Tòa án ở Ervy, ngoại ô Paris (Pháp) vừa ra phán quyết bác đơn kiện của bà Trần Tố Nga (Việt kiều Pháp) nhằm vào 14 công ty liên quan đến việc sản xuất hoặc bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
“Tôi sẽ kháng cáo và tiếp tục một chặng đường mới dù khó khăn, vất vả đến đâu”, bà Nga mạnh mẽ nói về cuộc đấu tranh mà bà coi là “hành trình tranh đấu cuối cùng của cuộc đời”.
1. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xuống đường và phát biểu trước những người ủng hộ liên tục xuất hiện trên báo chí cả trong và ngoài nước suốt những ngày qua. Bà Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất của Mỹ với tư cách là công dân nước Pháp, nhưng bà đã bị nhiễm chất độc da cam trong thời kỳ sống và làm việc tại Việt Nam.
Sinh ra ở Cần Thơ, từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, bà Nga đã có thời gian phục vụ tại một số chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc. Và quá trình tham gia kháng chiến, bà đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Tháng 5/2009, sau khi thăm trại trẻ mồ côi và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại tỉnh Thái Bình, chứng kiến những nỗi đau không thể nói thành lời, bà đã quyết định ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam.
Sau đó, bà gặp luật sư William Bourdon thuộc Đoàn Luật sư Paris (Pháp), ông đã đồng ý cùng đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ. Nhà văn André Bouny, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam cùng đồng hành. Và ngày 14/5/2014, đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ trong số 35 công ty cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam của bà đã được gửi tới Tòa Đại hình Evry của Pháp. 19 công ty chấp nhận chịu đứng ra hầu tòa.
Người phụ nữ ấy đã đặt quyết tâm rất cao khi một mình đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà và con gái cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học. Có được sự quyết tâm ấy bởi bà luôn tin rằng, sự thật và lẽ phải sẽ đánh động đến lương tri của tất cả mọi người.
Và từ đó đến nay, bà đã đại diện cho hàng triệu nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam theo đuổi vụ kiện đòi các công ty hóa chất của Mỹ phải bồi thường cho bà và các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Bà cũng là trường hợp duy nhất có thể khởi kiện và là cơ may cuối cùng cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vì hội đủ 3 điều kiện: Là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình, và cũng đồng thời là nạn nhân chất độc da cam.
“Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da cam/dioxin của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Việt Nam cho rằng, các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
2. Quá trình khởi kiện của người phụ nữ Pháp gốc Việt gặp vô vàn gian nan. Tuy nhiên, bà không đơn độc. Không chỉ người Pháp mà dư luận các nước cũng quan tâm, rất nhiều người ủng hộ. Vào tháng 3/2013, khi được phép kiện, bà Tố Nga gặp khó khăn lớn vì hồ sơ 30 trang, bắt đầu nghiên cứu từ 2009 đã hoàn chỉnh, nhưng cần phải có 36.000 euro để được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh có công chứng quốc tế.
Trong thời điểm đó, bà đã nhận được sự hỗ trợ của các bạn Pháp và Việt kiều số tiền 16.000 euro. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã ủng hộ phần còn lại. Sau khó khăn ban đầu thì những tín hiệu vui bắt đầu tìm đến.Tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Và tháng 4/2014, bà nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên với danh sách hầu tòa của 19 công ty của Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Qua với 19 phiên thủ tục, bà đã đối mặt với rất nhiều trở ngại do phía bị đơn gây ra, cũng như những căn bệnh hiểm nghèo do trong máu vẫn còn chất độc dioxin. Nhưng chưa một lần bà thấy nản. Mỗi phiên tòa diễn ra với bà đã là một bước thắng lợi, bởi ít nhất vụ kiện đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng Việt Nam và quốc tế để họ hiểu hơn về nạn nhân da cam Việt Nam.
Tính từ ngày đầu tiên một mình bước chân vào tòa án, đến nay bà đã có hàng chục nghìn người trên thế giới làm bạn đồng hành, mong muốn cùng đòi lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
3. Báo chí thế giới đánh giá đây là một vụ kiện hi hữu trong lịch sử tư pháp của nước Pháp nói riêng và quốc tế nói chung. Bởi người kiện là một cá nhân chống lại các tập đoàn đa quốc gia khi có sản phẩm tham gia phá hoại thiên nhiên và đầu độc con người. Người ta chờ đợi vào một sự phán quyết công tâm nhất để mang lại công bằng cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thế nhưng, phiên tòa ngày 10/5, Tòa án Evry đã đưa ra quyết định với lý lẽ các công ty hóa chất của Mỹ “đã hành động theo lệnh và đại diện cho Nhà nước Hoa Kỳ” và do vậy được hưởng quyền “miễn tố”.
Quyết định này đã gây ra rất nhiều phản ứng. 3 luật sư của bà Trần Tố Nga khẳng định phán quyết của Tòa án Evry, “là dựa trên một định nghĩa lỗi thời về nguyên tắc miễn tố, trái với các nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia”.
Bà Amélie Lefebvre, một trong 3 người tình nguyện hỗ trợ bà Trần Tố Nga, cho biết đang chuẩn bị hồ sơ để kháng án. Đối với phán quyết của tòa, các luật sư nhận thấy nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế hiện nay nói chung và pháp luật của nước Pháp nói riêng.
Quân đội Mỹ đã rải hàng chục triệu lít hóa chất khai quang trong chiến tranh Việt Nam. Hàng triệu người ở Việt Nam, Lào và Campuchia bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nhiều thế hệ trẻ em ra đời bị khuyết tật cao như hội chứng down, bại não và biến dạng mặt nghiêm trọng. Những tác động như vậy được cho là có liên quan đến chất khai quang này.
Các cựu binh Mỹ, Úc và Hàn Quốc trước đó đã nhận được khoản tiền bồi thường do hậu quả của chất độc da cam. Năm 1984, các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường gần 180 triệu USD. Song những nạn nhân người Việt Nam lại chưa bao giờ được bồi thường.
Trước phán quyết của tòa, bà Nga cho biết sẽ kháng cáo và tiếp tục chặng đường mới dù khó khăn, vất vả đến đâu. “Tôi không đấu tranh cho chính mình. Tôi đang đấu tranh vì công lý cho đồng bào Việt Nam của tôi và cho các nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ cùng các nước khác” - bà nói đầy quyết tâm.
Rất nhiều lời động viên, chia sẻ của những người ủng hộ bà ngay sau phiên tòa. Không chỉ ở Pháp, từ Việt Nam, mà còn từ nhiều nước trên thế giới. Với bà, đó là nguồn động viên vô cùng to lớn, tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp trên “hành trình tranh đấu cuối cùng của cuộc đời mình.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Tòa án Evry đã đưa một quyết định không dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hiện hành và không có sự xem xét đầy đủ các yếu tố liên quan. Đồng thời, việc Tòa án Evry không thụ lý đề nghị của bà Trần Tố Nga cũng cho thấy tòa này đã khước từ quyền được luật pháp nước Pháp thừa nhận xét xử các vụ kiện của các công dân Pháp bị các thể nhân và pháp nhân nước ngoài gây thiệt hại.