Chị Đoàn Thị Thanh Ngân- nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Vũ Lạc, TP Thái Bình là người như vậy vì từ năm 18 tuổi chị đã bắt đầu hóa giải mâu thuẫn cho hàng trăm hộ gia đình.
Chị Đoàn Thị Thanh Ngân.
Nhớ lại năm1986, khi chị Ngân bắt đầu công tác tại Hội Phụ nữ xã. Bấy giờ mọi công tác tuyên truyền còn vất vả lắm. Khi đang ngồi trong nhà thì một bác chạy đến, bảo, chị phải ra cứu ngay vợ của S. kẻo không thì nguy mất.
Chị hốt hoảng chạy ra, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Trong sân nhà S. chị vợ đang bị trói giật hai chân tay, ngâm mình trong sân nước giữa tiết trời tháng 12 rét căm căm, thi thoảng lại ngoi lên để thở như cá thiếu ôxy.
Còn ông S. ngồi ghế bên cạnh, mặt đỏ như mận chín, tay lăm lăm con dao sáng loáng, kiểu như đang canh chừng phạm nhân.
Bao nhiêu người xúm đông xúm đỏ ngoài ngõ, nhưng chẳng ai đủ dũng khí nhảy vào “giải cứu” người vợ kia”. Chị Ngân xông vào quát lớn lên: “Anh làm cái gì thế”.
Ông S. mắt long lên sòng sọc, đưa cái nhìn hằn học về phía chị- quát lại “Đứa nào”? Khi ấy, chị Ngân bắt đầu hạ giọng: “Em Ngân đây.
Em đi làm ngang qua thấy đông người nên ghé vào. Chắc chị nhà có điểm gì không đúng với anh nên mới vậy phải không?” Bầu không khí căng thẳng bao trùm các gương mặt đứng xem, tưởng vỡ lồng ngực.
Lúc bấy giờ, ông S. thấy một người phụ nữ, với lời lẽ có vẻ thông cảm cho mình, thì ông buông con dao trên tay xuống rồi lùi lũi đi vào nhà không nói một lời nào. Cởi được chiếc nút căng thẳng, chị nháy đám thanh niên đứng ngoài vào bế nhanh người vợ sang nhà hàng xóm, đốt lửa sưởi ấm.
Lại một lần nữa, có một cặp vợ chồng làm nghề giết lợn trong xã. Không hiểu bực tức nhau chuyện gì, sau khi say bí tỉ, anh chồng nghiến răng nghiến lợi dùng dây điện trói vợ lẳng vào một góc nhà, mặc cho chị kêu la. Hai đứa con gái run lên bần bật chỉ còn nước chạy trốn.
Anh chồng khóa chặt cửa kiên quyết không cho ai vào, rồi còn lớn tiếng đe dọa: “Đứa nào bước vào nhà tao đứa đó là kẻ trộm, tao sẽ chém chết!” Bao nhiêu đồ dùng sinh hoạt: xoong nồi, bát đĩa, quần áo, bị xới tung quăng quật mọi chỗ, đốt cháy khét lèn lẹt.
Đứng trước tình thế căng như dây đàn, chị Ngân nghĩ, nếu bây giờ mà làm căng e sẽ hỏng chuyện, nguy hiểm cho chị vợ. Chị bước nhẹ nhàng vào trong nhà anh khẽ gọi: “Anh T. ơi, có thể ra đây chị hỏi chút được không”. “Ai đấy?”. “Chị Ngân đây em à”.
Chợt nhận ra chị, anh chồng kia nói: “Ngân à”? Bà có đồng ý vào giáo dục được vợ tôi không?”. “Được rồi, nhưng chỉ mình chị được vào thôi đấy. Bà đứng đấy, tôi đi lấy chìa khóa mở cổng”.
Chị Ngân vào trong nhà. Ngồi xuống ghế, chị nói giọng mát: “Mặt của em bẩn hết rồi, rồi rất tự nhiên chị lặng lẽ đứng đậy đi dẫm chiếc khăn mặt ướt khẽ lau những giọt máu trên gương mặt T. Vừa lúc đó, cơn “thịnh nộ” trong T. cũng tạm thời lắng xuống. Anh T. ngồi im, cúi đầu rồi câu chuyện cũng dần được gỡ rối.
Sau này, nói chung “chiến tranh” giữa họ còn “căng thẳng” thêm nhiều lần nữa, nhưng về cơ bản thì không có “tiếng bom nổ” nữa, cuộc sống gia đình ít nhiều trở nên đầm ấm. Chính vì thế, chị Ngân luôn được mọi người yêu quý gọi với những cái tên rất trìu mền: “Người thương thuyết”, “người làm mềm chiến trường”- là vì lẽ đó.
Chị Ngân bảo, cũng có không ít trường hợp, anh chồng vũ phu đánh đập vợ con thậm tệ, sau những lần hòa giải họ đã nghe ra, vợ chồng lại hòa thuận, một số người sau này còn tình nguyện xin vào tổ hòa giải trở thành những tuyên truyền viên hăng hái “trên mặt trận” chống bạo lực gia đình.
Chị Ngân cho biết, hiện toàn xã Vũ Lạc có 35 tổ công tác hóa giải. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, rồi đội can thiệp nhanh. Mỗi thôn của xã có tới 7 địa chỉ tin cậy để chị em trong xã có thể “lánh nạn” khi các ông chồng nổi cơn “bão tố”.
Chia tay chị, điều làm chúng tôi nhớ mãi là những mong mỏi của chị, gia đình là tế bào của xã hội. Cái tế bào ấy có khỏe thì xã hội mới tốt dần lên được. Chừng nào còn bạo lực là chừng ấy gia đình chưa có hạnh phúc.