Đó là bà Connie Culp, bệnh nhân đầu tiên được ghép mặt tại Mỹ, đã qua đời ở tuổi 57, hôm 31/7, tại Phòng khám đa khoa Cleveland, nơi trước đây đã thực hiện ca phẫu thuật.
Theo Đài NBC News, nguyên nhân cái chết của bà Culp không được tiết lộ nhưng bà đã nhập viện suốt nhiều ngày.
Bà Connie là một người phụ nữ sôi nổi, dũng cảm đáng kinh ngạc và là nguồn cảm hứng của nhiều người. Sự mạnh mẽ của bà đã được chứng minh qua sự thật rằng bà là bệnh nhân ghép mặt sống lâu nhất cho đến nay - bác sĩ Frank Papay của Viện Phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu thuộc phòng khám Cleveland nói.
Bà Culp đến phòng khám vào năm 2004 sau khi bị chồng bắn vào mặt. 4 năm sau, các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 22 giờ để thay thế 80% khuôn mặt của bà Culp từ một người hiến tặng. Trước khi được ghép mặt, bà Culp đã trải qua gần 30 ca phẫu thuật chỉnh hình khác.
Mặc dù việc ghép mặt không giúp bà Culp lấy lại gương mặt ban đầu, nhưng vào năm 2009 bà cho biết mùi xà phòng giúp bà nhận ra gương mặt mới của mình đang hoạt động. 2 năm sau, bà kể với chương trình “Today” rằng bà đã lấy lại được khứu giác nhưng chỉ nhận biết được những mùi thơm như mùi đồ ăn, nước hoa và hoa cỏ. Ngoài ra, bà có thể ăn bất cứ thứ gì, kể cả thịt bò, sau nhiều năm chỉ ăn được thức ăn mềm.
Sau khi được ghép mặt, bà Culp dành nhiều năm chia sẻ câu chuyện của chính mình và diễn thuyết về nạn bạo lực gia đình, đồng thời truyền bá kiến thức và động viên những bệnh nhân đang trải qua các ca phẫu thuật cấy ghép.
Theo bác sĩ phẫu thuật Maria Siemionow, hành trình giúp bà Culp hồi phục đã truyền cảm hứng cho giới y học trong nghiên cứu về việc giảm khả năng đào thải sau cấy ghép. “Nghĩ về bà Connie là nghĩ về một người đã không bỏ cuộc và tôi cũng sẽ không từ bỏ. Chúng tôi đang nối kết các tế bào tủy xương của người hiến và người nhận để hỗ trợ việc ghép mặt và các nội tạng khác để tạo ra sự dung nạp và giảm nhu cầu ức chế miễn dịch suốt đời” - bác sĩ Siemionow nói với NBC.
Ghép mặt là một trong những thủ thuật y học khó khăn nhất, cho tới nay toàn thế giới cũng mới chỉ có 40 trường hợp như vậy, tất nhiên là với mức độ khác nhau. Việc bà Culp qua đời khiến người ta nhớ lại một ca ghép mặt hi hữu khác, đó là trường hợp của cô Katie Stubblefield, người phụ nữ trẻ nhất thế giới được cấy ghép khuôn mặt từ người hiến tặng. Cô đã phải trải cuộc chiến với tử thần kéo dài 31 tiếng, cũng tại bệnh viện mà bà Culp ghép mặt. Sau một lần tự sát hụt, cô gái 18 tuổi bị mất đi khuôn mặt. Cô phải chờ đợi 3 năm và chiến đấu với rất nhiều cuộc phẫu thuật để có được một khuôn mặt mới hoàn toàn.
Người thân của Katie chia sẻ với National Geographic rằng, cô từng là một người vui vẻ, lạc quan. Katie là người cầu toàn, luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo và cô luôn nỗ lực để đạt được những điều mình mong muốn. Tuy nhiên, vào ngày 25/3/2014, Katie tìm thấy những tin nhắn của bạn trai và một cô gái khác trong điện thoại của anh. Điều này dẫn đến việc cô cảm thấy bị phản bội và mối quan hệ này đã kết thúc trong đau khổ. Katie đã lặng lẽ đi vào phòng tắm, đặt nòng súng săn dưới cằm và bóp cò. Khi anh trai Katie chạy vào thì đã thấy em gái mình ngã xuống đất, xung quanh máu me vương đầy. Và khuôn mặt của Katie đã vĩnh viễn biến mất từ đó.
Khi cô được đưa đến bệnh viện, bác sĩ Gastman, người trực tiếp phẫu thuật cho Katie nói rằng, đây là một trong những chấn thương khuôn mặt tồi tệ nhất mà ông từng gặp phải. Cuối năm 2015, bệnh viện đề nghị Katie nên ghép mặt. Tháng 3/2016, cô vào danh sách những người chờ ghép mặt. Và ngày 4/5/2017, Tiến sĩ Gastman đã bước vào phòng của Katie và thông báo một tin vui. Cuối cùng thì Katie cũng đã có được một khuôn mặt mới. Đã 3 năm từ khi cô bị mất đi khuôn mặt, hơn một năm có tên trong danh sách chờ được ghép mặt, Katie cuối cùng cũng có thể có được một khuôn mặt mới.
Sau 31 giờ phẫu thuật, gần như 100% cơ mặt tự nhiên của Katie biến mất mà thay vào đó là của người hiến tặng, và cô phải tập luyện để điều khiển những cơ mặt đó. Tới nay, trường hợp ghép mặt như của bà Culp và cô Katie vẫn được coi là thành tựu vĩ đại của y học thế giới.