Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng Luật và Quản trị kinh doanh, nhưng Quách Phan Tuấn Anh đã lựa chọn rẽ ngang để trở về với nghề truyền thống đậu bạc, quyết tâm dành cả một đời để giữ gìn và phát huy nét văn hoá truyền thống của làng Định Công (Hà Nội).
Nghề chọn người
Nằm bên cạnh đền thờ tổ nghề kim hoàn, ngôi nhà xưởng rộng chừng 30m2 là nơi nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh cùng nhân viên của mình đang chăm chú làm việc. Mỗi người một tác phẩm riêng, người làm tranh hoa sen, người làm chùa Một Cột... Vẻ say mê hiện rõ trên khuôn mặt của từng người…
Sinh ra trong một gia đình có bố là nghệ nhân - ông Quách Văn Trường, ngay từ nhỏ Quách Phan Tuấn Anh đã được tiếp xúc với các công đoạn để tạo ra sản phẩm đậu bạc. Từ khâu nấu bạc, kéo bạc thành sợi đến tết sợi, uốn cong, đậu thành những sản phẩm hoàn chỉnh... Phải mất rất nhiều công người thợ bạc mới có thể hoàn thiện một sản phẩm, bởi vậy mà trước đây người nghệ nhân 42 tuổi không hề có ý định theo nghề của cha ông.
“Ở cái tuổi đôi mươi ấy, trong suy nghĩ chung của thanh niên là muốn ra ngoài bay nhảy, làm những công việc năng động thay vì ngồi một chỗ và làm công việc gò bó, nên hồi đó tôi không có ý định theo nghề. Cũng có thời gian bố quyết tâm hướng dẫn tôi làm nghề nhưng tôi nhất định từ chối vì bản thân không thể ngồi được một chỗ để làm những công việc tỉ mẩn như thế”, nghệ nhân Quách Tuấn Anh nhớ lại.
Mặc dù đã thẳng thừng từ chối nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Quách Phan Tuấn Anh lại là người tiếp quản xưởng đậu bạc của gia đình. Cái duyên đến với nghề của anh phải kể từ sự tiếc nuối những đơn đặt hàng của bố. Anh kể: “Thời điểm năm 2003, khi mới ra trường tôi gặp trường hợp rất nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng mà bố tôi khi đó lại là nghệ nhân cuối cùng của làng nghề, chỉ có duy nhất ông làm nên nhiều đơn hàng bị từ chối. Tôi thấy đây là cơ hội để phát triển mở rộng sản xuất nhưng ông lại không làm như vậy. Từ lúc đó tôi nhận ra đây là cơ hội để phát triển và khôi phục làng nghề truyền thống, vậy nên tôi theo bố học nghề một cách nghiêm túc từ năm 2003”.
Nghề đậu bạc không phải là nghề có thể học xong trong ngày một, ngày hai mà nó là cả một quá trình. Trong nghề có nhiều bước cơ bản, trước hết là tập làm. Người thợ cần tập đi tập lại việc uốn, tạo hình từ những sợi chỉ bạc rồi dần mới chuyển sang làm sản phẩm. Khi đã quen tay thì những sản phẩm đơn giản chỉ cần vài tiếng là hoàn thiện, nhưng để đạt đến trình độ ấy, Quách Phan Tuấn Anh đã mất vài tháng, có khi đến cả năm để thạo nghề.
Thời gian đầu khi mới tập làm, một sản phẩm có lúc anh phải làm đi làm lại, nhưng khi hoàn thành lại cảm thấy rất vui bởi bản thân đã vượt qua được giới hạn mà mình đã đặt ra. Từ những sản phẩm đầu, anh tiếp tục tìm tòi và thử sang nhiều sản phẩm khác. Năm 2010, trong cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tuấn Anh đã làm ra 5 sản phẩm mới.
