Người Kala là một bộ tộc cho tới nay vẫn giữ lại lối sống như tổ tiên họ, hầu như không có gì biến động đổi thay bất kể sự tác động đến từ bên ngoài. Người ta nói rằng, đây là bộ tộc độc đáo bậc nhất của Lục địa Đen.
Ngay từ nhỏ, người Kala đã có cuộc sống chan hòa với thiên nhiên.
Vùng đất của người Kala với những ngọn núi cao và những thảo nguyên mênh mông đã giúp họ không bị đồng hóa trong thời kỳ thực dân kéo dài nhiều thế kỉ. Họ sống dọc theo sông Omo, cho dẫu nay đây mai đó thì cũng chỉ di cư men theo con sông này. Cuộc sống bộ lạc khép kín đã hình thành nên một nền văn hóa độc đáo.
Đầu thập niên 60 thế kỷ XIX, các nhà thám hiểm châu Âu mới phát hiện ra bộ lạc Kala ở lưu vực sông Omo. Trong những cuốn ghi chép của những nhà thám hiểm còn lại tới ngày nay, người ta tìm thấy vô số những điều kỳ lạ. Năm 1920, Madeleica Turssimad - một thương nhân gốc Thổ Nhĩ Kỳ đi cùng một đoàn thám hiểm Pháp tới châu Phi.
Họ đã làm một hành trình dài dằng dặc dọc theo bờ sông Omo. M.Turssimad viết: “Chúng tôi ngày đi đêm ngủ. Chỗ ngủ của chúng tôi là những chiếc thuyền. Thuyền được buộc vào một gốc cây trên bờ để dòng nước không cuốn đi.
Đến ngày thứ 35, một thủy thủ đã chết vì một căn bệnh gì đó không xác định. Tiếp đó, 2 tay chèo khác cũng bị lên cơn co giật. Vì thế thuyền trưởng quyết định lên bờ, tìm đến với người bản địa để nhờ cứu chữa”.
Cây cao lương, món ăn hàng ngày của người Kala.
Cuốn nhật ký của M.Turssimad kể lại rằng, họ đã gặp một nhóm người mà cơ thể được che bằng lá cây, rất ít nói. “Họ đứng từ xa quan sát chúng tôi. Khi chúng tôi tiến đến thì họ đi giật lùi để bảo đảm khoảng cách nhất định nhưng họ không bỏ chạy. Thật khó khi lại gần họ. Từ trưa đến chiều tối, chúng tôi mới tới gần được họ”.
Người Kala khá thân thiện. Khi họ nhận thấy hai người trong đoàn thám hiểm bị bệnh, họ đã tiến tới “thăm khám”. “Họ trao đổi với nhau bằng một thứ ngôn ngữ riêng không ai hiểu được. Sau đó, hai người đàn bà bỏ đi, những người đàn ông thì ở lại.
Khi trời đã tối, hai người đàn bà nọ quay lại, đưa cho những người đàn ông một ống tre. Người đàn ông lớn tuổi nhất kề ống tre vào miệng người bệnh, dốc vào đó một thứ nước gì đó. Những người còn lại đứng thành vòng tròn cùng đọc những lời khấn bí hiểm. Thật là kỳ lạ, sau đó chừng một giờ, người bệnh đã tỉnh lại và đòi ăn” - M.Turssimad viết.
Những nghiên cứu khoa học sau này ghi nhận cách chữa bệnh bằng phương pháp bí truyền của người Kala là rất hiệu quả. Họ chỉ dùng những thứ lá có sẵn trong vùng kết hợp với những lời khấn rì rầm tác động rất mạnh tới tâm lý người bệnh.
Giới dược học đã phân tích thứ thuốc của người Kala, nhưng không đi đến kết luận cuối cùng nào. “Cho tới nay họ vẫn không dùng tân dược, và thật lạ là họ rất khỏe mạnh” - Didie Sloan, một nhà bào chế thuốc người Pháp nhận xét. Ông đã từng uống thử thuốc của họ khi chính mình ngã bệnh, nhưng không khỏi. “Rất có thể thể trạng của chúng ta không thích hợp với loại thuốc đó”- D.Sloan nhận xét.
Kiểm tra độ dẻo dai của những chiếc roi.
Vùng người Kala sinh sống, cho dù bên dưới dòng Omo nhiều thuyền bè qua lại, nhưng trên bờ cuộc sống như ngừng chảy. Mọi thứ diễn ra chậm chạp, thong thả như ngưng đọng. Khách du lịch Âu - Mỹ ngày càng đến với họ nhiều hơn, nhưng những gì nền văn minh đương đại đưa đến vẫn không tác động gì đến họ. Người Kala vẫn tổ chức cuộc sống theo cách của mình. Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong bộ tộc. Tất cả công việc đồng áng và việc trong nhà đều do họ gánh vác.
“Có cảm giác như đàn ông Kala chỉ có mỗi một việc là huấn luyện con trai cách múa gậy để trở thành một người đàn ông chân chính”- D.Sloan viết. Tuy nhiên, còn một việc nữa dành riêng cho họ, đó là đánh bắt cá. Bất cứ đứa trẻ trai nào cũng được làm quen với dòng sông Omo ngay từ nhỏ. Hơn mười tuổi, cùng với việc được cha dạy múa gậy thì chúng cũng ra sông ngụp lặn.
Khi đã thành thục, chúng bắt cá đem về để mẹ làm thực phẩm. Chúng cũng theo cha vào rừng để săn bắt các loài thú ngay từ nhỏ. Điều đó trong vài năm đã tạo nên một chàng trai Kala dũng cảm, mạnh mẽ và khéo léo.
Trò chơi hấp dẫn với những đứa trẻ.
“Không thấy mùi thuốc súng ở đây, vì họ vẫn dùng cung tên và giáo mác”- D.Sloan nhận xét. Chính điều đó mà thiên nhiên được bảo toàn, không bị tận diệt. Ngày nay, tới vùng người Kala sinh sống vẫn còn đó những cánh rừng xanh mát, những loài thú rừng, chim muông bởi vì không bao giờ họ săn bắt những con thú, con chim nhỏ. Rừng nhiều, nhưng họ vẫn sống trong những ngôi nhà đất chứ không chặt gỗ về dựng nhà.
“Người Kala coi rừng là ngôi nhà thứ nhất, ngôi nhà thứ hai chính là túp lều đất của họ. Còn với dòng sông Omo- họ coi đó là cánh đồng”- Madeleine Philonne, một tay máy lăn lộn khắp châu Phi đưa ra nhận xét, và nhấn mạnh rằng chính những người bị coi là “lạc hậu” ấy lại rất văn minh khi biết giữ gìn thiên nhiên.
Trang điểm cho con gái.
Người Kala cũng chăn nuôi gia súc. Ở lưu vực sông Omo, bò, dê và các loại gia súc khác được coi là biểu tượng của sự giàu có. Đó chính là lễ vật mà một chàng trai bắt buộc phải nộp cho nhà gái khi muốn kết hôn với con gái họ.
Trong khi gia đình nhà trai chuẩn bị bò, dê thì người mẹ bên gia đình nhà gái lại tập trung vào việc chăm sóc sắc đẹp cho con gái. Vào ngày cưới, bà mẹ dùng một thứ đất nào đó trang điểm vẻ mặt và làn da cho cô dâu, tạo ra một ấn tượng rất khác lạ. Lễ cưới của người Kala thu hút cả cộng đồng. Người ta nhảy múa thâu đêm, cho dù cô dâu, chú rể đã đưa nhau đi từ rất lâu.