Dự định viết về Phạm Hồ Thu đã lâu mà vẫn chưa viết được. Mặc dù chúng tôi cùng cơ quan với nhau từ năm 1993, cùng sinh năm 1950 và… nhiều thứ cùng khác, như: Hội viên của mấy Hội như nhau, có nhiều bạn bè chung, và dường như có nhiều sở thích chung.
Cho đến hôm nay, khi nghe tin Phạm Hồ Thu phải vào viện với những tiên liệu mổ xẻ khiến tôi sốt ruột, trong lòng dâng lên một cảm xúc yêu thương và lo lắng cho bạn rất nhiều.
Rồi không thể không mở thơ Phạm Hồ Thu ra đọc lại, không thể không viết những dòng về bạn. Nghĩ rằng chỉ có thế thì mình mới có thể yên tâm hơn, gần bạn hơn và biết đâu, sau cơn đau, bạn có thêm một niềm vui nho nhỏ…
Phạm Hồ Thu người Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội). Cuối năm 1973 bạn đã là phóng viên báo Nhân Dân. Năm 1974, tình nguyện vào chiến trường Khu 5, Trung Trung Bộ làm phóng viên mặt trận của báo Nhân Dân và Đài Phát thanh Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, tiếp tục làm việc tại báo Nhân Dân - hồi đó, và ngay cả bây giờ Nhân Dân vẫn là một tờ báo lớn, những ai làm việc ở đó đều được đồng nghiệp rất trọng nể…
Nhà thơ Phạm Hồ Thu tên thật là Phạm Thị Sửu, sinh năm 1950 tại thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, là nhà báo, nhà thơ. Cuối năm 1973, tốt nghiệp đại học, là phóng viên báo Nhân Dân. Năm 1974, tình nguyện vào chiến trường khu 5, Trung Trung Bộ làm phóng viên mặt trận của báo Nhân Dân và Đài Phát thanh Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Phạm Hồ Thu tiếp tục làm việc tại báo Nhân Dân, rồi báo Người Công giáo Việt Nam (trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam) đến khi nghỉ hưu (2006).
Tôi quen Phạm Hồ Thu từ ngày chị chuyển về làm việc ở báo Người Công giáo Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (2006). Ở tuổi ngoài 40 lúc đó Phạm Hồ Thu rất đẹp trong mắt tôi. Gương mặt phúc hậu, đôi mắt nâu như biết nói, có chút long lanh như tên gọi của chị.
Không chỉ tôi mà nhiều người đàn ông, trong những cuộc vui chung của chúng tôi (những cộng tác viên, những người yêu văn chương) đều công nhận chị là người có sức quyến rũ. Không những đẹp, chị còn là người sống rất tình cảm, rất thích chăm sóc người khác không chỉ bằng khả năng/ điều kiện của chị mà còn bởi sự đằm thắm, nhiệt tình vốn có của người phụ nữ. Tôi nhớ những lần tụ bạ nhau ở căn nhà của chị trong con ngõ nhỏ, mâm cơm khi thì vịt hay thịt ba chỉ luộc, canh măng, khi thì cá chua nấu dấm, khi thì thịt bò xào dứa, canh xu hào…
Nhìn cái cách chị nhặt những ngọn rau thơm, rót chén rượu quê hay tráng nước sôi pha ấm trà Thái, tôi thấy chị thực là người có tư chất Hà Nội cổ, và rất nữ tính.
Xây dựng gia đình muộn, chồng chị là nhà thơ Trần Quốc Thực. Anh Thực vóc người mảnh mai, yêu thơ hơn yêu bản thân, phong cách sống thi sĩ hơn cả thi sĩ. Người ta bảo, tạng người của nhà thơ Trần Quốc Thực hầu như không có khả năng chống đỡ bất kỳ sóng gió nào của thời cuộc. Từ bước chân đến tâm hồn của Trần Quốc Thực đều trực nghiêng về đổ vỡ và đắng cay…
Tôi nghĩ họ đến với nhau trước hết vì thơ. Nhiều bài thơ cả hai viết cho nhau trong thời gian yêu thương, chung sống đã đạt tới độ tuyệt phẩm thơ tình… Trước khi về đảm nhiệm chức danh biên tập viên ban Thơ báo Văn nghệ, anh đi thanh niên xung phong và cũng đóng góp cho chiến trường.
