Đó là ông Nguyễn Văn Trường ở xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang), người dân ở đây còn gọi ông với cái tên thân mật là lão “Trường Cò”. Bởi một phần do dáng người nhỏ con và ông còn là chủ khu rừng dẻ tái sinh tập trung rất nhiều loài chim, cò về ở.
Ông Nguyễn Văn Trường.
Vào những chiều hè oi bức này, khi đến khu rừng dẻ của lão Trường Cò sẽ thấy từng đàn cò ở khắp nơi bay về làm tổ tạo thành một vùng trắng xóa trên nền cây xanh mát. Ông nghĩ đây là đất lành chim, cò mới về đậu nhiều như vậy. Vui vẻ với cái tên Trường Cò bà con thân mật gọi mình, ông cũng cảm thấy có trách nhiệm và gắn bó hơn với đồi cò mình đang trông giữ. Từ đó, lão Trường Cò và gia đình đã nỗ lực bảo vệ rừng, tránh khai thác bừa bãi, nhất là vào mùa sinh sản của đàn cò. Đồng thời, ông cũng thường xuyên nhắc nhở và ngăn chặn người dân săn, bắn, làm ảnh hưởng đến đời sống của các loài động, thực vật ở đây.
Nhìn xa xăm về phía cuối khu rừng, ông Trường chia sẻ, khi chứng kiến cảnh môi trường xung quanh ngày càng bị ô nhiễm, tôi trăn trở suy nghĩ phải làm gì để bảo vệ được môi trường sống. Hằng ngày, gắn bó với những cánh rừng ông càng thấy được tầm quan trọng của đa dạng sinh học với thiên nhiên.
Vì vậy, ông Trường đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đa dạng sinh học ở khu rừng tái sinh do gia đình mình quản lý. Nhờ đó, khu rừng dẻ của gia đình ông đã tạo thành một không gian xanh, đa dạng các loài động, thực vật sinh sống.
Tuy nhiên, để có được không gian xanh như hôm nay ông Trường đã phải trải qua không ít khó khăn. Nhập ngũ năm 1986, đến năm 1990 ông xuất ngũ và trở về gia đình làm kinh tế. Khi đó, gia đình ông được chính quyền địa phương giao khoán 10 ha rừng với 5 ha rừng dẻ tái sinh và 5 ha rừng đất trống.
Ông Trường nhớ lại, ban đầu khi mới nhận rừng, ông gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do đất trống và bạc màu. Xót xa trước những quả đồi trọc bị tàn phá đến trơ trọi, đất đồi bị sạt lở mỗi mùa mưa từ đó, ông luôn đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường và bắt tay ngay vào cải tạo diện tích đất rừng được giao.
Trên diện tích 5 ha rừng dẻ, lão nông này đã thu dọn những cây khô, phát quang cỏ dại rồi trồng dứa ta thành các dải dài xen giữa những gốc dẻ. Việc làm này nhằm hạn chế sói mòn đất vào mùa mưa. Tiếp theo đó, ông trồng tre Bát Độ thành từng khóm để lấy măng phát triển kinh tế đồng thời tạo sự đa dạng sinh học và làm thế dựa cho các loài chim về làm tổ sau này.
Nhờ những nỗ lực của mình, sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc, khu rừng dẻ tái sinh của gia đình ông Trường đã tạo thành một hệ sinh thái đa dạng. Trong đó, các tầng thực vật hỗ trợ nhau làm giảm tốc độ dòng chảy của nước vào mùa mưa, tránh được hiện tượng sói mòn, sạt lở. Vì vậy, khu rừng dẻ của ông Trường được người dân quanh vùng xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn xem như “lá phổi xanh” tạo bầu không khí trong lành.
Ông Trường chia sẻ, bởi lẽ, ông giữ được khu rừng xanh mát như vậy vì coi việc giữ rừng để bảo vệ môi trường, thiên nhiên, cảnh quan đẹp hơn chứ không phải làm kinh tế. Gia đình ông còn một khu rừng trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà mới là thu nhập chính cho gia đình.
“Hơn 20 năm gắn bó với rừng, trải qua nhiều vất vả những lần có bão đổ gãy cây hay thức đêm hôm giữ rừng tôi đều không nề hà gì. Nhưng tôi không khỏi xót xa khi hàng ngày vẫn chứng kiến cảnh rừng bị “chảy máu”, người dân ở nhiều nơi đến săn bắt thú, chặt trộm cây gỗ.
Sắp tới, ông Trường cho biết mình sẽ tìm kiếm nguồn kinh phí để khoanh vùng bảo vệ rừng nhằm hạn chế người dân săn bắt động vật, chim cò... Với khu rừng tái sinh này, ông Trường mong muốn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn và có những biện pháp giúp ông giữ rừng.