Theo một cảnh báo đến từ Cơ quan di trú của Liên minh châu Âu (EU), sẽ chỉ còn khoảng 10 ngày cho giới chức khối này tìm biện pháp ngăn chặn dòng người tìm đến nhập cư và tị nạn ở châu Âu, bằng không hệ thống Schengen – niềm tự hào của EU – sẽ có khả năng sụp đổ.
EU cảnh báo Hiệp ước Schengen có thể sụp đổ hoàn toàn nếu không có
biện pháp ngăn chặn khủng hoảng di cư. (Nguồn: Sputniknews).
“Trong khoảng 10 ngày tới, chúng ta cần những kết quả xác thực và rõ ràng. Bằng không có khả năng toàn bộ hệ thống Schengen sẽ bị sụp đổ” – ông Dimitris Avramopoulos, Ủy viên vấn đề di trú của EU, nói trước giới truyền thông hôm 26/2.
Cảnh báo trên được đưa ra sau một cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của EU được tổ chức ở Brussels hôm 25/2, nơi mà các quan chức tụ họp để một lần nữa tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư hiện thời. Ngay từ lúc mới đến cuộc họp này, ông Avramopoulos đã gọi đây là “thời điểm quan trọng” để giải quyết các vấn đề.
“Chúng ta không còn thời gian nữa. chỉ còn có 10 ngày là đến ngày 7/3” – ông Avramopoulos nói, nhắc đến một cuộc họp thượng đỉnh liên quan tới khủng hoảng di cư mà giới lãnh đạo EU tổ chức với Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới.
Bất chấp các quy định tự do đi lại của Hiệp ước Schengen, một số các nước thành viên trong khối EU đã đơn phương áp đặt các quy định thắt chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư. Trong lúc kêu gọi các nước thành viên tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề, ông Avramopoulos nói rằng “không còn thời gian cho các hành động đơn phương” vì chúng không dẫn tới đâu cả.
Trong tuần này, Bỉ cũng gia nhập nhóm các nước đơn phương kiểm soát biên giới, sau khi tuyên bố tạm thời ngừng áp dụng các quy định của Hiệp ước Schengen đồng thời tăng cường sự hiện diện của lực lượng cảnh sát dọc các đường biên giới của họ. Cùng thời điểm, Bộ Quốc phòng Áo cũng tuyên bố rằng họ sẽ triển khai thêm binh sỹ tới biên giới để hỗ trợ giải quyết tình hình khủng hoảng.
Trong bối cảnh Cơ quan quản lý biên giới của EU, Frontex, cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư trong năm nay, thì khối 28 nước thành viên này đã thất bại trong việc đạt một thỏa thuận về giải pháp chung nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Frontex còn cảnh báo rằng Schengen sẽ không thể vận hành một cách trơn tru nếu như các đường biên giới ngoại vi của EU không được bảo vệ một cách hữu hiệu.
Hiện nay, một trong những giải pháp đang được đề xuất chính là tạo một cơ chế hạn ngạch tiếp nhận người di cư bắt buộc mà các nước thành viên EU phải tuân thủ. Tuy nhiên, một số nước thành viên lại cực lực phản đối đề xuất này.
Hôm 24/2, Chính phủ Hungary, vốn có quan điểm phản đối cơ chế hạn ngạch tiếp nhận người di cư, đã gây sức ép cho EU sau khi tuyên bố rằng họ sẽ kêu gọi hẳn một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định về vấn đề này, dựa trên ý kiến của người dân trong nước để phản bác lại đề xuất của EU.
Cuộc họp hôm 25/2 vừa qua cũng chứng kiến sự bất đồng đặc biệt sâu sắc giữa Hy Lạp và Áo – quốc gia đi đầu trong chiến dịch kêu gọi cách ly Hy Lạp để cho phép dòng người di cư chuyển hướng sang các nước Balkan bằng cách đóng cửa biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia.
Chính quyền Athens đã phản ứng lại một cách giận dữ, triệu hồi đại sứ của họ từ thủ đô Vienna của Áo trở về nước và cáo buộc Áo hành xử như hồi thế kỷ 19; đồng thời cáo buộc châu Âu đã tạo nên một cuộc khủng hoảng di cư này. Việc một quốc gia EU triệu hồi đại sứ từ một quốc gia EU khác là sự kiện chưa từng có tiền lệ, và nó phản ánh sự chia rẽ sâu sắc mà châu Âu đang phải đối mặt trong khi phải giải quyết khủng hoảng di cư.
Nước Áo không chỉ làm Hy Lạp tức giận mà cả Đức và Ủy ban châu Âu sau quyết định hạn chế số người tìm kiếm tị nạn ở nước này chỉ còn 80 người/ngày, và sau đó là bằng việc đơn phương tổ chức cuộc họp với 10 quốc gia Balkan để bàn cách hạn chế dòng người di cư và chuyển ngược họ về Hy Lạp.
Chính quyền Đức sau đó đã cảnh báo rằng, nếu Hy Lạp bị cắt khỏi khu vực Hiệp ước Schengen, châu Âu sẽ lại phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về nhân đạo và an ninh chỉ sau vài ngày.