Người quản trang thầm lặng

NGHĨA VĂN 24/07/2022 13:56

Kể từ khi được thành lập cho đến nay, hơn 300 ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Trung (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) luôn được vợ chồng ông Nguyễn Linh Mục tận tâm chăm sóc.

Ông Nguyễn Linh Mục đã làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung được gần 40 năm.

Gần 40 năm giữ yên giấc ngủ cho đồng đội

Qua các kênh thông tin, chúng tôi biết đến ông Nguyễn Linh Mục (68 tuổi, trú tại thôn Thanh Lê, xã Triệu Trung) là người thương binh hạng 4/4 và bị nhiễm chất độc hóa học đang thầm lặng làm công việc quản trang để hơn 300 liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung yên nghỉ.

Tìm về căn nhà nhỏ mà ông Mục đang ở ngay cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung, ban đầu, chúng tôi gặp một người phụ nữ tuổi khoảng 60 tuổi. Thấy chúng tôi, bà chào hỏi thân tình: “Các con về thăm viếng à! Vào đây uống miếng nước đã rồi qua viếng hay con qua viếng luôn?”.

Sau khi được chúng tôi trình bày tìm gặp ông Nguyễn Linh Mục để trò chuyện, viết bài về người thương binh gần 40 năm âm thầm làm quản trang cho đồng đội an nghỉ, bà nói: “Chồng của dì đó! Con vào nhà đi chờ chút để dì gọi chú ra. Chú mới dọn dẹp bên nghĩa trang về”.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ, ông Mục bước ra vừa chào chúng tôi ông vừa khiêm tốn nói: “Thôi, đừng viết về chú nữa. Đừng đưa chú lên tivi nữa, chú ngại lắm! Với lại, việc này chú cũng làm 40 năm rồi, bình thường mà, có gì đâu con”. Ông ngồi xuống, rót nước mời chúng tôi. Sau một hồi thuyết phục, ông Mục đồng ý để chúng tôi viết về mình. Ông kể lại, sau khi hoàn thành nghĩa vụ về quê, ông và bà Nguyễn Thị Thiệp (người phụ nữ đón tiếp chúng tôi lúc đầu, năm nay 63 tuổi) kết hôn.

Đến năm 1983 (khi ấy hai người đã sinh được đứa con đầu lòng), cũng là thời điểm Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Trung được thành lập. Lúc đầu, chính quyền địa phương xã Triệu Trung “nhắm” một số cán bộ hưu trí đến làm quản trang, nhưng họ đã từ chối.

Rồi lãnh đạo địa phương đến gặp vợ chồng trẻ Mục - Thiệp đặt vấn đề. Sau nhiều ngày suy nghĩ, hai vợ chồng đã bỏ ý định vào Nam lập nghiệp để ở lại làm quản trang chăm sóc “giấc ngủ” cho các đồng đội đang yên nghỉ tại đây.

Ông Mục nhớ rõ từng vị trí các phần mộ trong nghĩa trang.

Tận tình đón tiếp thân nhân

Theo lời kể của ông Mục, mỗi tháng dịp rằm và mùng 1, ngoài việc quét dọn như thường ngày, ông sẽ cùng vợ tận tay thắp hương đến từng ngôi mộ. Giờ đây, dù hai ông bà đã ở tuổi “lục tuần” và sức khỏe của ông có phần giảm sút nhưng chưa có dịp rằm, mùng 1 nào họ “bỏ sót” công việc ý nghĩa này.

Cũng theo vợ chồng ông Mục, giờ thì Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung và các ngôi mộ ở đây đã được xây dựng trang nghiêm, sạch sẽ nên việc bảo vệ, chăm sóc của ông bà cũng có phần thuận lợi hơn.

“Những năm gần đây, thân nhân của các liệt sĩ hay đến thăm viếng nhiều hơn. Có khi có thân nhân từ các tỉnh phía Bắc họ vào thăm viếng nữa. Có người thì đến thăm viếng, ở lại trò chuyện một lúc rồi đi, có người thì ở lại thêm 1, 2 ngày. Những người ở lại nếu có nhu cầu thì tôi cũng bố trí cho họ ăn ở tại đây luôn”, ông Mục nói với chúng tôi.

Qua lời kể của người quản trang, chúng tôi được biết rằng, ngày nào gia đình ông cũng bố trí người ở nhà và luôn trong tâm thế sẵn sàng đón tiếp khách đến thăm viếng. Bà Thiệp nói: “Người ta đến thăm viếng thường ghé vào uống nước, trò chuyện và nghỉ chân một chút. Có người thì lâu ngày trở lại nên không nhớ rõ phần mộ mình cần tìm ở chỗ nào. Tự tìm thì lâu, thế là họ lại nhờ ông ấy đưa ra tận nơi”.

