005), tôi lên thăm nhà văn Hà Ân, bác đột nhiên giục tôi và giao thời hạn viết nốt cuốn sách trong vòng 2 tháng. Tôi vâng dạ cho xong, nhưng khi trở về, vô tình lật giở tư liệu tôi giật mình nhận ra ngày hôm đó ứng vào dịp kỷ niệm 720 năm ngày mất của Trần Quốc Toản. Tôi vội vã viết và đã hoàn thành cuốn sách sau đúng 2 tháng.
Trân trọng cảm ơn anh!
Chiến tranh vẫn là chiến tranh. Mất mát. Tổn thương. Và chết chóc. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục viết về các cuộc chiến tranh hiện đại. Bởi vì tôi luôn muốn viết về những thân phận người mà trong chiến tranh thì có biết bao thân phận. Nhà văn Lưu Sơn Minh |