Người hoạch định những giấc mơ cuộc đời

Y BAN 12/08/2022 05:56

Thi thoảng tôi lại bắt xe về thăm ông - một người đàn ông có đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ, một người đàn ông có đôi vai rộng nhưng thế giới của ông chỉ là một chiếc giường đôi. Trên đầu giường những cuốn sách chồng đống với gáy sách quay ra ngoài, bên cạnh tay với là chiếc gương nhỏ. Chiếc gương không dùng để soi mặt mà để soi gáy sách. Có nhiều khi tôi đã phải vịn vào lời giải của ông để bước qua hố đen… Ông là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi mà ở đời có "tứ khổ": Mồ côi, thất học, nghèo đói, bệnh tật, thì ông lĩnh đủ cả bốn.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi với bạn văn. Ảnh: FBNV.

1966 - 1967

Thời chiến tranh Thái Bình quê hương 5 tấn còn nổi tiếng nữa vì “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Năm 1966, một người đàn ông 36 tuổi đã có 2 đứa con và 1 đứa nữa sắp ra đời từ Hưng Hà vẫn phơi phới tòng quân. Sau mấy tháng huấn luyện ở Hải Dương ông đeo ba lô vượt Trường Sơn vào thẳng Quảng Ngãi. Khi ông đang vượt núi thì ở quê nhà, vợ ông cũng vượt cạn để sinh con thứ ba. Một nách ba con nhỏ người phụ nữ tần tảo vẫn không một ngày bỏ bê đồng ruộng, công điểm không thua kém chị em nào.

Năm 1967 tai ương ập đến, cậu con trai nhỏ lên 7 tuổi bắt đầu bị đau đầu gối, cơn đau âm ỉ rồi tăng cao vào những ngày trái gió trở trời. Giao con gái út cho ông bà nội trông giúp người mẹ trẻ mang con trai đi bệnh viện. Bệnh của cậu bé được các bác sĩ chẩn đoán là viêm đa khớp dạng thấp dính khớp teo cơ.

Gọi được ra tên bệnh nhưng việc chữa trị thì vô cùng khó khăn. Hết bệnh viện huyện lên bệnh viện tỉnh rồi lên bệnh viện trung ương. Hết thuốc lại đau, đôi chân cậu bé mỗi ngày một teo tóp và cong lại như con tôm. Ông nội thương cháu, nghe tiếng thầy lang nào chữa được bệnh cũng mang cháu đi, hết lên rừng lại xuống biển…

1971

Năm 1971 giấy báo tử gửi về xã, báo rằng cha - liệt sĩ Đỗ Xuân Khê - đã hi sinh năm 1967 tại Quảng Ngãi, năm ấy cậu bé đang học lớp 3, đi lại phải dùng nạng, việc học hành cũng vì thế mà trễ tràng. Lên lớp 4 được ít ngày thì phải nghỉ hẳn, nạng cũng không chống được nữa, muốn di chuyển thì phải chống hai tay xuống đất bằng đôi guốc gỗ vừa bò vừa lê. Cậu bé chỉ quanh quẩn lúc trên giường lúc dưới chiếu trải trên nền nhà đất để nghe tiếng cười rểnh rang của bạn bè cùng trang lứa chạy rình rịch ngoài đường.

Buồn chẳng biết làm gì cậu bé mở cái rương của cha để lại, những cuốn sách được ông cất kỹ vào chiếc rương. Cha làm kế toán tín dụng xã kiêm kế toán đội sản xuất thôn nhưng ham đọc sách biết đánh đàn măng đô lin. Đêm giăng sáng cha ngồi bậu hè đánh đàn, mẹ ngồi hong tóc mùi bồ kết mùi chanh nồng nàn. Trong vườn nhà ông nội trồng cây chanh to quả sai lủng liểng. Cậu bé mon men sờ vào dây đàn, cha bảo đợi ngón tay dài ra chút nữa cha sẽ dạy đánh đàn. Cây đàn cha rất yêu quý, cha treo cao trên vách nhà. Cậu bé đọc hết những cuốn sách trong cái rương của cha.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và vợ trong ngày cưới. Ảnh: FBNV.

1978

Rồi một ngày những cơn đau gói chặt cậu lại, lúc này là năm 1978 nhẽ ra cậu đã thành một chàng thanh niên cường tráng. Trong lúc tuyệt vọng nhất chàng thanh niên đã chuẩn bị những viên thuốc ngủ, một chén rượu và tắm rửa sạch sẽ. Trong bóng tối đối diện với một giấc ngủ vĩnh cửu thì chàng bỗng sợ.

