Hàng năm, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam liên tục tăng. Nguy hiểm hơn, những năm gần đây tỷ lệ mắc ung có xu hướng trẻ hóa.
Một số bệnh ung thư phổ biến
Tại Hội thảo phòng, chống ung thư vừa diễn ra tại TPHCM do Hội Ung thư Việt Nam và Bệnh viện Ung bướu TPHCM tổ chức, TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (Globocan) cho biết, trong năm 2020, ước tính trên thế giới có khoảng 19,3 triệu ca mới, 2,9 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, năm 2020 có khoảng 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Việt Nam xếp thứ 91/185 quốc gia có tỷ suất mắc mới và xếp 50/185 về tỷ suất tử vong do ung thư. Điều này chứng tỏ sự tăng nhanh trong tỷ suất mắc mới và tử vong do ung thư tại nước ta.
Theo BS Phạm Xuân Dũng, tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, số lượng bệnh nhân ung thư tới điều trị hàng năm khoảng 23.000 ca mới. Các bệnh ung thư phổ biến ở nam giới gồm: ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm: ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng. Theo BS Dũng, bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, xã hội và nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng.
Về căn bệnh ung thư gan, TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, BV đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa rõ ràng. Ở Việt Nam, yếu tố nguy cơ hàng đầu là những người mắc viêm gan virus B, C, gan nhiễm mỡ, xơ gan… vẫn chưa quan tâm theo dõi và điều trị bệnh nền của mình ổn định. Ngoài ra, ung thư gan còn liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, nhiễm độc nấm aflatoxin… Do đó, BS Vũ Hữu Khiêm khuyên mọi người nên chủng ngừa viêm gan B, C đầy đủ, hạn chế uống rượu bia, ăn nhiều rau xanh, tăng cường vận động, không sử dụng các loại thực phẩm khô bị nấm mốc, thực phẩm ngâm muối…
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nam giới cao hơn nữ giới, ước tính cứ 12 người nam mắc bệnh thì có 4-10 bệnh nhân là nữ. 90% trường hợp bị ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá chủ động và thụ động. Việc hút thuốc lá dài hạn có thể khiến tích tụ các chất độc hại không chỉ gây ung thư phổi mà còn gây tổn thương hàng loạt các cơ quan khác như: thanh quản, thực quản, bàng quang, thận, tuyến tụy… Ngoài thuốc lá; khói bụi, ô nhiễm môi trường hay các hóa chất độc hại cũng tác động xấu đến phổi gây ung thư.
Phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao
Những năm gần đây, các cơ sở y tế của Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại. Các phương pháp phẫu thuật và xạ trị không chỉ hướng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn hướng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh. Bệnh nhân ung thư đã có thể tiếp cận các thuốc hóa trị và thuốc nhắm trúng đích mới và gần đây là các thuốc miễn dịch, điều trị gene ngay tại Việt Nam.
BS Phạm Xuân Dũng cho rằng, bệnh ung thư phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư. Người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, chế độ dinh dinh dưỡng phù hợp và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, giữ tinh thần thoải mái, tích cực…
Theo GS.TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư tại Việt Nam trong thời gian qua đã tăng lên khoảng 50% so với trước đây chỉ ở mức 20-25%. Thay vì 70% người dân đến khám và phát hiện ở giai đoạn muộn thì nay việc người dân chủ động quan tâm đến sức khỏe của mình và đi khám tầm soát ung thư để nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đó là tín hiệu đáng mừng. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, nếu phát hiện bệnh muộn thì phải phối hợp nhiều mô thức. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân vừa phải phẫu thuật vừa phải xạ trị, chi phí tốn kém, điều trị phức tạp hơn.