Kinh tế

Người nuôi tôm chưa hết khó

Nguyên Du 21/12/2023 07:24

Mặc dù giá tôm nguyên liệu đã tăng dần trong những tháng cuối năm, thế nhưng con tôm lại đang “cõng” quá nhiều chi phí đầu vào, khiến nhiều người nuôi vẫn lỗ nặng. Nhiều hộ phải ngậm ngùi “treo ao” hoặc giảm diện tích nuôi vì không có lãi.

anhbaichinh.jpg
Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: N.Du.

Áp lực chi phí đầu vào

Thời gian gần đây, ghi nhận tại một số vùng nguyên liệu tôm chủ lực tại ĐBSCL, giá tôm có xu hướng tăng nhẹ. Bà Huỳnh Cẩm Nhân, người nuôi tôm công nghiệp ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, Cà Mau cho biết, thời điểm này tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg đang được mua với giá 190.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 140.000 đồng/kg và loại 100 con/kg là 83.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tuần trước.

Giá tôm bắt đầu tăng trở lại, nhiều người nuôi tôm tại Cà Mau cũng bắt đầu thả nuôi lại vụ mới. Thế nhưng bà con cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng vì chi phí nuôi tôm không ngừng tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu mới chỉ nhích nhẹ.

“Với giá tôm hiện nay, loại tôm kích cỡ 100 con/kg là không có lãi. Nếu thả giống mật độ thưa 30 con/kg bán sẽ có lời, nhưng rất khó” - anh Nguyễn Văn Ngoan, hộ nuôi tôm công nghiệp ở huyện Năm Căn cho biết.

Tại Bạc Liêu, hiện giá tôm thẻ loại con 30 con/kg có giá 150.000 đồng/kg, cỡ 20 con/kg có giá 160.000 – 170.000đồng/kg. Mức giá này được xem là tăng từ 20.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg so với thời điểm giảm sâu nhất. Tuy nhiên, người nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu lại gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhất là đối với các hộ nuôi ao đất, ít vốn dẫn tới việc “treo ao”.

Huyện Đông Hải Long xem là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, nhưng không khí vụ mùa ở đây thời điểm này rất trầm lắng, có khoảng 30 - 40% diện tích phải “treo ao”, các hộ khác nếu cầm cự nổi thì cũng phải giảm số lượng ao nuôi.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải ở ấp Long Điền Đông, huyện Đông Hải than thở, chỉ có tôm cỡ lớn giá có nhích lên chút ít, còn các loại từ 50 – 80 con/kg dao động trong khoảng 100.000 – 110.000 đồng/kg. Nếu nuôi tôm nuôi 90 ngày loại 20 con đến 25 con/kg còn có lãi chút ít, nhưng nuôi 120 ngày mới đạt 30 con/kg là lỗ nặng.

“Giá tôm nguyên liệu giảm, giá vật tư đầu vào cao, nhất là giá con giống, thức ăn, thuốc đều tăng chóng mặt, nên người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng” - ông Nhiệm cho hay.

Hiện người nuôi tôm vẫn còn dè dặt trong việc thả tôm nuôi trở lại. Ngoài nguyên nhân thua lỗ, theo chia sẻ của bà con, do đa phần hộ nuôi nhỏ lẻ thiếu vốn, khi đầu tư nuôi tôm đều phải mua nợ vật tư đầu vào.

Anh Nguyễn Trọng Phú, hộ nuôi tôm công nghệ cao ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cho biết, nhiều người nuôi bị thất bại mấy vụ liên tiếp nên thiếu vốn, trong khi giá tôm giảm mạnh, kéo dài, việc thu hồi nợ khó khăn, nên các đại lý cũng thu hẹp khoản đầu tư.

“Người nuôi tôm gặp khó từ nhiều phía, khó nhất vẫn là con giống, thức ăn, thuốc, tiền điện và các thiết bị khác. Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản có vốn tín dụng khoảng 15 ngàn tỷ đồng được triển khai mang đến nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này người nuôi tôm không mặn mà vì vay vốn ngân hàng rất khó khăn, đa phần bà con không đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu” - anh Phú nói.

Giải pháp để người nuôi tôm có lãi

Sản xuất - kinh doanh bị chi phối bởi quy luật cung - cầu của thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp hỗ trợ nhằm giúp người nuôi tôm giảm bớt các gánh nặng và có điều kiện duy trì sản xuất.

Đơn cử giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của Ecuador đối với con tôm size 60 con/kg chỉ khoảng 2,3 - 2,4 USD/kg, hay con tôm của Ấn Độ cũng dừng ở mức từ 3,4 - 3,5 USD/kg, nhưng giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam lại ở mức 4,8 - 5 USD/kg. Do giá thành sản xuất thấp nên giá bán tôm nguyên liệu của các nước này cũng thấp hơn giá bán của con tôm Việt Nam từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Vì vậy, tôm của Việt Nam khó cạnh tranh.

Muốn giảm giá thành sản xuất và tạo nên sức bật mới cho con tôm, giúp người nuôi tôm có lợi nhuận thì, việc đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Cùng với đó là có chiến lược trong phát triển ngành chế biến thức ăn, vật tư, thay vì phải nhập khẩu gần như toàn bộ từ nước ngoài. Một giải pháp quan trọng nữa là phải không ngừng cải tiến quy trình nuôi, kiểm soát chặt chất lượng con giống, vật tư và nhất là quản lý tốt môi trường để hướng đến việc hình thành, xây dựng nên những mô hình nuôi tôm hiện đại, bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Để giúp người nuôi tôm vượt qua những khó khăn hiện nay, chúng tôi khuyến cáo bà con ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, từ đó tăng hiệu suất đầu tư”.

Còn theo ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), để người nuôi vượt qua thời điểm khó khăn này, các địa phương cần vận động người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi, nhưng thả với mật độ thưa cũng như tổ chức thu hoạch nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm bớt chi phí đầu tư thông qua các cỡ tôm từ trung bình đến lớn.

Về dài hạn, để nâng sức cạnh tranh, cần tìm cách giảm giá thành sản xuất, chú trọng đầu tư vào khâu chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng.

Hiện người nuôi cá tra Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng đang đứng ngồi không yên vì giá cá tra lao dốc. Đồng Tháp chiếm hơn 40% diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL. Nếu mọi năm, thời điểm cận Tết, giá cá tra thường được bán ở mức 27.000-29.000 đồng/kg, người nuôi đảm bảo hòa vốn hoặc có lãi chút đỉnh. Thế nhưng năm nay, giá cá hạ chỉ còn 26.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất lên tới 27.000 đồng/kg.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi tôm chưa hết khó