Và chàng ta đã chuẩn bị cho cuộc đời phía trước bằng những dự định của một người đàn ông thực tế chứ không phải là những vần thơ mơ mộng lãng mạn.

- Khởi đầu tôi viết truyện ngắn chứ không phải làm thơ đâu “mẹ” Y Ban nhé (Đỗ Trọng Khơi gọi thay con cho thân mật). Tôi viết cỡ chục truyện ngắn vào một cuốn vở. Đó là vào những năm đầu của thập niên 80. Một ngày có người bà con ở xa đến chơi, cậu ấy ngồi giường chơi với tôi. Nói chuyện gần chuyện xa rồi cậu ấy cầm cuốn vở lên đọc. Đọc hết trang này đến trang khác, rồi ngỏ ý muốn mượn về nhà đọc. Tôi đồng ý. Cậu ấy mang về nhà đọc rồi lâu lâu không đến chơi nữa. Vậy là những trang viết đầu tiên của tôi đã thất lạc như thế đó.

1986

Một ngày có một anh sinh viên cùng nhóm bạn năm cuối Trường Đại học Y Thái Bình đến nhà chơi. Anh chàng điển trai có mái tóc bồng bềnh và đường nét thanh tú, trắng trẻo như con gái. Anh sinh viên đó tên là Hoàng Năng Trọng. Anh về thực tập ở xã bên, nay sang chơi với bạn cùng trường cũng về xã thực tập trọ làng bên.

Hai người bạn nghe xóm làng nói có anh tật nguyền làm thơ hay mà sang chơi. Những người bạn cùng tuổi rôm rả mọi chuyện xóm giềng. Ngàn chuyện Trọng ngỏ ý muốn đọc thơ của Khơi. Khơi rút tập sách dưới gối đưa cho Trọng, toàn bộ gia tài thơ đưa cho bạn. Trọng nói muốn mang về để đọc chậm, Khơi đồng ý ngay.

Gia đình nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và tác giả bài viết.

1988

Hoàng Năng Trọng quay về Hưng Hà gặp Khơi, cùng đi với Trọng là nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Lúc này Hoàng Năng Trọng là giảng viên trẻ của trường Đại học Y Thái Bình và là Bí thư Đoàn trường. Trường mời nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi về nói chuyện. Trọng đưa cuốn thơ của Khơi cho nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đọc, đọc xong ông Vợi nói Trọng đưa về thăm Khơi. Từ đấy có một nhà thơ tên là Đỗ Trọng Khơi xuất hiện trên bầu trời thi ca Việt Nam. Thơ của Khơi được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được in trên các báo.

Theo lời khuyên của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Khơi đã gửi một tập 64 bài tham dự cuộc thi thơ (1989-1990) trên báo Văn nghệ.

Chuyện kể rằng cuộc thi đó ban đầu do nhà thơ T.N.H trực, ngày bàn giao lại cho nhà thơ B.K.Q, nhà thơ H. đưa cho nhà thơ Q. một đống bản thảo lù lù:

- Bài lai cảo đấy, bói (bới) xem có có cái gì hay không.

Nhà thơ B.K.Q đã kiên trì đọc từng bài và “bói” ra hai nhà thơ đoạt giải Nhì, một trong hai nhà thơ đó là Đỗ Trọng Khơi.

Chùm thơ đoạt giải ngày ấy của Khơi, bây giờ đọc lại vẫn mới mẻ và như có một lời tiên đoán cho từng phận người.

ÁNH TRĂNG

Ơi ánh trăng non tươi, ánh trăng mỡ màu

vai mang đầy ánh trăng mà không thấy nặng

mắt chứa đầy ánh trăng mà không thấy chói

bến nước chẳng ngại e tràn dù muôn ánh trăng rơi.

Chẳng thể mòn đi, chẳng thể cỗi già

trăng mãi mãi non tươi sắc trẻ

đã bao mùa thu bên đàng bao cô bé,

lấy tà áo hứng trăng rồi đêm đêm trong mộng khóc thầm.

HY VỌNG

Người ta nói với tôi rằng:

anh không bước qua được dấu chân của mình đâu,

dẫu có đi đến cùng trời cũng thế!

Song tôi vẫn kiên trì,

bất kể.

Tôi chờ đợi vào phép mầu nhiệm của thời gian,

con chim sẻ mổ hạt dẻ ven đường

con chuồn chuồn chuyển nắng

và chờ đợi vào trái tim tôi

nỗi khổ đau của trái tim có thể làm thay đổi!