“Nếu như trước đây người thợ chỉ làm các loại mặt phẳng, trang sức, hình hộp thì tôi cố gắng thử làm các hình cong, đường lượn tạo thành hình thù các con vật, may mắn thay sản phẩm Trâu vàng của tôi được trao giải Sản phẩm thủ công tinh xảo”, anh chia sẻ. Có thể nói đây là dấu mốc quan trọng để người truyền nghề cho anh tin tưởng vào một thế hệ sẽ nối tiếp nghề truyền thống của cha ông mà vui vẻ trao cho anh toàn quyền quản lý xưởng kim hoàn.
Nhìn lại chặng đường gần 20 năm gắn bó với nghề đậu bạc, nhiều khi Quách Phan Tuấn Anh lại có cảm giác như tổ nghề đã chọn anh làm người kế nghiệp. “Bản thân tôi cảm giác như là nghề chọn người, cảm giác như mình được tổ nghề chọn để làm công việc này”, anh vui vẻ nói. Trải qua thời gian nhiều năm làm nghề, có lẽ nghề đậu bạc đã ăn vào máu của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. Tình yêu dành cho nghề truyền thống của cha ông lớn lên trong anh từng ngày, bởi vậy mà ngoài những lúc vui vẻ khi hoàn thiện sản phẩm hay nhận được đơn hàng lớn của khách, anh cũng không khỏi lo lắng cho việc đào tạo nhân lực để truyền nghề.
Nối dài sợi chỉ bạc
Như cách để làm ra một sản phẩm đậu bạc hoàn chỉnh, từ bước nấu rồi đúc thành các thanh bạc, đưa qua máy cán, cán thành các sợi bạc nhỏ hơn, rồi đưa vào bàn kép có các lỗ từ to đến nhỏ để tạo ra sợi nhỏ như sợi chỉ khâu, từ sợi chỉ đó se lại gọi là sợi chỉ se bạc,... thì để đào tạo một người thợ lành nghề cũng mất nhiều thời gian tương tự.
Năm 2005, Quách Phan Tuấn Anh quyết định mở rộng xưởng. Ngày đầu không có vốn anh phải chạy vạy khắp nơi để mở lớp dạy đậu bạc miễn phí. Anh tâm sự: “Ngày đầu, lớp có gần 20 học viên, nhưng sau vài tháng con số cứ vơi dần. Lúc đó, tôi cảm thấy rất thất vọng, bao nhiêu công sức, tâm huyết như đổ xuống sông, xuống biển”. Thêm vào đó, thời gian đầu không có khách hàng càng khiến cho việc truyền nghề của anh gặp nhiều khó khăn. Nhưng không bỏ cuộc, anh vẫn miệt mài dạy nghề và xây dựng thương hiệu. Cho đến thời điểm hiện tại, anh đã phần nào xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm đậu bạc Định Công và đào tạo được 10 thợ, trong đó người trẻ nhất chỉ mới 16 tuổi.
Người nghệ nhân đón nhận tất cả những người yêu thích và muốn học nghề đậu bạc, không phân biệt giới tính, trình độ học thức... Tuy nhiên không phải gặp ai anh cũng dụng công truyền nghề. Anh đặt ra một vài yêu cầu để sàng lọc được những người muốn dùng cả trái tim để học đậu bạc. “Trung thực là yếu tố đầu tiên tôi đặt ra khi có người muốn học nghề vì đây là nghề làm về những sản phẩm có giá trị cao và để duy trì được thương hiệu thì mình cần trung thực để đảm bảo chất lượng cũng như yêu cầu của sản phẩm. Sau đấy là vấn đề chăm chỉ và tỉ mỉ, bởi vì công việc này yêu cầu phải ngồi một chỗ, vì vậy để mà giỏi được thì các học viên phải rèn luyện rất nhiều để tự hoàn thiện bản thân. Đó là các tiêu chuẩn chung mà tôi đưa ra, còn lại có thể trở thành người thợ giỏi hay không còn phải tuỳ thuộc vào năng lực của từng người”, anh chia sẻ.
Những người học viên ở xưởng đậu bạc nhà Quách Phan Tuấn Anh thông thường sau khi học được 3 tháng sẽ có thu nhập. Tuy nhiên để ổn định thì sẽ phải mất vài năm. Nguồn thu nhập cũng chính là một điểm quan trọng để có người ở lại với nghề và làm nghề. Vậy nên để duy trì đội ngũ thợ, anh cũng phải làm nhiều cách để tăng thu nhập. Có thời gian anh tham gia các cuộc thi, sản phẩm đạt giải nhưng cũng đành phải bán bớt đi để lấy vốn quay vòng. Hay thời điểm 2 năm trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, kinh tế khó khăn, lương nhân công giảm nhưng anh vẫn cố gắng dự đoán trước thị trường để giao việc cho mọi người, mặc dù tự đặt vào thế may rủi nhưng không thể để mất những người học viên đang nuôi trong mình ngọn lửa nghề.
Thật may những nỗ lực của anh đang được đền đáp. “Đến thời điểm này khi đã xây dựng được thương hiệu ổn định, tôi có khá nhiều khách hàng quý mến và đặt hàng. Bản thân tôi cũng thấy vui khi đã đào tạo được một đội ngũ người làm nghề, mặc dù không nhiều nhưng tôi cũng tự hào vì mình đã đóng góp được một điều nhỏ bé để giữ nghề truyền thống của cha ông”, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh nói.
Mặc dù đã có những thành công nhất định trong việc gìn giữ nghề đậu bạc, nhưng với Quách Phan Tuấn Anh, điều khiến anh bận tâm nhất chính là việc phát triển nghề trong thời đại công nghệ số. Theo anh, mẫu mã là thứ quyết định sự tồn tại của bất kỳ làng nghề nào, và để có mẫu mã đẹp buộc người thợ phải có được những bản vẽ chất lượng và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của khối óc và đôi tay.
Để đưa nghề đậu bạc của Định Công phát triển hơn nữa, anh đặt ra bài toán về mẫu mã để tự mình giải quyết. Người nghệ nhân mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ thiết kế cho sản phẩm đậu bạc hơn, nhưng anh cũng lưu ý rằng: “Để thiết kế phù hợp với sản phẩm đậu bạc các bạn phải hiểu về sản phẩm thì mới đưa ra được mẫu thiết kế phù hợp. Một thiết kế tốt cần phải có tính ứng dụng cao để người thợ bạc nhìn vào đó mà dễ dàng ướm thử và làm theo”.
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh cho biết, hiện anh có rất nhiều mong muốn. “Tôi hy vọng sẽ mở rộng được việc đào tạo để góp phần vào hỗ trợ cho những bạn thực sự có nhu cầu học nghề để các bạn ấy kiếm sống và bản thân tôi thì mở rộng được sản xuất. Ngoài ra thì hiện nay xưởng của tôi ở trong khuôn viên đình làng rất đẹp, nếu làm được thêm du lịch thì cũng là một điều tốt để vừa giới thiệu được nghề truyền thống của địa phương vừa quảng bá, tăng được đầu ra cho sản phẩm. Tôi cũng mong muốn trong tương lai bản thân sẽ mở được một không gian trưng bày truyền thống để lưu giữ sản phẩm cho đời sau. Trước mắt là để người Định Công nhìn vào sẽ tự hào về sản phẩm của địa phương, từ đó cũng hy vọng sẽ kích thích nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu và khởi phát nhu cầu học nghề”, anh nói.
Chia tay xưởng đậu bạc của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, tôi mong nghề đậu bạc của làng Định Công sẽ khởi sắc, để tiếp tục xứng với câu nói ca ngợi 4 nghề tinh xảo nhất đất Kinh kỳ xưa: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xá”.