Sống trên núi cao, bà con các dân tộc thiểu số coi trọng rừng. Thông qua luật tục và những lễ cúng rừng, bà con đã giữ được những cánh rừng xanh. Người Pa Dí ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong số đó.
Người Pa Dí ở Mường Khương (Lào Cai) chuẩn bị lễ cúng rừng. Ảnh: Ngọc Bằng.
Người Pa Dí luôn coi khu rừng như một báu vật, một thứ bảo bối quý giá vì thế, bà con giữ rừng như giữ chính ngôi nhà của mình, không bao giờ dám chặt một cái cây, bẻ một nhánh cành. Theo quan niệm của bà con, rừng thiêng là nơi dành cho linh hồn người đã mất, đó là một cõi linh thiêng để bà con trong xóm, bản cùng tôn thờ.
Chí bởi vậy, người Pa Dí coi khu rừng cấm là một lãnh địa của một trong những vị thần bảo vệ cuộc sống bình yên của dân làng. Những đứa trẻ trong bản khi biết nhận thức đã được bố mẹ, ông bà truyền dạy, giáo dục những luật tục của dân tộc mình về trách nhiệm, bổn phận trước khu rừng thiêng của thôn. Khu rừng thiêng không chỉ là báu vật của dân làng mà còn là phong tục tập quán, nét văn hóa tâm linh của đồng bào Pa Dí.
Vì thế, hằng năm, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng, người Pa Dí thường tổ chức những lễ cúng rừng. Như ở thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương), cứ sau Tết Nguyên đán, bà con lại góp tiền, sắm sanh các lễ vật để cúng các vị thần tại khu rừng cấm. Lễ vật gồm một con lợn, gà sống, xôi nếp và một số sản vật địa phương. Người chủ lễ là già làng, người có uy tín của một trong 3 dòng họ trong thôn, là họ Cháng, họ Pờ và họ Tung. Sau khi làm lễ cúng, lễ vật được chia đều cho các gia đình trong thôn để bà con cùng được hưởng một chút gì đó là lộc của thần rừng.
Khu rừng cấm của thôn Dì Thàng có diện tích khá rộng, chừng vài chục hécta, bao bọc 3 phía của thôn, trải dài sang một số thôn khác của xã Mường Khương. Rừng cấm có nhiều loại gỗ quí, nhưng phổ biến nhất là dổi xanh, lát và cây sa mộc, một loại cây “quốc hồn quốc tuý” của xứ lạnh ôn đới. Chỉ cần lội qua con suối Dì Thàng là bắt gặp khu rừng cấm của đồng bào. Trong rừng cấm có nhiều cây to, có những cây vài sải tay người ôm không hết…
Lễ cúng được tổ chức trang trọng ngay tại khu rừng cấm của thôn, bản với lễ vật là những sản vật do dân làng tự tay nuôi trồng. Sau khi các thầy cúng thực hiện các nghi lễ để xin thần rừng phù hộ những điều tốt đẹp thì bà con trong thôn, bản cũng thắp hương cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Trong lễ cúng, người Pa Dí thắp hương để mời Thần rừng về chứng kiến cho tấm lòng thành của dân bản, cầu mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hoà, để mọi người có sức khoẻ dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt. Bên cạnh đó, người dân cũng tuyên truyền, bảo ban nhau bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tươi tốt. Đây cũng là nghi lễ có tính giáo dục cộng đồng cao, đang tiếp tục được bảo tồn, duy trì và bổ sung thêm những nội dung mới, hướng tới nhiệm vụ bảo vệ rừng. Thông qua lễ cúng rừng này, bà con nhân dân đã tuyên truyền không chặt phá rừng, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình.
Sau phần lễ, mọi người cùng liên hoan, vui chơi các trò chơi dân gian ngay trong rừng cấm. Buổi lễ là dịp để tuyên truyền, giáo dục ý thức cho các thế hệ về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên, giữ màu xanh cho những cánh rừng đại ngàn, nguồn sống của đồng bào vùng cao.
Lễ cúng rừng của người Pa Dí là ngày chung của cả cộng đồng, không phải chỉ có đàn ông mới được tham gia.