Bởi tôi tin vào bản thân nỗi khổ đau

có bước đi riêng - trong bóng tối.

Lý do mà tôi chờ đợi,

là sự kiếm tìm,

một thứ ánh sáng riêng!

Cuộc sống của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi có nhiều thay đổi, bạn bè văn chương tìm đến thăm, khói bếp thơm mùi rơm rạ và xôi gà thết bạn. Làng quê yên ả bỗng rộn ràng vì lời hỏi thăm đường đến nhà Khơi. Đỗ Trọng Khơi đã có cớ để viết thật nhiều, viết tất cả những con chữ nảy mầm trong não và in thật nhiều.

2001

Năm ấy Đỗ Trọng Khơi bị viêm phổi nặng buộc phải nằm viện. Bác sĩ Hoàng Năng Trọng đưa bạn lên bệnh xá của Trường Đại học Y chữa trị.

Tại đây Đỗ Trọng Khơi bắt được một cuốn sách kinh dịch của ai đó để lại. Đọc thun thút, đọc đến đâu hiểu đến đó, đọc đến đâu sáng đến đó, đọc đến đâu nhớ đến đó. Rồi Khơi tìm đọc sách tử vi. Đỗ Trọng Khơi lập luôn cho mình một lá số, lần lại quá khứ thấy đúng quá. Vậy là có thêm cái cớ nữa để lập dự án tiếp theo cho cuộc đời.

Nhân sắp Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khơi nấn ná ở lại thành phố để củng cố cho thật chín ý định chuyển nhà ra phố. Bao nhiêu khó khăn chồng chất, nhà ở đâu? Người đâu ra để giúp đỡ, nấu ăn, tắm rửa, nâng ngồi dậy… Mẹ ra sức phản đối. Mẹ nói mẹ không thể rời xa cái nơi mẹ đã sống, mẹ còn nuôi con lợn con gà, cấy mấy sào ruộng mới đủ ăn.

Bạn văn Tống Trung có cái nhà rỗi cho Đỗ Trọng Khơi ở nhờ, vậy là không phải lo nhà ở nữa. Thấy con trai quá quyết tâm mẹ vì thương con mà phải lên thành phố ở cùng con gái, con rể, cháu trai thay nhau chăm sóc Khơi.

2005

Trong cơ thể tật nguyền kia có một trái tim thi sĩ nồng nàn tình yêu quê hương đất nước, nồng nàn với ánh trăng quê, nồng nàn với nhánh cây ngọn cỏ… thì sao không nồng nàn với tình yêu đôi lứa được chứ.

Chờ em chẳng thấy em sang

một ngày qua đến bàng hoàng đêm sâu

giọng cười ai dội mà đau

tiếng yêu như mạch nước sâu ngập lòng”.

“Muốn trèo lên nắng mà đi

muốn đu lên gió mà về với nhau”.

Quyết tâm ở lại thành phố của Đỗ Trọng Khơi đã có khởi đầu vui. Sau hơn một năm đi ở nhờ Khơi đã được tỉnh Thái Bình cho 60 mét đất ở tổ 10 phường Phú Khánh. Khơi dành dụm được một cơ số tiền từ nhuận bút rồi vay mượn bạn bè mà dựng được một nếp nhà mái bằng có nhà vệ sinh khép kín. Trước cửa nhà có dàn hoa ti gôn. Tậu trâu cưới vợ làm nhà, Khơi làm nhà trước rồi mơ giấc mơ người đàn bà và những đứa trẻ.

Từ năm 18 tuổi khi phải nằm bệt một chỗ thân hình Khơi đã co lại như con tôm, hai đầu gối khép chặt. Bởi khi đó nằm như vậy thì cơn đau sẽ giảm đi. Lâu dần tất cả các khớp đã bị vôi hoá. Giống như trong câu chuyện cổ tích vì lời nguyền của mụ phù thuỷ mà người đàn ông đã hóa thành đá. Người đàn ông hoá đá đó tất cả các cơ thể và cơ quan nội tạng đều đã hoá đá, còn Đỗ Trọng Khơi chỉ hóa đá đôi chân còn nội tạng bên trong vẫn giần giật dòng máu nóng…

Cái mầm cây bị đất rắn bao phủ nên không thể vươn dậy, phải có cách để vươn dậy chứ. Cần một cuộc phẫu thuật khớp háng. Bác sĩ Lê Đức Tố một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xương khớp, phẫu thuật chỉnh hình từ TP Hồ Chí Minh về trực tiếp mổ cho Khơi. Khớp háng bên trái được mổ trước, không còn là khớp nữa mà cái gọi là khớp ấy chúng dính bệt vào nhau thành một khối.

