Là vụ hoa mang lại thu nhập chính trong năm nhưng hiện nay, người trồng hoa tết ở vùng ngoại ô Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi... (TP HCM) đang rất bất an, lo lắng. Dù đã giảm diện tích gieo trồng nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và việc hạn chế tụ tập đông người, các nhà vườn đang thấp thỏm vì đã chi hàng trăm triệu đồng vào cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện nước, nhân công...
Trồng nhưng không dám... bán
Trong khu đất rộng gần chục héc-ta nằm dưới một tòa cao ốc đang xây dựng ở huyện Hóc Môn, anh Trần Văn Hưng hối hả dẫn vòi nước tưới cho 4.000 chậu hoa hướng dương mới cao bằng đầu gối. Dừng lại một chút, anh Hưng kể gia đình anh ở bên Gò Vấp nhưng nhiều năm đi thuê đất làm nghề trồng hoa cây kiểng. “Tết là vụ hoa kiểng chính, thu nhập bằng 10 tháng khác trong năm nên rất được nhà vườn quan tâm. Gia đình tôi năm nay chỉ trồng hướng dương, mào gà, cúc vạn thọ và một ít hoa thủy canh. So với mấy năm trước thì số lượng giảm chỉ còn một nửa. Song giờ cũng lo lắm vì các nơi chưa đặt hàng trong khi gia đình cũng chưa biết phải bán ra sao. Hơn 100 triệu đồng tiền giống vốn đã bỏ ra rồi” - anh Hưng cho biết.
Theo anh Hưng, lúc không có dịch thì gia đình anh sẽ mở 2 đến 3 điểm bán hoa kiểng. Thường một điểm ở đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) ngay tại nhà cho bố mẹ trông coi. Trong khi đó anh sẽ tìm một mặt bằng ở đường lớn hơn để bán còn vợ và con trai sẽ thuê một ô ở chợ hoa Hóc Môn. Tuy nhiên tiền thuê mặt bằng và chợ hoa cũng phải chừng 30 triệu đồng trong khi năm nay chưa biết thế nào khiến gia đình anh đang tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục đầu tư thuê mặt bằng mà bán không hết là coi như “mất Tết”.
Ở gần đó, ông Bùi Văn Chuyên cùng 2 người công nhân cũng đang loay hoay với 250 chậu hoa mai kiểng. Một nửa trong số này là thuộc sở hữu của khách, ông chỉ nhận chăm sóc. Ông Chuyên cho biết phải tới ngày 14, 15 (âm lịch) tháng Chạp ông mới bắt đầu lặt lá mai, chuẩn bị cho dịp Tết.
“Đây là mai cổ thụ, gốc lớn tuổi trên 10 năm nên rất có giá trị. Nhiều gốc giá cả trăm triệu đồng nên phải chăm sóc cẩn thận. Cuối năm, mai thường được nhặt lá 2 lần, thời gian tùy theo người chăm sóc. Lần thứ 2 là quan trọng nhất bởi đó là lúc canh đúng dịp Tết cho mai nở. Mỗi gốc chăm sóc thì mình nhận công 1,5 triệu đồng, đảm bảo cây sống khỏe, ra bông đúng ngày Tết. Riêng khách đổi cây (gửi cây này, lấy cây khác) thì tiền công là 3 triệu đồng” - ông Chuyên cho biết.
Trong khi đó, khu vực trồng mai lớn nhất TPHCM với khoảng 500 héc-ta nhưng hiện nay không khí ở làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh) cũng khá ảm đạm, không nhộn nhịp khách tới hỏi mua như trước. Với hàng chục nghìn gốc mai cùng những nghệ nhân lâu năm quy tụ, mai vàng Bình Lợi thường xuyên bán ra nhiều tỉnh thành miền Tây, miền Đông hay tận ngoài Hà Nội.
Ông Lê Hữu Thiện - Giám đốc HTX Mai vàng Bình Lợi cho biết, tới thời điểm này đơn hàng đặt mai giảm một nửa so với trước. Theo ông Thiện do tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp nên nhiều khách ở xa ngại đặt hàng và vận chuyển từ TPHCM tới. Hiện các nhà vườn cũng đang cân nhắc khả năng nhặt lá mai. Trong khoảng 10 ngày tới, nếu đơn hàng nhiều thì mới nhặt lá, còn không thì để cây sinh trưởng tự nhiên.
Lo giá “sập sàn”
Với đặc thù chỉ bán khoảng 10 ngày trước Tết, người trồng hoa kiểng ở TPHCM lo lắng giá năm nay sẽ giảm sâu dù nhiều loại chi phí khác tăng so với năm trước.
Chị Nguyễn Thị Phương, chủ một vườn lan ở xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) cho biết, những năm trước thời gian này chị đã bán được một nửa số lan rồi. “Thường các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, chủ vựa hoa kiểng trên thành phố đặt mua trang trí trước cả tháng. Nhưng năm nay ế lắm, tới giờ mới bán được hơn 300 chậu thôi. Mấy loại lan cấy mô nhập bên Thái Lan, Ấn Độ về giá cao chưa có khách đặt. Mỗi chậu lan trừ công chăm sóc chỉ lãi chừng 100 nghìn đồng nhưng phải bỏ giống vốn xấp xỉ ngần đó. Nếu bán không được coi như lỗ luôn vì sau Tết giá hoa rất rẻ. Từ tuần trước con gái lớn nhà tôi kêu ba mẹ bán hoa trên mạng gì đó mà tôi thấy không hiệu quả. Người ta vào bình luận chơi chơi chứ có mua mấy đâu” - chị Phương nói.
Tại TPHCM, có khoảng 2.000 vườn hoa cây kiểng, chủ yếu là lan, mai, bonsai, hoa nền... Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM) cho biết, do dịch Covid-19 nên nhà vườn trồng hoa đã phần nào dự báo được nhu cầu thị trường nên diện tích, số lượng chỉ còn khoảng 50% so với các năm trước. Riêng cây mai có thể giảm ít hơn, còn khoảng 60% so với thời gian trước bởi đây đây là giống cây lâu năm, giá trị kinh tế ít thay đổi so với hoa kiểng thời vụ khác.
Quảng Ngãi: Vườn hoa Tết đìu hiu
Những ngày này, người dân trồng hoa ở Quảng Ngãi tất bật chăm sóc các loại hoa để phục vụ thị trường hoa Tết Nhâm Dần. Tuy nhiên, không khí tại các vườn hoa khá đìu hiu. Ông Lê Bá Đức, trú huyện Bình Sơn cho biết, năm nay gia đình ông đã giảm số lượng các chậu hoa cúc, hoa thược dược, vì sợ ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhưng giờ nỗi lo đã thấy rõ khi đến thời điểm này ít thương lái đến hỏi mua hoa Tết. Còn ở huyện Tư Nghĩa, bà Phan Thị Biên cho hay, chi phí đầu tư vụ hoa Tết tăng khoảng 20% so với năm trước, nhưng hoa rất khó bán, tại thời điểm này thương lái vẫn chưa tới hỏi mua.
Theo ông Bùi Văn Vàng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tư Nghĩa, năm nay toàn huyện có khoảng hơn 2.000 hộ tham gia trồng hoa. Nghề trồng hoa mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Thế nhưng năm nay thị trường hoa khá đìu hiu, khiến bà con trồng hoa luôn trong tâm trạng lo lắng.
T.Thành-C.Đại