Trời mưa, nhiều phụ huynh đến trường sớm chờ đón con tan học. Trước cửa lớp, một nhóm phụ huynh đứng nói chuyện khá to, át cả tiếng cô giáo đang giảng bài bằng mic nên một bác đứng ngay gần cửa đã khép cửa lại, rèm được kéo xuống để cô trò tiếp tục tiết học.
Nhưng người khác không đồng tình vì như vậy sẽ không nhìn thấy cô giáo đang dạy gì bên trong. Từ việc này, hai người đàn ông lời qua tiếng lại, chỉ qua vài lời đã muốn xông vào đánh nhau ngay trước cửa lớp. Những người đứng xung quanh vội vàng lên tiếng can ngăn nhưng vì có phần say rượu, người đàn ông không bình tĩnh nổi nên càng ngày càng nói to.
Cô giáo thấy vậy nên đã cho học sinh này ra ngoài trước để bố đưa về nhưng dù đèo con trên xe máy, trời mưa lâm thâm và đứa trẻ òa khóc nói “bác đừng đánh bố cháu”, nhưng hai người đàn ông vẫn không thôi hầm hè, chỉ tay vào mặt nhau lớn tiếng. Phải đến khi bảo vệ nhà trường chạy đến, người đàn ông say rượu mới chấp nhận nổ máy xe đưa con rời khỏi trong khi người đàn ông còn lại được mọi người can ngăn, không cho đuổi theo.
Một câu chuyện xảy ra trong chính ngôi trường mà hai đứa con tôi đang theo học, dưới sự chứng kiến của không ít học sinh và rất nhiều phụ huynh lúc đó. Rất may trước khi những nắm đấm được vung ra đã được ngăn lại, nhưng với đứa trẻ òa khóc nức nở, ngồi phía sau ông bố sực nức mùi rượu kia tôi không rõ đến bao giờ cháu mới có thể quên được hình ảnh ấy? Lời cầu khẩn đầy bất lực muốn bảo vệ bố của đứa trẻ vang lên nhói lòng những người đứng đó, nhưng có lẽ, người bố cháu muốn bảo vệ lại chẳng hề nghe thấy vì còn đang mải tức giận và chuếnh choáng trong cơn say.
Giáo dục một đứa trẻ, vẫn luôn là câu chuyện của cả 3 nhà: Gia đình - nhà trường và xã hội. Nhưng khi trong lớp, cô giáo đang kể cho học sinh câu chuyện “Hai con dê qua cầu” trong sách Tiếng Việt lớp 1 để giáo dục các em về sự nhường nhịn thì ngay ngoài cửa lớp, phụ huynh lại muốn lao vào đánh nhau! Các em sẽ phải học thế nào đây khi bài học trong sách giáo khoa và hiện thực cuộc sống quá khác biệt như vậy?
Quan điểm người lớn nêu gương đã được ngành giáo dục, các chuyên gia nhắc đến nhiều khi nói về các giải pháp để hạn chế bạo lực học đường hiện nay. Bởi người lớn đã có nhận thức đầy đủ. Trẻ thường học và làm theo người lớn. Người lớn suy nghĩ, hành động ra sao đều ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ sau. Vì vậy, người lớn cần hành xử mẫu mực.
Dù cuộc sống khó tránh khỏi những lúc bức xúc nhưng mỗi người phải học cách kiềm chế và không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Có như vậy trẻ mới không tiếp xúc với hành vi tiêu cực và làm theo. Người lớn chúng ta hành xử với nhau văn minh, thượng tôn pháp luật sẽ dần dần hình thành nếp sống như vậy cho các em.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin ở nơi này, nơi kia vừa có những vụ việc bạo lực học đường xảy ra. Nhiều ông bố bà mẹ thẳng thắn cho biết thà bỏ việc, bỏ thu nhập để trực tiếp đưa đón con tận cổng trường chứ không thể nào yên tâm khi chuyện học sinh đánh bạn diễn ra mỗi ngày. Họ sợ, có ngày con mình trở thành nạn nhân hoặc là thủ phạm tham gia đánh bạn. Nhưng rõ ràng không ai có thể đảm bảo theo sát con mọi lúc mọi nơi, và đã có những vụ việc xảy ra ngay trong chính không gian lớp học. Nên điều cần thiết đó là người lớn nêu gương, thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con để nhận ra những nguy cơ có thể làm xảy ra bạo lực học đường. Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình khi bị bắt nạt và nhận thức rõ bắt nạt bạn là việc xấu, cần lên án thay vì sợ hãi hay vào hùa.