Phải cắt dời chúng ra. Sự cố y khoa, tim Khơi ngừng đập. Tất cả các bác sĩ trong phòng mổ tập trung cấp cứu Khơi, một phút hai phút rồi ba phút, tim đập trở lại rồi. Mồ hôi chảy đầm đìa trên mặt các bác sĩ. Tim đập lại rồi nhưng não thì sao chứ, ba phút não thiếu ô xi, liệu có bị chết não không?

Ba tháng sau Khơi hồi phục, trí não vẫn minh mẫn thế nhưng công cuộc phá đá để mầm cây trỗi dậy xem như thất bại. Một bên khớp háng vẫn che khuất mầm gieo sự sống. Mặc dù quyết tâm của Đỗ Trọng Khơi rất lớn nhưng ê kíp bác sĩ vẫn ngần ngại cho ca mổ thứ hai.

2009

Ước mơ cháy bỏng về tiếng trẻ bi bô trong nhà đã được bạn bè Đỗ Trọng Khơi hưởng ứng, ra tay làm mối. Đỗ Trọng Khơi nói về mong muốn người đàn bà của mình, không trẻ quá, phải trên 30 và không già quá 40, và tất nhiên là phải có sự đồng cảm vĩ đại. Một cô y tá rất ngưỡng mộ anh nhà thơ tài hoa Đỗ Trọng Khơi nhưng gia đình cương quyết không gả thành ra tan.

Đỗ Thị Thu Oanh khi ấy đang làm thủ thư ở thư viện Bạc Liêu, cũng vì ham đọc sách mà biết đến anh chàng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Khi đọc cuốn sách "Đa tài đa tình" bắt gặp số điện thoại của Khơi, Oanh đã gọi điện về để cùng nói về một bài thơ. Tình yêu của họ đã nảy nở như thế.

Tôi còn nhớ năm đấy tôi đã về thăm nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ở ngôi nhà tổ 10 Phường Phú Khánh, chúng tôi được ăn xôi cá rô đồng, canh cá rô đồng và nghe chàng ta nói về tình yêu của mình.

- Tháng 5 Oanh sẽ ra Bắc, rồi mình sẽ biết mặt Oanh rồi chúng mình sẽ làm đám cưới.

2010

Năm 2010, Oanh sinh Lập Sơn, khi con biết bế vác chúng tôi về thăm. Oanh tay năm tay mười làm cơm thết khách. Chúng tôi rất ái ngại nhưng cũng không thể chối từ, khách xa đến nhà Khơi dứt khoát phải dùng bữa. Tôi tranh bế đứa bé bụ bẫm có gương mặt đẹp như thiên thần. Đứa bé đã biết lạ nên khóc, chỉ khóc chút thôi sau cứ nhìn đăm đắm vào mặt cha đang dỗ dành.

Oanh có đôi mắt đẹp và mảnh dẻ. Chúng tôi đều mừng cho Đỗ Trọng Khơi đã thực hiện được giấc mơ tình yêu thế hệ. Bẵng đi hơn 1 năm sau tôi lại nghe tin Đỗ Trọng Khơi có cu thứ hai, Lập Thành. Vừa mừng cho Khơi vừa lo, không biết Đỗ Trọng Khơi nuôi con kiểu gì được đây. Lương thủ thư ít ỏi, lương con liệt sĩ của Khơi chưa đầy 3 triệu đồng. Tôi gọi điện về chúc mừng Đỗ Trọng Khơi, anh cười khà khà:

- Không sao đâu mẹ Y Ban ơi, nuôi kiểu con nông dân đâu mất nhiều tiền.

2017

Lập Sơn, Lập Thành mỗi ngày mỗi lớn cần phải học thêm văn hóa và tiếng Anh, nhà xa trung tâm việc đưa đón con đi học đổ hết lên vai Oanh. Oanh đánh bóng mặt đường còn hơn cả shipper. Đỗ Trọng Khơi bàn với vợ chuyển nhà vào trung tâm thành phố. Họ tìm được một căn hộ khoảng hơn 60 m2 giá khoảng 400 triệu đồng. Nhà ở Phú Khánh có khách trả 510 triệu đồng, vậy là dư ra hơn 100 triệu đồng để dành. Cái tết cuối cùng ở ngôi nhà cũ có bạn đến chơi Khơi nói chuyện sắp chuyển nhà.

