Là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa đồng bằng Bắc bộ, học giả Phan Cẩm Thượng vẫn còn băn khoăn khi các công trình nghiên cứu còn thiếu đề cập đến văn hóa Nam bộ, trong đó có mảnh đất Sài Gòn (cũ).
Học giả Phan Cẩm Thượng.
PV: Thưa ông, mặc dầu văn hóa, tập tục nơi đất Bắc còn rất nhiều mảng đề tài đang bỏ ngỏ cần nghiên cứu thấu đáo, nhưng vẫn thấy ông có hứng thú về văn hóa Nam bộ, cụ thể hơn là những chất riêng của mảnh đất Sài Gòn xưa?
Học giả Phan Cẩm Thượng: Dù vẫn là người Việt, nhưng văn hóa Bắc - Nam khác biệt nhau đến nỗi không ai dám nhận mình am hiểu tất cả, do đó mới hình thành các nhà nghiên cứu văn hóa chuyên của hai miền, thậm chí là những địa bàn nhỏ hơn. Trong những công trình của tôi, đều lấy văn hóa đồng bằng Bắc bộ làm nền tảng, độc giả trong đó có xem, và có nhiều lời nhắn là còn thiếu đề cập đến văn hóa đồng bằng Nam bộ. Điều đó, làm tôi luôn băn khoăn và tìm mọi cách tiếp cận với miền Nam, dù tôi đã đi lại nhiều lần, sau năm 1975. Tôi cũng thông thuộc đường phố Sài Gòn (cũ), như Hà Nội, nhưng sự thấu cảm tôn giáo, văn hóa thường nhật vẫn chưa có, như tôi có trong tâm trí về đời sống Bắc bộ.
Sự khác nhau giữa hai miền thể hiện ở địa lý, khí hậu, giọng điệu tiếng Việt, kinh tế, và có thời là chính trị, cuối cùng là văn hóa. Trên thực tế, thì đất nước ta rất dài, tự nhiên và lịch sử hình thành dân cư, đã chia đất nước thành nhiều địa vực văn hóa: vùng núi Tây và Đông Bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng Thanh Nghệ Tĩnh, vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị Quảng Đức - Thừa Thiên, Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, vùng Bình Thuận, Phan Rang, Vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long (Nam bộ). Văn hóa Sài Gòn – Gia Định xưa thuộc về đồng bằng Nam bộ. Nếu xét lịch sử thì vấn đề còn phức tạp hơn, sự hình thành Việt Nam, từ vương quốc Đại Việt, Champa và Phù Nam, trong đó người Việt nổi lên là vai trò dẫn dắt dân tộc. Rất nhiều văn hóa sắc tộc, nằm trong văn hóa Việt Nam nói chung. Chính xác là khi chúng ta nói về văn hóa Việt Nam, là nói về văn hóa của người Việt (Kinh) mang yếu tố chủ đạo.
Sài Gòn đã có lịch sử 300 năm, với đặc điểm là sự di dân từ Bắc vào đó, kết hợp với văn hóa di dân người Hoa, sự chồng lên của chính trị và văn hóa Thực dân Pháp đã sinh Sài Gòn hiện đại. Văn hóa Mỹ cũng có chút ảnh hưởng, nhưng lại theo lối võ biền, nên cũng chưa sâu sắc, nhưng tính kỹ thuật và giản đơn, thực tế của người Mỹ, cũng đã làm hành chính và lối sống Nam bộ có quy củ. Người Sài Gòn là những công dân đô thị theo đúng nghĩa, rất khác với người Hà Nội.
Riêng về cái tên Sài Gòn - Gia Định, trước khi được đặt tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh, đã có những gợi mở về văn hóa vùng này rồi?
- Cả ba thành phố lớn Hà Nội, Huế, Sài Gòn đều là những cái tên rất nôm na. Hà Nội nghĩa là vùng đất trong sông, Kẻ Chợ (Chợ lớn Đàng Ngoài). Huế thì được giải thích là hòa hợp, hoặc là Hoa trong khái niệm văn minh, áo mũ rực rỡ. Còn Sài Gòn thì rất nhiều ý kiến khác nhau mà không thống nhất - Xigong (Tây Cống) - vùng đất được hai vương quốc Khmer cống tiến, vùng đất cống cho Tây (thực dân Pháp), Tai ngon (Đề Ngạn - bờ kênh cao) cách nói của Hoa Kiều, Prey Nokor, thành phố trong rừng, tiếng Khmer. Như vậy, hiểu theo cách nào, thì từ Sài Gòn tự nó là tích hợp của ba dòng văn hóa: Khmer - Việt - Hoa, vào trong một cái tên khá trừu tượng, mà lại hay.
Ông tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ và Sài Gòn qua những cuốn sách và phương tiện gì?
- Trước năm 1975, các tài liệu về miền Nam rất hiếm, ngoài những thông tin chiến tranh. Lúc còn là thanh thiếu niên, chúng tôi biết về Nam bộ qua sách địa lý và các tiểu thuyết viết về chiến tranh của nhà văn miền Bắc, cũng biết ít nhiều về kiến trúc Huế, văn hóa và trường ca Tây Nguyên, dân ca và tuồng Nam bộ. Cuốn “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi cũng rất hấp dẫn nhất là những đoạn viết về rừng U Minh và phong tục tập quán người Nam bộ.
Sau 1975, tôi đọc Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, Toan Ánh, Cửu Long Giang, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Đoàn Thêm, Vương Hồng Sển... cứ vớ được gì thì đọc cái đó. Bộ sách về văn hóa, lịch sử các tỉnh Nam bộ, viết dưới dạng xưa nay (ví dụ: Vũng Tầu xưa và nay, Bến Tre xưa và nay...) vô vàn các tư liệu quý. Ngoài ra còn những cuốn như “Cao nguyên miền Thượng” (các dân tộc Tây Nguyên), “Thế lực khách trú” (viết về người Hoa ở Việt Nam), bộ sử của Phan Văn Sơn... các học giả miền Nam về phương pháp lúc đó còn đơn giản, chủ yếu ghi chép, mô tả, nhưng rất chân thật và khách quan, đó là những tài liệu còn giá trị đến bây giờ. Về sách cổ thì chỉ có vài cuốn như “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết về vùng từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khi đất đó thuộc về Đại Việt, “Vũ Man tạp lục” của Nguyễn Tân viết về hai sắc tộc H’re và Ca Giong ở phía đông dẫy núi cao nguyên, “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Bộ “Đại Nam thực lục” của nhà Nguyễn cũng nhiều tư liệu về Nam bộ thế kỷ 19. Tôi cũng nghiên cứu những ảnh tư liệu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phân tích ảnh mà biết về đời sống con người Nam bộ.
Còn mỗi khi có dịp đến Sài Gòn công tác, làm việc và chơi, mảnh đất này có làm ông thích thú tìm hiểu, khám phá?
- Giai đoạn sau chiến tranh và thời bao cấp đói kém, Sài Gòn và phương Nam nói chung là mảnh đất lập nghiệp mới của nhiều người di cư. Mỗi anh lính về nhà thường sách theo cái khung xe đạp và con búp bê to. Ngược lại, người ta đem tỏi và chè vào Sài Gòn. Việc hòa nhập và thông thương hai miền cũng diễn ra đầy gian nan, cũng như nhiều dòng người đến và đi theo những cách và tâm trạng khác nhau. Đây chính là cái tôi cảm nhận thấy thời gian đầu vào Sài Gòn, vì bản thân một nửa gia đình lớn của tôi cũng chuyển vào đó. Tôi làm trong tài vụ không quân, lại độc thân, nên không tham gia vào việc kiếm ăn gì, sau học nghệ thuật, nên việc quan tâm là sách mà miền Bắc không có, tuy nhiên cũng chỉ đọc được nhiều, mà mua được ít. Tôi dành nhiều thời gian đi Bảo tàng Lịch sử Sài Gòn, vốn thuộc hệ thống bảo tàng Viễn Đông Bác cổ xưa, các bảo tàng tỉnh, tiếp xúc với các họa sĩ. Tôi có bạn là họa sĩ Trịnh Huy người Hoa làm nghề bồi tranh ở quận 5, anh ấy cho tôi khá nhiều mầu vẽ tự nhiên, giúp tôi hiểu về đời sống và các món ăn người Hoa.
