Người lái xe Trường Sơn và chuyện 'khoán chui' trong ngành vận tải

Quang Huy 24/05/2016 09:08

Vào những năm đầu đổi mới, ngành giao thông vận tải tỉnh Hải Hưng lúc đó có một mô hình từng gây tiếng vang trong lĩnh vực vận tải hành khách, đó là mô hình “khoán xe” của Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng Hoàng Chính Hòa, một trong những mô hình “khoán xe” đầu tiên trong ngành vận tải.

Ông Hoàng Chính Hòa (bên trái) ôn lại thời kỳ thực hiện mô hình “khoán xe chui” .

Biết tôi có ý định tìm hiểu về một mô hình hiệu quả của ngành vận tải thời kỳ hậu bao cấp, các cán bộ Sở GTVT hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên liền bảo: “Muốn tìm hiểu kỹ hơn về mô hình “khoán chui” của ông Hòa, cứ tới hỏi chuyện ông Bùi Văn Sướng. Hồi ấy, ông Hòa “làm chui” nhưng ông Sướng… biết hết!”. Nghe theo lời khuyên ấy, tôi đã tìm gặp và được nghe ông Bùi Văn Sướng kể về “một thời cầm lái” của người lính Trường Sơn Hoàng Chính Hòa.

Là người có hơn 20 năm phụ trách lĩnh vực vận tải (1974-1998) nên ông Bùi Văn Sướng hiểu rất rõ những thăng trầm mà ngành vận tải phải trải qua. Đối với vận chuyển hành khách, ông Sướng bảo rằng, có tới cả chục năm, vào mỗi dịp lễ, Tết, các bến xe luôn diễn ra tình cảnh người dân phải ăn chực nằm chờ, trong khi “đợi mỏi cổ” chẳng thấy xe khách ở các tỉnh tới chở…

Xảy ra tình trạng trên là do xe của tỉnh nào thì chỉ được phép chạy trong phạm vi tỉnh ấy, hễ ra khỏi địa giới tỉnh là Bộ Giao thông vận tải “tuýt còi”, vì thế mới diễn ra tình trạng mất cân đối, diễn ra việc xếp hàng rồng rắn ở các bến xe; rồi cảnh ứ đọng hàng hóa ở cảng Hải Phòng, bởi hàng có, nhưng không có xe tới vận chuyển, hoặc xe có nhưng cứ nằm ỳ một chỗ do lái xe… không muốn chạy.

Với vai trò của người làm công tác quản lý, ông Sướng và lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhận thấy cần phải đổi mới khoán trong vận tải để “giải phóng” tài xế, “giải phóng” chủ xe thoát khỏi cơ chế bao cấp. Và thực tế đã có doanh nghiệp vận tải tự tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, áp dụng mô hình khoán cho cá nhân như ở Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng.

Nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Sướng kể: “Vào thập niên 1980-1990, hầu như tuần nào tôi cũng có những chuyến công tác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và thường ghé qua thị xã Hải Dương, nơi Hoàng Chính Hòa làm Giám đốc Xí nghiệp Xe khách. Hồi ấy, Hòa còn trẻ, mới ngoài 30 tuổi nhưng rất năng động. Tôi rất quý những con người táo bạo, dám nghĩ dám làm nên khi biết Hòa “xé rào”, áp dụng mô hình khoán xe cho xí nghiệp, tôi thường làm ngơ, coi như… không biết, cũng chẳng báo cáo lên trên. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương, nhất là Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông thì nhiệt tình ủng hộ ý tưởng và cách làm của người Giám đốc trẻ này”.

Hoàng Chính Hòa đã có tư duy hình thành khoán từ năm 1977, khi ông vừa rời quân ngũ từ chiến trường Trường Sơn chuyển ngành về làm công nhân lái xe tại chính xí nghiệp mà sau này ông làm Giám đốc. Ông nhận thấy khoán xe cũng như khoán hộ trong nông nghiệp, sẽ có tác dụng giảm bớt thất thu, thất thoát cho doanh nghiệp và Nhà nước. Sau khi áp dụng chế độ khoán, người lái xe đang có thái độ cửa quyền, hách dịch, nay đưa vào khuôn khổ chặt chẽ thu-chi, sử dụng định mức chế độ, hầu hết đều phản đối. Nhưng đó chỉ là những phản ứng lúc đầu, sau đó họ nhận ra lợi ích của việc khoán nên mọi việc đều tiến hành thuận lợi.

Trong các năm 1986-1988, Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng thực hiện khoán doanh thu và từng bước khoán vật tư nhiên liệu, thiết bị cho các đầu xe và phân xưởng. Những năm sau, xí nghiệp tiến thêm một bước: Khoán gọn và cho đấu thầu một số tuyến đường; khoán sản phẩm cho công nhân sửa chữa phương tiện và sang năm 1991 tiến thêm một bước là hoàn chỉnh cơ chế khoán: Khoán toàn diện cho các đội xe, tổ xe, đầu xe, phân xưởng, bến xe và quỹ lương cho các phòng để họ tự quản.

Từ mô hình được coi là “khoán 10” trong ngành vận tải, Xí nghiệp Xe khách Hải Hưng trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình “khoán xe” cho cá nhân, trở thành mô hình tiêu biểu của Bộ Giao thông vận tải trong những năm đổi mới, tập thể xí nghiệp được tặng cờ luân lưu của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Riêng Giám đốc Hoàng Chính Hòa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba nhờ thành tích mà ông Sướng nói vui là “khoán xe chui” để giải phóng xe, giải phóng chủ xe khỏi cơ chế bao cấp. Vị giám đốc “tuổi băm” ngày ấy trở thành một trong những người đầu tiên “mở lối”, “phá rào”, khắc phục tình trạng trì trệ trong ngành vận tải.

Với mô hình khoán xe của Hoàng Chính Hòa và việc xóa bỏ “công tư hợp doanh” ở một số địa phương, Thứ trưởng Bùi Văn Sướng đã báo cáo cấp trên chính thức chấm dứt việc cấp phép trong vận tải đường bộ, để các doanh nghiệp vận tải bắt đầu xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” trong các năm 1988-1995…
Ít ai biết rằng, trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, tác giả của mô hình “khoán xe”, vị giám đốc “tuổi băm” ngày ấy đã được

Bộ GTVT hiệp thương giới thiệu tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội và tham gia Tỉnh ủy Hải Hưng khóa VI. Giờ đây, về nghỉ hưu sau hàng chục năm công tác, với nụ cười lạc quan cùng giọng nói hào sảng, ông luôn thấy thanh thản, tự hào về “một thời cầm lái”, về những năm tháng “mở lối”, góp phần giúp ngành vận tải thoát khỏi cơ chế bao cấp và có những bước tiến dài trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lái xe Trường Sơn và chuyện 'khoán chui' trong ngành vận tải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO