Người “kéo dài” tiếng kèn

24/12/2015 11:09

Sắp hưu đến nơi, trong lòng ông Khánh kèn đang nhóm lên những dự định mới cho tiếng kèn của mình. Yêu thương, trân trọng những cây kèn dân tộc và tiếng kèn của chính mình, đến lượt những cây kèn cùng với nghề tuồng theo mấy chục năm nay, không phụ ông.

NSƯT Lương Ngọc Khánh với một số cây kèn của mình.

Gia đình võ – nghệ

Cơ địa tôi tốt, tôi luyện tập thường xuyên, lại tránh xa rượu bia, thuốc lá, ông Khánh kể chuyện, làm cái “nghề thổi hơi” này phải biết bảo vệ lồng ngực của mình. Nhà ông ở khu văn công Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội, cách Nhà hát tuồng trung ương nơi ông công tác trăm mét. Bao năm nay trừ đi biểu diễn, lưu diễn thì vào trung tâm thành phố, hay lên ô tô rong ruổi, còn bình thường cứ đi ra tập kèn, tập vở với anh em, rồi lững thững đi về, lại tập kèn một mình.

Tiếng kèn ông mạnh mẽ, vang vọng, dài miên man… Vừa nghe đã cảm thấy bị… “áp đảo”. Nhưng không phải âm nó khỏe thế, cứ nhè ra mà thổi cho váng nhà lên thì chỉ là cái anh thô thực. Những ngón tay mà theo tâm lí thông thường, người ta sẽ thấy “giống tay thợ hơn là tay nghệ sĩ”, lướt nhẹ, nhấn nhá khiến cho tiếng kèn đang như ào ra, thoắt uyển chuyển, mềm mại. Có anh nọ đi câu qua gần đó, nghe ông Khánh đang thổi kèn bài gì đó về mẹ, nhảy ngay vào bảo anh làm em nhớ mẹ quá! Thì chính ông Khánh khi đang thổi, cũng rưng rưng nhớ hồi xưa đói, mẹ đi vay gạo thổi cơm cho mấy anh em ăn mà!

Nhìn thân hình thấp đậm, chắc khỏe của nghệ sĩ, tôi cứ nghĩ nghĩ lan man, chắc thể nào ông cũng còn luyện phương pháp vận khí, điều khí trong kho võ học gia truyền nhà mình. Gần như cả gia đình ông luyện võ mà, từ thời các cụ trước đời bà nội, đến bà nội, đến bố, và các em – những “kỳ nhân” trong làng võ Việt như Giáo sư, viện sĩ, võ sư Lương Ngọc Huỳnh, võ sư Lương Ngọc Hải. Một số câu chuyện về gia đình độc đáo ấy ở làng Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã được người ta biết nhiều qua những bài viết về “hành trạng” của hai ông Huỳnh và Hải. Truyền thống nhà võ nhiều đời hun đúc nên hai con người ấy, đã gây dựng môn phái Lâm Sơn Động với nhiều công năng đặc dị. Nhưng ở một nhánh khác, cũng chính không khí gia đình đã chảy trong dòng máu nghệ thuật của người con cả - NSƯT Lương Ngọc Khánh.

Đó là bởi từ hồi nhỏ, nhiều thành viên trong nhà cũng đều thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ngày xưa, cả nhà từng là một gánh đàn hát nhỏ, cũng từng đi biểu diễn đây đó. Dương Cốc lại chính là nơi mà các nghệ sĩ tuồng liên khu 5 từng về sơ tán, biểu diễn trong những năm chiến tranh, khiến cho “mầm tuồng” được gieo xuống, làm bao nhiêu thế hệ sau “khổ sở” vì nghệ thuật. Ông Khánh cũng ở trong lớp thanh thiếu niên ngày xưa mắt tròn miệng mở ra mãi mà xem những đêm tuồng huyền ảo. Và NSƯT Ngọc Khánh của Nhà hát tuồng trung ương, bao năm qua đóng dấu vào trí nhớ đồng nghiệp, vào giới chuyên môn với biệt danh “Khánh kèn”, cũng chính nhờ những năm xưa đã được hưởng lộc nhà, “lộc xã hội” như thế.

