Đồng nghiệp và bạn bè lâu nay vẫn gọi chị Trần Thị Hòa, giảng viên khoa Điện - điện tử (trường Đại học Thái Bình) với danh xưng “Bóng hồng thép”. Chị chính là chủ nhân của nhiều sáng kiến khoa học góp phần làm thay đổi cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử công nghiệp.
Chị Trần Thị Hòa (giữa) trong buổi lễ tuyên dương lao động
điển hình tiên tiến của tỉnh Thái Bình.
Thoạt tiên, khi nghe đến những sáng kiến như “phương pháp nâng cao chất lượng xử lý tín hiệu ứng dụng trong các hệ thống điều khiển công nghiệp” hiện đang được áp dụng tại một số khu công nghiệp, các mỏ khai thác than, khai thác khoáng sản dưới lòng đất, nhiều người những tưởng, tác giả phải là một vị giáo sư già nào đó; hoặc chí ít, đó phải là một nam nhân, người đã có những kinh nghiệm từng trải trong các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, nơi hằng ngày người công nhân phải đối diện với những rủi ro cháy nổ, khí độc… Thế nhưng, mọi suy đoán đều trở nên trật lất, khi trước mặt chúng tôi là nữ giảng viên, Tiến sỹ Trần Thị Hòa - người được giới thiệu là tác giả của sáng kiến nói trên.
Theo chị Hòa, môi trường công nghiệp rất khắc nghiệt về các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, sự rung chuyển… đặc biệt là có nhiều nguồn phát sinh nhiễu nên đòi hỏi thiết bị không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn lao động mà còn phải đảm bảo làm việc ổn định, tin cậy.
Do đó việc xử lý để thu nhận được các tín hiệu một cách chính xác, trung thực là yêu cầu bức thiết đối với tất cả các thiết bị điện tử cũng như các hệ thống điều khiển công nghiệp. Hiện nay, sáng kiến của chị bước đầu đưa xuống thực tế một số xí nghiệp khai thác than ở tỉnh Quảng Ninh cho thấy kết quả tốt.
Theo chị Hòa, nếu được ứng dụng rộng rãi, sản phẩm góp phần đảm bảo an toàn cho người lao động đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho công nhân khi sử dụng sản phẩm, làm tăng năng suất lao động. Về lâu dài, việc tích hợp phần mềm xử lý tín hiệu vào các đầu đo cảnh báo nồng độ khí độc gây cháy nổ tại các mỏ khai thác than hầm lò sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, tiết kiệm được nhiều ngoại tệ do giảm chi phí nhập ngoại.
Hỏi về bảng thành tích dày cộp trong công việc ở tuổi 38, chị lắc đầu vì cho rằng, những việc chị làm là trách nhiệm và đam mê của bản thân nên không muốn nhắc đến nhiều.
Tuy nhiên, hễ nhắc đến cô Trần Thị Hòa thì cán bộ, giảng viên và các thế hệ học trò từng được học cô đều không ngớt lời khen về một cô giáo gương mẫu, đam mê tìm tòi, sáng tạo.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bố mẹ đều là những người lính hoạt động trong đoàn văn công phục vụ tiền tuyến, ấy thế nhưng, cô út Trần Thị Hòa lại trót đeo đuổi nghiệp… không giống ai, khi bén duyên với nghề điện, điện tử khô khan. Chính niềm khát khao và đam mê khoa học đã trở thành động lực để cô học trò Trần Thị Hòa giật liền nhiều học bổng của trường và các tổ chức quốc tế vừa tự trang trải chi phí học tập ở xứ người vừa tích cóp gửi về cho mẹ.
Được mệnh danh là “bóng hồng thép” ở trường với nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến làm thay đổi cuộc sống, thế nhưng, ít ai biết rằng, chị còn là mẫu phụ nữ đảm đang, luôn chu toàn việc gia đình và cơ quan.
Có một tin vui mà chúng tôi rất muốn được chia sẻ đó là chị Hòa đã nhận được quyết định về việc tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay. “Nghe tin, mình vui lắm, nhưng đồng thời nhận thấy phải nỗ lực, sống có trách nhiệm hơn nữa với công việc, gia đình và cộng đồng” - chị tâm sự.