Ông thấy Sài Gòn nói riêng và đất phương Nam nói chung, có những điều gì thú vị, thu hút sự quan tâm của ông?
- Ban đầu, những người Bắc vào thường nhận định khá sơ sài về văn hóa Nam bộ và Sài Gòn nói riêng, cho rằng cái gốc của nó vẫn ở Bắc, còn văn hóa mới mang tính lại căng. Đến nay cái cảm nhận ấy vẫn còn và thiếu tính văn hóa nhất. Thực chất văn hóa hiện đại Việt Nam bắt đầu từ Sài Gòn Nam bộ trước, đó là nền văn hóa đô thị sớm, tiếp xúc với kỹ thuật phương Tây, xe lửa, máy bay, viễn thông Sài Gòn đều xác lập sớm nhất ở châu Á, rồi đến chữ Quốc ngữ, thương mại, kinh tế tư bản sơ khai, văn học mới, đặc biệt là dịch thuật từ phương Tây. Đây là vùng pha trộn giữa văn hóa Việt và văn hóa Khmer, Hoa, Chàm, nhiều di sản quá khứ, nhưng ở tình trạng gẫy vụn và đứt đoạn. Chiến tranh đã phủ lên cái nhìn sơ lược và võ biền đối với văn hóa. Tiếp xúc văn hóa cũng phải qua con người, mà người Nam thì đơn giản, thẳng thắn, hào hiệp, nhưng nếu ta bất nhã thì không bao giờ nói chuyện được nữa.
Học giả Phan Cẩm Thượng và thầy của ông – nhà nghiên cứu Nguyễn Quân.
Nếu bắt đầu tìm hiểu về vùng đất, con người nơi đây, ông sẽ bắt đầu từ đâu? Vì sao?
- Quả thực có hai phần văn hóa Champa và Nam bộ, tôi đã chuẩn bị khá kỹ tư liệu, đi lại thăm thú nhiều năm, mà chưa dám đăng nhiều, cái chính là chưa nói ra được những vùng văn hóa ấy, từ trong tâm khảm, như tôi có về văn hóa Bắc bộ. Cách thức thường làm của tôi là bắt đầu từ lịch sử xa nhất có thể, nhưng cả hai vùng văn hóa này đều có đoạn đứt gẫy, hoặc chìm vào quá khứ không lý giải được. Tôi nghĩ sẽ bắt đầu từ đời sống thường nhật, phục trang của Champa và Phù Nam cổ xưa, thông qua hình ảnh điêu khắc. Về văn hóa Nam bộ, có lẽ cũng bắt đầu từ đời sống nông nghiệp, nông dân và cách thức hình thành làng xã hay cộng đồng dân cư, sau những cuộc di dân. Tuy nhiên tôi cảm nhận, không thể lấy tâm lý nông dân Nam bộ để lý giải văn hóa Sài Gòn, như Hà Nội. Bản thân người Hà Nội hầu hết là những nông dân, thợ thủ công Bắc bộ đến lập nghiệp trong một ngàn năm qua. Người Việt vào Nam có những cái khác, mà thầy tôi có nói về ba đặc điểm là: Người lính, người mở đất và người nông dân - ba tính cách nằm trong con người di dân Nam bộ.
Khi tìm hiểu về lịch sử Sài Gòn, thì thành phố này được hình thành từ cư dân bản địa, và phát triển lại bởi người di cư từ phương Bắc và các doanh nhân người Hoa, ông chia sẻ sao về điều này?