“Độc quyển sâu”

Ông cụ Lương Ngọc Bỉnh đàn hay võ giỏi, người cha của những đứa con tài hoa và đầy tính tự lực sau này, còn cải tạo, chế ra một số loại đàn. Hình như cái hứng thú mày mò cải biến này đã “lây” sang “ông” con cả, để sau này “ông con” bỏ nhiều năm ra tìm cách cải tiến một loại kèn tổ sâu, có nơi gọi là kèn đôi còn được ít người biết, thành cái kèn mà ông đặt cho cái tên rất kêu “độc quyển sâu”. Tất nhiên, gọi gọn lại và cho đúng với truyền thống vẫn là kèn tổ sâu, vì phải dùng cái tổ sâu kèn để thổi. Nhiều người biết ông Khánh cần, tìm được cái sâu kèn nào vẫn mang cho.

Loại kèn này, từ lâu rồi, có người bạn đi đám hiếu ở tít vùng sâu vùng xa Thanh Hóa thấy người ta dùng để thổi nhạc đám. Sưu tầm được, bạn nghĩ là ông Khánh sẽ thích, sẽ phát huy được nên tặng lại ông. Sau này tìm hiểu thêm, ông Khánh biết nó còn có ở một số địa bàn hẹp của Hà Tây trước kia, người ta chập hai cái làm một để thổi, gọi là “kèn đôi”. Muốn tăng khả năng thể hiện của nó, ông Khánh dành nhiều thời gian suy ngẫm. Nó có tám lỗ, ông khoét thêm hai lỗ, tính lại vị trí, khoảng cách khác nhau giữa các lỗ. Hỏng, dập, vỡ nhiều lắm, tôi làm biết bao nhiêu ống nứa. Mãi rồi cũng xong – ông nhớ lại. Đến khi được chiếc “kèn cải tiến” ưng ý, ông Khánh dùng nó thổi bài “Ngược dòng Hương giang” cho tác giả là nhạc sĩ Đức Trịnh ở Trường đại học VHNT quân đội nghe. Nhạc sĩ rất thích. NSƯT Quốc Hưng bên Học viện âm nhạc quốc gia nghe cũng thích và gợi ý, ông có thể thổi bài “Quê hương” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân. Ông Khánh thời gian qua đã mày mò thổi một số bài, và tin rằng kèn tổ sâu còn đủ năng lực thể hiện nhiều bài khác nữa.

Tháng 7 vừa rồi, tôi có chuyến công tác vào các tỉnh miền Tây, người trong đó không biết về cái kèn tổ sâu nhưng khi tôi thổi lên, họ rất thích – ông nói: Nó bé bé như cái bút thế này thôi, mà thổi lên, tiếng vang đến là lớn. Sau khi tôi điều chỉnh, âm thanh của nó uyển chuyển hơn rất nhiều. Nếu trước kia, sử dụng trong đời sống địa phương, người ta không thể dùng nó để thổi một bài hoàn thiện hay chỉ chơi những khúc ngắn. Còn bây giờ, với nó, tôi có thể độc tấu một tác phẩm. Đó là một thắng lợi, ông Khánh kèn quả quyết.

Đường mới cho kèn

“Tham vọng” còn được ông gửi gắm vào nhiều cây kèn dân tộc khác trong bộ kèn của mình mà kèn tổ sâu là “đàn em” mới và sau này trong số đó. Ông kể: Tôi mới vừa tham gia với NSƯT ca nương Bạch Vân ở chỗ đình Kim Ngân 44 phố Hàng Bạc, chỗ cô ấy vẫn diễn ca trù, tôi giới thiệu ba chiếc kèn: tổ sâu, dăm lá và dăm sậy. Trong các khán giả dự hôm ấy, có người khách du lịch nước ngoài ngỡ ngàng. Ông ấy xin số điện thoại và nói sẽ giới thiệu tôi tham dự một liên hoan âm nhạc thế giới, bởi như ông ấy nói, tiếng kèn tôi thổi mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo. Tôi chả biết tới đây ông ấy có gọi lại không, nhưng lúc ấy, khiến cho người ta thích thú đã là vui rồi!

