Nhiều người cho rằng, rác thải hữu cơ là thứ bỏ đi và thường gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những mầm bệnh cho con người và gia súc. Nhưng có một người phụ nữ, nguyên là Trưởng ban Mặt trận khu phố lại có cách nghĩ và cách làm khác người.
Bà Trịnh Thị Hồng (sinh năm 1965, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng).
Cách làm của bà, lúc đầu bị những người xung quanh cho là: “điên rồ”, “hão huyền” và chồng thì khuyên ngăn: “Giáo sư, tiến sĩ người ta còn không làm được nữa là mình”.
Nhưng cũng chính từ những lời can ngăn ấy đã thôi thúc người phụ nữ với trình độ văn hóa thấp quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để làm ra được chế phẩm sinh học đa dụng thân thiện với môi trường từ vỏ hoa quả và cuống rau bỏ đi.
Bà là Trịnh Thị Hồng, sinh năm 1965, ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết lớp 9 bà phải nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình.
Hàng ngày, đi qua những đường phố, đến nhà người dân, đi chợ… Ở đâu bà cũng nhìn thấy vỏ hoa quả và cuống rau vứt ra làm mất vệ sinh môi trường.
Bà Hồng thấy canh cánh trong lòng suy nghĩ: “Làm thế nào để biến những thứ rác bỏ đi kia thành cái có ích? Làm sao bảo vệ được môi trường, làm sao giúp được người dân xóa nghèo và làm sao để chế được sản phẩm thân thiện với môi trường mang nhãn hiệu Made in Vietnam?”.
Những câu hỏi đó chỉ được giải khi bà Trịnh Thị Hồng đi tham quan Thái Lan. Ở đây, qua tìm hiểu, bà biết được người Thái Lan có công nghệ biến rác hữu cơ thành chế phẩm sinh học. Bà Hồng nghĩ: “Người ta làm được thì mình cũng làm được”.
Về nước, bà bắt đầu tìm tài liệu nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học từ vỏ hoa quả và cuống lá rau. Bà Hồng phải mất nhiều đêm không ngủ, phải mất nhiều lần đi lang thang trên phố và phải làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần.
Cuối cùng, sau 5 năm 6 tháng bà Trịnh Thị Hồng đã nghiên cứu thành công công nghệ biến rác hữu cơ thành chế phẩm sinh học đa dụng rửa bát và lau sàn nhà thân thiện với môi trường.
Bà Trịnh Thị Hồng dẫn đoàn cán bộ của Tổng cục Môi trường và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vào thăm “xưởng” sản xuất của mình.
Đó là gian bếp khoảng 12 m2. Bà vừa giới thiệu vừa làm cho chúng tôi xem công nghệ biến rác sinh học thành nước rửa bát và lau sàn nhà.
Bà chia sẻ, sau khi làm thành công, đã hướng dẫn cho 126 hộ trong phường Hòa Minh đi thu gom rác hữu cơ, ủ, rồi bán dung dịch cho mình để pha trộn, lọc ra chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
Cơ sở sản xuất Minh Hồng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, bình quân thu nhập được 2,4-3, triệu đồng/tháng.
Bà Hồng đã chứng minh rằng có niềm đam mê, ham học hỏi và kiên trì ắt sẽ thành công.