- Theo tên gốc của Sài Gòn tiếng Khmer là Prey Nokor - thành phố trong rừng, đó là câu chuyện của trước thế kỷ 16, cư dân xưa cũng tan biến trong dòng di dân 300 năm qua. Người Bắc di cư vào Nam theo nhiều đợt suốt từ thế kỷ 13, khi nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chàm đổi lấy Châu Ô, Châu Rí, rồi những cuộc tiến quân của Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn. Năm 1471, thì người Việt tiến đến Phan Rang... cứ thế, Đại Việt mở rộng cương vực của mình xuống cực Nam. Sau khi nhà Minh bại trận Mãn Thanh, dòng di cư Hoa tràn xuống Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bên ngoài các lý do quân sự của các chính thể phong kiến trên, mà số lượng những người đi ban đầu cũng không nhiều, thì liên tục trong 500 năm người Việt đi xuống phía Nam rất nhiều đợt, rồi định cư trải rộng Nam bộ. Cuốn “Vương quốc Đàng trong” của Li Tanna đã đưa ra những số liệu này, và nguyên nhân do tình hình đói kém, lụt lội, hạn hán ở phía Bắc, nông dân đã di cư tự do. Vai trò của Mạc Cửu được chúa Nguyễn đồng ý cho khai khẩn Hà Tiên cũng đã tạo ra hình ảnh người Hoa ở Việt Nam cho đến nay, và trở thành một sắc tộc có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh Nam bộ.
Văn hóa Hán di dân và ẩm thực Hoa cũng đóng góp quan trọng vào hòa hợp văn hóa Nam bộ, nhất là các di sản kiến trúc hội quán, đền miếu, tuồng (với ảnh hưởng Việt kịch), phục trang, ngôn ngữ, và hiện đại là các họa sỹ thuộc phái Lĩnh Nam. Những đợt di dân rất khác nhau về tính chất, tính cách con người, tạo ra các nhóm đan xen trong suốt 500 năm, mà chúng ta chỉ chú yếu nhìn nhận di dân trong thế kỷ 20, cũng như người Nam tản ra thế giới. Còn trước thế kỷ 20, rất rất ít nghiên cứu cụ thể. Khi xem gia phả, địa bạ, nhà thờ họ và lăng tẩm Nam bộ tôi thấy rất nhiều vấn đề này.
Ông có cảm giác về sự khác biệt về tính cách chung của người dân sống tại nơi đây không? Và tính cách đặc trưng của họ như ông thấy là như thế nào?
- Trước năm 1975, xung quanh nhà tôi toàn là người Nam bộ: Câu lạc bộ Đoàn kết giành riêng cho cán bộ tập kết, một trường học con em miền Nam, anh rể tôi, ông trưởng khối phố, thầy giáo dậy bóng bàn và nhiều bè bạn, hàng xóm là người Nam bộ, sau này thì thầy giáo dậy lịch sử Mỹ thuật cũng vậy. Lúc đó tôi không phân biệt được người Sài Gòn và người Nam bộ khác, nhưng cũng thấy tính cách của người vài tỉnh Nam cũng khác nhau. Cảm nhận thì rất rõ, nhưng nói ra lại khó. Khi vào Sài Gòn, tôi thấy con người sinh hoạt giống công dân các nước đã phát triển, đi đường đúng luật giao thông, nói năng lịch thiệp, trẻ con lễ phép, không ai nhòm ngó đến người khác nhà khác. Một vợ chồng già từ Bắc vào ăn tết với con trai, than vãn với tôi trong này tết rất chán, chả ai đến thăm nhà ai, ở quê thì họ đi chơi cả làng và ngược lại. Cũng những năm 1990, có đại hội của hội Mỹ thuật, ở Hà Nội, ai muốn đi dự phải tham gia bầu (bầu người đi dự), riêng đoàn Sài Gòn tự đăng ký, ai đi thì hội tạo điều kiện cho đi... rất khác nhau. Có lẽ, phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác, hay dở cũng tùy thói quen, nhưng để nói là đạt một thành phố hiện đại với những công dân, thì Sài Gòn đi trước Hà Nội.
Theo ông những điều gì đã tạo nên chất, hay phong cách riêng của người Sài Gòn nói riêng và người Nam bộ nói chung?