Anh đã có các tập thơ “Miền chờ” (1989) giải thưởng Nguyễn Khuyến, “Nét khắc” (1995) giải A Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, “Trái tim hoa bìm” (1998) và “Tháp cúc” (2003) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam…
Phạm Hồ Thu lấy Trần Quốc Thực khi anh đã trải qua một đời vợ. Hai người có chung một cô con gái. Cả hai đều muốn dành toàn bộ năng lượng cho thơ nhưng gánh nặng cơm áo, và ăn học của con lại đè nặng lên vai Phạm Hồ Thu.
Và như chúng ta đã biết thời họ đang tuổi thanh xuân thì cuộc sống bao cấp khó khăn mọi bề. Cả xã hội đều khó, nhưng với một gia đình cả hai đều là thi sĩ thì cái khó nhân lên gập bội.
Cả hai tờ báo mà hai vợ chồng Trần Quốc Thực - Phạm Hồ Thu làm việc trong vai trò biên tập viên, đều là những tờ báo không có nhiều thu nhập. Họ sống bằng đồng lương ít ỏi, rồi tâm hồn thơ lai láng, họ chấp nhận sống đơn sơ, để dành năng lực cho sáng tạo, cho chữ nghĩa, nên họ không làm thêm bất cứ việc gì ra tiền. Đó cũng là một phẩm chất hiếm, một sự đáng nể trong cuộc sống nhiều đua chen.
Sức yếu, lại thêm bệnh tật Phạm Hồ Thu về hưu chưa được 2 năm thì nhà thơ Trần Quốc Thực mất. Anh mắc bệnh dẹt phổi từ những năm tháng Trường Sơn. Bệnh phổi của thương binh Trần Quốc Thực tái phát từ đầu năm 2000, dù được chăm sóc chu đáo nhưng không qua khỏi. Chị lại một mình bươn trải lo thuốc thang, bệnh viện lo hậu sự cho anh và một mình nuôi con cho đến ngày nay…
Vất vả, khổ cực nhưng không lúc nào tâm hồn chị vơi đi những nỗi niềm chữ nghĩa, thơ cứ ẩn hiện đâu đó, để rồi chị viết, và cũng đã xuất bản những tập thơ, in dấu trong lòng bè bạn: “Quà tặng”, “Chiều Trương Chi”, “Giấc sâm cầm”...
Chúng ta cùng đọc những vần thơ của chị, để hiểu và cảm thông thực sự với chị:
“Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi thơ tôi những triền cát trắng
Vết chân trần chạy trên bờ sông buổi sớm
Bếp lửa mùa đông bà ngoại nhóm lên rồi
Cháy trong tiếng gà gọi bình minh
Làm sao tìm lại bình yên
Mỗi buổi sáng vườn quê chim hót
Lời tỏ tình nghe như mật rót
Như mơ hồ những cánh chim bay
Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi hai mươi khoác ba lô ra trận
Âu yếm hôn dấu chân anh để lại
Khóc trên những dấu chân trần người chiến sĩ đi qua
Làm sao tìm lại bình yên
Lòng tin lắm những chân trời có thật
Vượt qua hết những lòng người phản trắc
Người ta yêu vẫn đợi ta về...
(trích “Bình yên khao khát”)
Không chỉ viết những bài thơ ngắn với các hình thức thơ khác nhau, có cả những bài thơ văn xuôi rất thú vị chị còn có "Chiến tranh trên gương mặt đàn bà" (trường ca)...
Nếu Phạm Hồ Thu là người dễ tính, thảo nết, phóng khoáng trong cuộc sống thường nhật thì chị là người rất kỹ trong việc chọn lựa bè bạn và trong sáng tác. Chị có một kiểu kiêu hãnh thầm lặng mà tinh ý mới thấy.
Thơ của chị dẫu chứa nhiều cảm xúc nhưng vẫn khắt khe về kỹ thuật và ngôn từ.
Thơ của chị được đánh giá là một giọng điệu nữ riêng biệt. Nồng nàn, chân thành và đẹp. Thơ của chị khắc họa thành công những tâm hồn đàn bà luôn hướng tới vẻ đẹp sâu sắc của tình yêu và những giá trị sống.
Khi viết đến những dòng này thì tôi được tin Phạm Hồ Thu đã qua cơn đau nặng và đang bình phục trở lại, dù vết mổ vẫn còn làm chị phải cố gắng rất nhiều. Chống chọi với bệnh tật, với tuổi già và những khó khăn thường trực nhưng chị vẫn tin vào sự tốt lành của cuộc đời, tin vào sức mạnh của sự tử tế mà chị vốn cũng tạo dựng cho số phận mình cũng như tin vào phép màu của thi ca.