Thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), năm 2011, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% tổng số dân cả nước, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo đến năm 2038, tức là chỉ sau khoảng 27 năm, tỷ lệ này sẽ đạt xấp xỉ 25%, khi đó nước ta được gọi là có dân số già. Vậy, cần làm gì để người cao tuổi được chăm sóc một cách chu đáo?
Được biết, để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi thì nước Mỹ phải mất 69 năm, nước Úc 73 năm, Thụy Điển 85 năm, Pháp 115 năm. So sánh để thấy quá trình già hóa dân số ở nước ta diễn ra rất nhanh.
Năm 2005, đất nước bước vào giai đoạn “dân số vàng”, có nghĩa là 40% trong tổng dân số là người trẻ ở độ tuổi 16 đến 30, và 30 năm sau (2035) ít nhất 20 đến 25% số người trong nhóm “vàng” này bước vào độ tuổi 60. Cùng đó là chất lượng sức khỏe thấp. Báo cáo về Tình hình thực hiện công tác dân số 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia: chỉ khỏe mạnh đến 64 tuổi, đặc biệt 67,2% trong số họ có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Phụ nữ có trung bình 11 năm sống trong bệnh tật, trong khi ở nam giới là khoảng 8 năm.
Theo giới chuyên gia dân số, thực tế cho thấy việc xây dựng các quy định pháp lý và một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội hoàn thiện cho xã hội chuyển dần sang già hóa là rất cần thiết; trong đó có hệ thống nhà dưỡng lão.
Hiện tại, chỗ dựa của người già chủ yếu là gia đình, dòng họ, làng mạc theo kiểu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Cả nước mới chỉ có một bệnh viện lão khoa thành lập năm 2016 với quy mô khiêm tốn 500 giường. Không có trường đại học nào có khoa lão khoa. Chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên ngành điều dưỡng phục vụ người già. Một nghiên cứu thực hiện năm 2018 cho thấy hơn 95% người già ở TP Hồ Chí Minh “bó gối” ở nhà xem tivi.
Trong số 63 tỉnh, thành của cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện (nhà) dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2025 mỗi tỉnh có ít nhất 1 viện dưỡng lão, nhưng thực tế cho thấy điều đó khó thực hiện. Nếu nói rằng tuổi trẻ là tương lai đất nước thì tuổi già là tương lai của mỗi người. Vì vậy, bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải tự lo, nhưng suy cho cùng thì đó cũng là vấn đề xã hội, mà hệ thống viện dưỡng lão là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, nhu cầu được chăm sóc tại các trung tâm dưỡng lão ở TPHCM đang tăng lên, và tâm lý xã hội cũng không còn quá nặng nề khi con cái đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. UBND TPHCM cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) đến năm 2030. Theo đó sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa.
Vẫn theo ông Lâm, năm 2022 TPHCM có chủ trương khuyến khích các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ dưỡng lão và đã tiếp nhận được một số hồ sơ xin phép thành lập cơ sở. Tuy nhiên, sau thẩm tra, có các vấn đề chưa phù hợp theo quy định hiện hành. Cụ thể là những khó khăn như các chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế đất.
"Chúng tôi sẽ tổng hợp những vấn đề khó khăn cụ thể của các đơn vị và có những đề xuất. Tuy nhiên những khó khăn này nằm ở tầm vĩ mô (nghị định và luật) nên muốn chuyển hóa không thể một sớm một chiều" - ông Lâm cho biết.
Còn theo ông Bùi Anh Trung - Giám đốc Viện Dưỡng lão Bình Mỹ (TPHCM), hiện các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập trung tâm/viện dưỡng lão, bởi ở Việt Nam đây là một mô hình mới. "Nhà nước có hỗ trợ cho hoạt động của các viện dưỡng lão, nhưng hiện chưa có một mô hình mẫu chuẩn hay hướng dẫn chi tiết cụ thể. Các trung tâm, viện dưỡng lão tư nhân hoạt động thường học hỏi kinh nghiệm mô hình mẫu từ các nước trên thế giới. Nên có những hướng dẫn chi tiết hơn để các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được hoạt động thuận lợi" - ông Trung nói.
Bên cạnh đó, mức phí chăm sóc người cao tuổi hiện nay khá cao. Khảo sát tại Hà Nội và TPHCM vào thời điểm đầu tháng 9/2022, mức phí nhà dưỡng lão tư nhân xê dịch từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng 1 người/tháng. Với mức phí “sàn” 7 triệu đồng/người/tháng thì 6 người/phòng, rộng trên dưới 36m2. Với các mức phí từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng 1 phòng 4 người. Từ 15 triệu đồng đến 18 triệu đồng 2 người 1 phòng. Mức phí 19 triệu và 20 triệu đồng/người/tháng 1 người 1 phòng.
Tất nhiên, với các mức phí khác nhau thì dịch vụ được hưởng sẽ khác nhau.
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng. Nếu tính theo thời giá, người cao tuổi muốn vào nhà dưỡng lão lúc này cũng không dễ dàng gì, cho dù là với mức đóng góp thấp nhất (với nhà dưỡng lão tư nhân 7 triệu đồng/người/tháng). Nhìn chung họ vẫn phải trông nhờ vào sự hỗ trợ của con cái, người thân ở mức độ nào đó. Trong khi với các trung tâm bảo trợ xã hội công lập, đối tượng chủ yếu là người thuộc diện gia đình chính sách, có công, những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa.
Xã hội hóa việc xây dựng nhà dưỡng lão cũng như tạo điều kiện để phát triển mô hình này, giảm chi phí cho người cao tuổi vào sống trong nhà dưỡng lão là điều cần thiết. Và, như nhận xét của giới chuyên gia dân số, thì việc đó phải tiến hành ngay từ bây giờ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay, các cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả chế độ hưu trí hằng tháng cho gần 2,7 triệu người với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng. Cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo tính toán của cơ quan này, mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (thu nhập bình quân của người dân năm 2021 là 4,2 triệu đồng/người/tháng).