- Tôi nghĩ đường xa, muốn nhà mặt đất để khi Oanh về hưu cọ quậy bán gì đấy để thu nhập thêm nhưng xem ra lực bất tòng tâm rồi.

- Để yên em xem nào, cơ quan em đang xây chung cư. Để em hỏi xem còn tầng một không? Tầng 1 là mặt tiền quán xá mở tốt.

Duyên thế chứ, còn một căn tầng 1 thông lên tầng 2, trước mặt là vườn hoa. Chốt chứ, bạn bè xúm tay vào cho vay mượn mỗi người một ít.

2022

Khách đến chơi cu Lập Thành kháu khỉnh đón khách:

- Cháu chào bà.

Oanh nhắc con:

- Con chào cô thôi, em bố mà.

Tiếng cười rổn rảng.

Hoa quả bày trên bàn, trong bếp mâm cơm rất xộp, gà luộc, chả rế tôm và chạch chấu nấu củ chuối, chỉ ngửi mùi đã ứa nước miếng. Chúng tôi ngồi vào bàn. Oanh sắp chỗ cho chồng rồi ngoéo một nhát dứt khoát Oanh bế bổng chồng dậy đặt gọn gẽ vào ghế. Chiếc bàn che đi phần dưới chỉ còn phần thân trên Đỗ Trọng Khơi rất đẹp, một chủ nhân nhân hậu mến khách có nụ cười ấm áp đầy vượng khí và cũng rất nghiêm khắc.

Tôi nhìn Oanh vô cùng ngưỡng mộ người phụ nữ tuổi canh tuất. Tôi tự hỏi cái cách bế chồng quá gọn của Oanh như không cần một chút lực thế kia có phải vận khí công không? Rồi tôi tự cười thầm trong bụng sợ bung ra lại bị cười cho. Một ngày ít nhất Oanh phải bế chồng vài ba lần. Buổi tối bế chồng lên xe lăn đi bộ 4-5 cây số quanh hồ. Từ ngày có Oanh, Đỗ Trọng Khơi ngày càng đẹp hơn, sự viên mãn lai láng trên gương mặt.

Ngày trước ở Phú Khánh đầu giường Khơi có chiếc gương nay ở CT3 Khu đô thị 5 bên cạnh Đỗ Trọng Khơi có một cây gậy gỗ thần thánh. Cây gậy khều chăn lên đắp, khều cái điều khiển, khều cuốn sách và quăng xuống đất đe nẹt Lập Sơn, Lập Thành đang cái tuổi nghịch hay chòng nhau, lúc nào nói không nghe thì cây gậy đó sẽ quăng ra bay vèo một cái. Chưa khi nào trúng Lập Sơn, Lập Thành những sẽ lập lại trật tự cho hai chú gà trống choai đang chòng nhau.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi có một biệt tài gieo quẻ dịch nhưng thôi tôi sẽ kể chuyện này một dịp khác. Hiện tại Đỗ Trọng Khơi còn 6 bản thảo đang được gấp rút chỉnh sửa, 5 cuốn thơ và 1 cuốn phê bình.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi đã xuất bản 14 tập thơ và 6 tập văn xuôi.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi tên thật là Đỗ Xuân Khơi, sinh 17/7/1960 ở làng Trần Xá, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà (Thái Bình).

Ông bắt đầu sáng tác truyện, thơ, ca khúc từ cuối những năm 1980 và được được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001.

Ông là tác giả của nhiều tập thơ: “Con chim thiêng vẫn bay” (năm 1992), “Gọi làng” (1999), “Cầm thu” (2002), “ABC” (2009), “Với tay ngắt bóng” (2010), “Ở thế gian” (2016)… cùng các tập truyện ngắn: “Ma ngôn” (2001), “Hành trạng tâm linh” (2011); tập bình thơ “Vân chữ” (2020)…

Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học có giá trị: Giải Nhì cuộc thi thơ trên Báo Văn nghệ (1990); Giải B truyện ngắn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2002); Giải A - Giải thưởng Lê Quý Đôn của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (1996); Giải nhì truyện ngắn của Báo Tài Hoa Trẻ (1998); Giải C Giải thưởng Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình (2001); Giải 3 cuộc thi thơ của Tạp chí Tài hoa Trẻ (2002), giải Tư cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam” (2011) do Vietnamnet tổ chức...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người hoạch định những giấc mơ cuộc đời