Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo, Desmond Tutu, Tổng giám mục Anh giáo đã nghỉ hưu của Cape Town, đồng thời là biểu tượng chống phân biệt chủng tộc và ủng hộ quyền LGBT, đã qua đời vào ngày 25/12 (theo giờ địa phương) ở tuổi 90.
Ramphela Mamphele, Chủ tịch Quỹ Tổng giám mục cho biết Tổng giám mục Desmond Tutu, người được ngợi ca là “đại diện cho công lý” và là người hùng trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi, đã ra đi thanh thản tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Oasis ở Cape Town vào sáng 25/12.
Trong một thông báo, Tổng thống Cyril Ramaphosa bày tỏ: “Chúng ta lại chứng kiến một trang sử buồn khi Tổng giám mục Desmond Tutu ra đi trong niềm thương tiếc của cả đất nước. Thật đau lòng khi phải tiễn biệt một thế hệ người Nam Phi xuất sắc, những người đã đặt nền móng cho một Nam Phi được giải phóng như bây giờ”.
Tổng thống Nam Phi chia sẻ, Tổng Giám mục Tutu là một người yêu nước “không ai sánh bằng”, một người có trí tuệ phi thường, liêm khiết và bất khả chiến bại, sẵn sàng chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.
Sức khỏe của ông Tutu đã suy giảm nhiều sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư đại tràng vào cuối thập niên 1990. Ông gần đây phải nhập viện vài lần do nhiễm trùng hậu điều trị ung thư. Từ năm 1997, ông Tutu phải nhập viện nhiều lần để chữa trị ung thư.
Desmond Tutu sinh tại Klerksdorp, cách Johannesburg khoảng 160 km. Cha ông là hiệu trưởng của một trường học địa phương và mẹ làm nghề giúp việc. Ông theo nghề nhà giáo trước khi trở thành mục sư Anh giáo, đi nhiều nước và có bằng thạc sĩ thần học của Đại học London, Anh.
Desmond Tutu không hoàn toàn đồng tình với đảng Hội nghị Quốc gia Nam Phi (ANC) của Nelson Mandela, tổ chức chính trị đã lãnh đạo Nam Phi hơn 20 năm qua. Ông cũng phản đối đường lối đấu tranh vũ trang của ANC trong giai đoạn đầu và từ chối ủng hộ vô điều kiện các lãnh đạo phong trào này.
Tuy nhiên, Tutu và Mandela cùng chia sẻ tầm nhìn về một xã hội Nam Phi đa chủng tộc. Ông tin tưởng đất nước sẽ trở thành “vùng đất cầu vồng” đối với mọi cộng đồng cùng chung sống và không chịu phân biệt đối xử.
Đỉnh cao sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình của Desmond Tutu là khi ông lãnh đạo Ủy ban Sự thật và Hoà giải (TRC) của Nam Phi sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc.
Ông được ngợi ca là người tiên phong dẫn dắt Nam Phi hàn gắn dân tộc và vượt qua những thù hằn lịch sử.
Barack Obama vào năm 2009 khi vừa đắc cử Tổng thống Mỹ đã ngợi ca Desmond Tutu là “chiến binh vì tự do, lãnh tụ tinh thần và chính khách đáng ngưỡng vọng, biểu tượng của lòng nhân ái và hy vọng vượt khỏi biên giới quê hương Nam Phi”.
Chính Tổng Giám mục Tutu là người nêu ra và phổ biến thuật ngữ “Quốc gia Cầu Vồng” để nói về Nam Phi khi ông Nelson Mandela trở thành Tổng thống da màu đầu tiên ở nước này.
Tutu trở thành một trong những ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi vào giữa thập niên 1970.
Được kính trọng ở Nam Phi lẫn cộng đồng quốc tế vì lòng dũng cảm đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu, ông vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1984. Hai năm sau, ông trở thành Tổng giám mục Cape Town và đứng đầu nhà thờ Anh giáo tại nước này.