Lâu nay tôi toàn tự tập chứ không có người soạn. Cái gì khó thì tôi hay “nhảy vào”. Dùng những cây kèn dân tộc của mình mà thổi được những tác phẩm cho lọt tai người ta, ra được chất của bài ca đó, thì không đùa được! Chơi một bản nào đó, tôi không phải cứ thế mà thổi ngay. Tôi phải tìm hiểu bản nhạc, lời thơ được sáng tác như thế nào. Nếu tác giả còn sống thì tôi gặp để hỏi chuyện. Có hiểu mới chơi hay được, mới thể hiện được âm sắc, nét văn hóa của các vùng miền”.

NSƯT Lương Ngọc Khánh

Bao năm cống hiến cho tuồng, ghi được nhiều vinh dự, con đường nghệ thuật của ông Khánh ở tuổi sắp hưu đang có xu hướng tách dần khỏi biểu diễn tập thể, biểu diễn đồng hành, biểu diễn phục vụ. Để từ đó xác lập hướng mới cho những cây kèn, và cũng cho chính ông. Trước kia, kèn diễn cùng dàn nhạc, là một bộ phận của tác phẩm tuồng, dẫn và đệm cho diễn viên nói, hát, diễn. Nay, ông Khánh quyết tâm chứng minh kèn sẽ thể hiện được nhiều tác phẩm mang âm hưởng của nhiều vùng đất và thừa sức làm một “liveshow”. Ông lại nói về cái hôm sang thị trấn Chờ ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh, thổi bài “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và bài quan họ cổ “Ngồi tựa mạn thuyền” bằng kèn sôna cho dân nghe. Thích quá, người ta bảo từ thượng cổ đến giờ chưa nghe ai thổi kèn bài quan họ cả, quá hay, chúng em cảm ơn bác! Ông Khánh còn khoe: Hai Tráng (NSƯT liền anh quan họ nổi tiếng Quý Tráng) cũng thích lắm! Để chứng minh, ông mở ngay một số bài được ông thổi bằng kèn sôna như “Huế thương” của nhạc sĩ An Thuyên, có phần đệm nhị do tự tay ông kéo. Rồi bài “Lời ru trên nương” của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm… Khoảng 20 bài đã được ông thu với kèn sôna, ở ngay phòng thu trên gác, có con rể ông là nhạc sĩ Nguyễn Thành Nam, đang học trường ĐH SK&ĐA Hà Nội giúp bố.

Hai năm trước gặp NSƯT Lương Ngọc Khánh, ông hào hứng với những bản ghi đầu tiên của bộ kèn mà mình đang sử dụng, trong đó có những cây kèn được các thầy nghệ nhân, nghệ sĩ kỳ cựu trong nghề trao lại trước khi về theo tổ nghiệp. Lâu nay, ông vẫn cứ hăng hái như thế, với những dự định cho những cây kèn tỏa sáng. Đã có nữ đạo diễn phim tài liệu người Mỹ quen biết 10 năm nay, hâm mộ tiếng kèn Lương Ngọc Khánh, đã một số lần ghi hình ông chơi kèn ở quê nhà, giờ đang xây dựng dự án để làm phim tài liệu về ông.

Tôi không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ buồn chán về việc tôi làm, vì tôi thích mà! Làm nghề phải có cái tâm với nghề thì rõ rồi, nhưng còn phải có tâm với những nhạc cụ của mình nữa. Phải làm sao để mọi người thấy chúng không chỉ là kèn thổi đám trong đội nhạc hiếu, không chỉ thổi tòng theo diễn viên, mà nó có thể đứng độc lập. Tôi sẽ bằng trái tim, tình cảm của mình để thuyết phục mọi người. Cứ làm cho 100 người xem mà 30 người họ thích việc anh làm là đã mừng lắm! Rồi dần dần số đông sẽ hiểu và hưởng ứng anh – Ông Khánh quả quyết trong một chiều mưa, sau khi đi họp chi bộ ở nhà hát về, trong ngôi nhà ở khu văn công Mai Dịch, ông lại giở những cây kèn ra thổi.

Nguyễn Quang Hưng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người “kéo dài” tiếng kèn