Bà Thiệp không nói quá về chồng mình. Bởi lẽ, khi dẫn chúng tôi viếng thăm một vòng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung, người đàn ông 68 tuổi ấy chỉ từng ngôi mộ và nói vanh vách với chúng tôi rằng đây là liệt sĩ nào? Tham gia kháng chiến ở đâu? Được đưa từ nơi khác đến hay đã có ở đây từ khi thành lập nghĩa trang. Trong cơ số ngôi mộ mà ông Mục chỉ dẫn và kể với chúng tôi, nhiều ngôi phần bia đã mờ nét chữ, dẫu vậy, ngồi xuống đọc kỹ thì thấy ông nói đều đúng.

Trong lúc theo chân ông Mục viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung, chúng tôi thấy nơi đây có nhiều ngôi mộ khắc trên bia dòng chữ “Chưa biết tên”. Ông nói với chúng tôi: “Khu vực này (một góc của Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung) đều là những mộ như vậy và sắp được khắc điều chỉnh lại thông tin trên bia mà báo chí nói mấy ngày trước đó”.

Đi cùng chúng tôi, trong lúc dọn dẹp chiếc bình hoa bị gió thổi xuống làm vỡ, bà Thiệp tâm tình: “Thấy cảnh thân nhân vào viếng mộ họ xúc động nhưng cũng thể hiện sự an tâm vì liệt sĩ đang yên nghỉ nơi trang nghiêm, yên tĩnh và được chăm sóc tận tình, vợ chồng chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Nhưng, thời điểm đó cũng chính là lúc chúng tôi chạnh lòng bởi lẽ, đến nay anh trai của ông ấy hy sinh trong chiến tranh vẫn chưa được tìm thấy”.

Bà Nguyễn Thị Thiệp cùng chồng chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung.

Vợ chồng ông Mục - bà Thiệp cùng tâm sự thêm với chúng tôi rằng, dù đến nay sức khỏe đã yếu hơn trước nhưng hai người sẽ tiếp tục thực hiện thật tốt phần việc quản trang của mình. Bởi đây vừa là sự tri ân của người lính dành cho nhau và cũng là sự bày tỏ lòng biết ơn của một người dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

Chia sẻ với chúng tôi về chuyện quản trang của ông Mục, ông Nguyễn Đức Diện - Chủ tịch UBND xã Triệu Trung cho biết, ông Mục đã thực hiện công tác quản trang ngay từ ngày đầu Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung được thành lập. Cùng với đó, Chủ tịch UBND xã Triệu Trung xác nhận, đúng là thời điểm vợ chồng ông Mục chuyển ra sống, làm việc quản trang tại đây còn rất vất vả, tuy nhiên, người lính năm nào với tình cảm và sự tri ân đồng đội đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt công việc của mình.

Chủ tịch UBND xã Triệu Trung cũng chia sẻ, do quy định nên không có chế độ lương, thu nhập dành cho người quản trang, tuy nhiên, trước sự tận tụy của ông Mục, chính quyền địa phương cũng đã vận dụng linh hoạt, đúng quy định pháp lý kêu gọi sự hỗ trợ từ các đơn vị để có nguồn động viên người quản trang này.

Khi dẫn chúng tôi viếng thăm một vòng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung, người đàn ông 68 tuổi ấy chỉ từng ngôi mộ và nói vanh vách với chúng tôi rằng đây là liệt sĩ nào? Tham gia kháng chiến ở đâu? Được đưa từ nơi khác đến hay đã có ở đây từ khi thành lập nghĩa trang. Trong cơ số ngôi mộ mà ông Mục chỉ dẫn và kể với chúng tôi, nhiều ngôi phần bia đã mờ nét chữ, dẫu vậy, ngồi xuống đọc kỹ thì thấy ông nói đều đúng. Trong lúc theo chân ông Mục viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung, chúng tôi thấy nơi đây có nhiều ngôi mộ khắc trên bia dòng chữ “Chưa biết tên”. Ông nói với chúng tôi: “Khu vực này (một góc của Nghĩa trang Liệt sĩ Triệu Trung) đều là những mộ như vậy và sắp được khắc điều chỉnh lại thông tin trên bia mà báo chí nói mấy ngày trước đó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người quản trang thầm lặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO