Ca trù ở làng Đại Phú (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã tồn tại hơn 400 năm. Tuy nhiên, do chiến tranh và cả cơm áo đời thường, một thời gian dài nơi đây đã vắng tiếng ca trù. May mắn thay, hơn 10 năm trở lại đây, có một nghệ nhân đang cố gắng giữ bằng được môn nghệ thuật ấy. Đó là nghệ nhân Nguyễn Thị Tam.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam.
Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tam trong một buổi chiều hè nóng oi bức. Trong căn nhà mới xây còn chưa chát, bà Tam lần lượt đưa chúng tôi trở về với không khí ca trù từ nhiều năm về trước.
Bà bảo, bấy giờ khi mới sinh ra bà đã được nghe văng vẳng câu hát ca trù. Từ bé bà được bố mẹ truyền dạy những điệu hát ca trù. Năm lên 12 tuổi cô bé Tam đã được bố mẹ cho đi dự nhiều buổi biểu diễn trong vùng.
Ở tuổi 67 nhưng lúc nào bà cũng luôn đau đáu với nghề. Vì vậy, từ năm 2000, do nhiệt huyết của bà nên UBND xã đã đứng ra thành lập CLB ca trù giao cho chính bà làm phó chủ nhiệm. Nhớ lại những ngày đầu “ra quân”, có biết bao khó khăn, nhọc nhằn nhưng cứ nghĩ đến tương lai của thế hệ hậu sinh, bà lại tự nhủ mình cố gắng hết sức.
Từ năm 2005 đến nay, bà Tam được chính thức giao làm chủ nhiệm CLB. Lúc mới đầu thành lập lớp học chủ yếu sinh hoạt ở đình làng, nhưng mấy năm trở lại đây do đình xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng nên bà lấy ngôi nhà ba tầng còn xây trát dở để làm “địa chỉ” truyền dạy.
Cứ vào các tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, trong ngôi nhà của bà lại rộn ràng tiếng hát. Tại lớp học này, bà Tam cũng là người trực tiếp hướng dẫn học viên các kĩ thuật ca, cách cầm trống chầu, giữ nhịp phách.
Bà tận tuỵ, rành rọt hướng dẫn mọi người từng điệu hát như hát mưỡn đơn, mưỡn kép, mưỡu dựng, mưỡu hậu, hát nói... Những bài Đào hồng, đào tuyết; Cái tình là cái chi chi; Vịnh tỳ bà; Nợ tang bồng; Tự tình; Hương sơn phong cảnh… của các nhà thơ tài danh Dương Khuê, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh… được thể hiện rất sinh động và có hồn.
Vốn là một kép đàn nổi tiếng ca trù nên bà Tam có thuận lợi vừa dạy hát, vừa dạy mọi người chơi đàn đáy, gõ phách. Mười mấy năm qua, hơn 30 cháu được nghệ nhân Nguyễn Thị Tam kèm dạy ca trù giờ đã thành ca nương hoạt động tại các CLB trong Nam, ngoài Bắc.
Trong số học trò có Nguyễn Thị Thúy được bà Tam cưng chiều nhất. Thúy có dáng người thanh thoát, gương mặt trái xoan xinh đẹp, lại có giọng hát vang, rền, nền, nảy rất hợp với ca trù. Nhờ sự uốn nắn và dạy dỗ của “cô giáo” Tam, chẳng mấy chốc Thuý đã có thể hát được nhiều làn điệu khác nhau.
Đặc biệt, tại hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Đan Phượng tháng 12-2013, giọng ca trù Nguyễn Thị Thúy với bài “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” được tặng giải A1.
Điều mong muốn nhất của bà Tam là môn nghệ thuật ca trù sống mãi trên quê hương Thượng Mỗ. Để điều đó thành hiện thực, mỗi ngày bà đều không quản tuổi già sức yếu, tốn kém tiền bạc, ngày cũng như đêm, cứ ngược xuôi đi truyền dạy ca trù trong xã ngoài huyện.
Hơn thế nữa, bà còn phối hợp với Trường THCS Thượng Mỗ đưa ca trù vào trong trường học. Hiện tại, có 8 cháu đang theo học hát ca trù.
Bà còn được mời lên Phượng Lâu (Việt Trì, Phú Thọ) mở lớp dạy ca trù cho 18 người ròng rã mấy tháng trời, nhiều học viên đã hát và thuộc những điệu hát cổ, trong số đó có nhiều học viên đi thi còn được giải thưởng lớn.
Bà bảo đó là niềm vinh dự, là niềm tự hào đối với sứ mệnh của những người đi truyền dạy ca trù.
Chia tay chúng tôi, bà Tam bùi ngùi: “Tôi trăn trở lắm, bây giờ, chúng ta có nhiều điều kiện hơn xưa nhưng nhiều nơi vẫn để số phận ca trù rơi vào bi đát. Song song với việc hô hào rằng phải bảo vệ ca trù khẩn cấp thì dường như chúng ta cần phải có một cơ chế cho các nghệ nhân chẳng hạn như đầu tư vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là khuyến khích các học viên trẻ tuổi theo học. Chúng ta phải để lớp thế hệ sau đứng trên vai lớp thế hệ trước, chứ hiện nay số lượng người biết hát, biết dạy ca trù chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu mai này lớp thế hệ già chúng tôi mà khuất núi sẽ chẳng còn ai truyền dạy ca trù nữa".