- Đây là vấn đề chúng tôi được nghe tranh luận từ nhỏ, người ta nói thế này: nông dân Bắc bộ làm ruộng rất khó khăn, người nhiều đất hiếm, người thành phố thì đồng lương eo hẹp, nên phải cần kiệm. Người vào Nam khí hậu hài hòa, đất đai phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật, phong tục đơn giản, nên không lo xa, tiết kiệm, có đồng nào xào đồng ấy, lo chi ngày mai... Đó là cách giải thích đơn giản, theo kinh tế, nhưng trên thực tế còn có một cái gì khác hình thành nên tâm tính con người. Ở cực Nam tôi thấy nhiều ngôi nhà xây tường mặt tiền rất đẹp, nhưng phía sau lại là căn nhà lá dừa, còn rất nhiều nhà chẳng có cửa giả gì cả, nhưng nhậu và cải lương thì không thể thiếu. Cái văn hóa nhậu cũng rất đậm đà các buổi chiều Sài Gòn. Không biết có phải qua nhậu mà cũng có phần hình thành tâm tính hay không? Có lẽ những cuộc di cư bất tận và chiến tranh liên miên, làm cho con người sống hiện sinh từng ngày, không quá trăn trở về mọi chuyện.
Như tôi là người Bắc đã sinh sống và làm việc tại mảnh đất này một thời gian dài, thì có thể cảm nhận được cái “chất” của vùng đất này, tưởng như Sài Gòn mở rộng cưu mang với những ai tha hương tìm đường đến đây lập nghiệp, nhưng không đồng điệu được với cái chất này, thì sẽ bị “bật ra” và phải rời đi?
- Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ vào Nam sinh sống, nhưng có hai chị và anh trai vào Sài Gòn ngay 1975, thầy giáo và bè bạn chuyển vào đó cũng nhiều. Khi qua lại tôi nhận thấy cho đến nay vẫn có sự phân cắt thành các nhóm nhỏ: người Nam gốc (vào trước 1863, 1900, 1930, 1945, 1954) và những người vào 1975.
Sự phân cắt này còn có thể mở rộng hơn nữa thành những nhóm theo tôn giáo, ngành nghề, địa phương, đan xen vấn đề Nam Bắc, đây có lẽ vẫn là tính cách truyền thống của người nông dân Việt Nam từ hàng ngàn năm qua, bất kể ở đâu.
Tuy nhiên, người Nam bộ trọng người cống hiến, hào sảng, lúc đó “cái nhóm nhỏ” sẽ tự động mở ra. Người di dân bao giờ cũng trọng người san núi, lấp sông, chém thú dữ, dám chết cho cộng đồng, hình ảnh anh hùng mã thượng, giang hồ tứ chiếng, anh hai...
Để nghiên cứu văn hóa tập tục hay văn minh vật chất của một vùng đất, ông thường chọn sống ngay tại nơi đó trong một thời gian và tìm hiểu như chính người dân bản địa, ông có ý định như vậy đối với Sài Gòn hay văn hóa Nam bộ không?
- Tôi từng sống ở nông thôn Bắc bộ hàng chục năm, vừa đi dậy học cho các trường Trung học nghệ thuật tỉnh, vừa thăm thú nghiên cứu. Bây giờ tuổi đã lớn, Nam bộ thì xa, tiền nong cũng không phải dễ để sống lâu dài ở đâu đó, nên muốn mà cũng chưa làm được bao nhiêu. Cũng đã đi những chuyến ngắn, đến hầu hết các tỉnh Nam bộ, nhưng thực sự chưa thâm nhập như tôi đã làm ở Bắc bộ, nơi tôi thông thuộc nhiều tỉnh đến tận con đường làng. Để làm được có lẽ phải nhờ trời ban cho sức khỏe, thời gian, tiền bạc, nếu như mình có vận mệnh đó. Tuy nhiên với những vốn liếng đã có, thì cũng có thể làm vài nghiên cứu tầm trung. Mặt khác, thì đây là địa bàn của người phương Nam, tôi cũng mong những đồng nghiệp trong đó làm thì tốt hơn, như anh Phạm Hoàng Quân chẳng hạn. Trong Quan họ Bắc Ninh có lời cổ rằng: “Bây chừ, Kẻ ở Người đi” - câu này thường được hiểu là sự chia li của một đôi nam nữ, nhưng thực ra có ý nghĩa - kẻ ở tức là quê hương bản quán, nhưng người thì đã rời đi rồi, ý nói những người đi Nam.
Xin cảm ơn ông rất nhiều về những chia sẻ quý báu này.