Người tài đất Thành Nam

NGUYỄN HIẾU 14/10/2022 05:18

Đọc kịch bản “Vô đề” của Giang Phong, tôi lại ước ao giá kịch bản này được dựng trên sân khấu thì nó sẽ tạo ra “cơn địa chấn” như thế nào đối với người xem. “Vô đề” của Giang Phong có thông điệp về con người trong sự thăng trầm của cơ chế thị trường, với kết cấu và lời thoại biến báo, linh hoạt có nhiều tầng nghĩa.

Nhà viết kịch Giang Phong.

Ra đời trong trại sáng tác Đại Lải, được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng giải Nhì từ năm 2002, vậy mà đến nay “Vô đề” vẫn chưa được đoàn kịch nào lựa chọn dàn dựng. Trong trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam được tổ chức trong tháng 11 vừa qua, Giang Phong vừa hoàn thành kịch bản chống ma tuý với nhan đề “Ngày ấy của em”.

Đây là kịch bản dài thứ 15 của Giang Phong, nhưng không kể 4 kịch bản được dựng trên Đài Truyền hình Việt Nam, 20 vở kịch truyền thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì số lượng kịch bản của ông được dựng trên sân khấu vẻn vẹn có 2 vở cách nhau đúng 10 năm và đều do Đoàn Kịch nói Nam Định quê ông chọn dựng.

Giang Phong là một người viết đa tài, khi ở tuổi ngoài 70 ông đã có vài chục ấn phẩm ra đời trong đó có 5 cuốn tiểu thuyết, dăm tập truyện ngắn, vài ba phim truyền hình mà gần đây nhất là phim 40 tập cho Truyền hình trung ương. Đài Truyền hình TPHCM từng làm phim “Người đánh trống ngũ liên” của ông, hàng loạt tác phẩm khảo cứu, trong đó danh giá nhất là chuyên luận “Giá đồng nhìn từ góc độ nghệ thuật” bảo vệ giá trị nhân bản và hình thức nghệ thuật dân gian phi vật thể tuyệt vời của giá đồng ngay khi hình thức này đang bị phê phán gay gắt. Rồi làm chủ biên tác giả của hàng loạt công trình nghệ thuật về văn học nghệ thuật, dư địa chí, các danh nhân của Thành Nam như: Lương Thế Vinh, Nguyễn Khuyến... Ông cũng gặt hái được không ít giải thưởng kịch bản sân khấu.

Mặc dù viết nhiều thể loại và cũng tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật khác nhưng sở trường và sự dằn vặt lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông vẫn là sân khấu. Đọc kịch bản của ông thấy rõ bút pháp của một nhà văn viết kịch.

Yếu tố đó đã làm cho hầu hết kịch bản của ông thấm đấm văn chương. Ngay từ các đầu đề kịch bản đã nói lên rất rõ chất văn học đích thực của ông. Từ “Vô đề”, “Búp bê nhựa”, “Bên kia là thành phố”, “Gió từ phía biển”, “Mẹ sẽ ru con”, “Họa mi lại hót” và gần đây nhất “Ngày ấy của em”... trong kịch của ông giống như bất kì nhà viết kịch chân chính, hết thảy nhạy bén, chạm đến những vấn đề xã hội đang quan tâm như: ma túy, văn hóa thôn quê đang bị phá vỡ vì sự đô thị hóa, nhân phẩm con người trong cơ chế thị trường…

Một số tác phẩm của Giang Phong.

Có tài, mọi đề tài đều được ông nghiền ngẫm bằng vốn sống từng trải của mình, bằng tình yêu quê hương với một tấm lòng đôn hậu - chủ đề luôn nổi lên trong các tác phẩm ở nhiều thể loại của Giang Phong là tâm hồn và đức hi sinh của con người - để rồi ông tìm ra những thủ pháp mới không lặp lại mình và lặp lại người khác. Phải chăng sự cách tân và những lời thoại đi đến cùng ở kịch bản Giang Phong có thể làm người đọc thích thú nhưng các đoàn kịch e ngại vì sự “nhạy cảm”.

Từ hiện tượng kịch Giang Phong tôi nhận thấy tình trạng buồn của sân khấu Việt Nam (nhất là ở phía Bắc) chấp nhận đường mòn trong kịch, chấp nhận cách dàn dựng sơ cứng đã thành nếp, ngại hoặc không thể sáng tạo của giới đạo diễn sân khấu Việt Nam. Chính tình trạng này chẳng những làm mất đi sức hấp dẫn mà còn hạ thấp tầm vóc của sân khấu vốn được coi là thể loại văn nghệ có chức năng tuyên ngôn và truyền tải thông điệp.

Trong giới sân khấu nước ta đang tồn tại một thực tế làm nản lòng nhiều nhà viết kịch muốn đổi mới, cách tân, luôn luôn muốn vượt ra đường mòn. Những kịch bản này không chỉ đặt ra những vấn đề mới có tầm khái quát lớn mà ngay trong hình thức biểu hiện cũng có nhiều sự đổi mới đáng trân trọng. Nhưng thật đáng tiếc các kịch bản này đa phần chỉ được in trên các ấn phẩm chủ yếu của NXB Sân khấu còn các đoàn, các nhà hát thì hầu như e ngại dựng các kịch bản này.

Trở lại vấn đề chọn kịch bản của các đoàn diễn. Hậu quả của cách tìm vở an toàn, "cổ cánh", dễ làm trong khâu duyệt đã dẫn các đoàn diễn chỉ tìm đến những thợ viết kịch. Những kịch bản như vậy đã từng bị nhiều diễn viên có nghề cao nhăn mặt khi đọc lời thoại, thậm chí nếu in ra nó không thể đứng biệt lập như một tác phẩm văn học…

Mặc dù tiếp xúc với tác phẩm của ông khá lâu, nhưng mãi tới giữa năm 2009 trong dịp cùng các nhà viết kịch trong chi hội tác giả phía Bắc đi thực tế tại Thành Nam tôi mới gặp ông. Nhìn bề ngoài Giang Phong có vóc dáng của một vận động viên điền kinh cùng một khuôn mặt phong trần, nghiêm cẩn đầy bản lĩnh, gặp lúc vui vẻ lại có thể bắt gặp ở ông nụ cười rất cởi mở.

Trong cuộc sống hàng ngày ông thuộc típ người sống theo “chính kịch”, quyết liệt nhất là khi bảo vệ chính kiến của mình… Tính cách con người do môi trường, nguồn gốc tạo nên tính cách con người. Bố nhà văn Giang Phong là thầy giáo trường Thành Chung Nam Định đi bộ đội và hi sinh tại mặt trận Tam Đảo khi là đại đội trưởng. Mẹ ông hát quan họ rất hay. Có lần nhớ mẹ Giang Phong đã viết nên câu văn xuôi giống như thơ, giản dị như chính cuộc sống “Tháng ba, hoa xoan rơi, mẹ ngồi sàng gạo”.

Sau khi tốt nghiệp lớp 10, bỏ lỡ một lần đi đào tạo nghề bác sĩ tại Liên Xô cũ vào học khoa Toán tại Trường ĐH Vinh. Thầy Nguyễn Khắc Phi dạy ông lại phát hiện ra năng khiếu của học trò bèn chuyển ông sang khoa Văn. Tốt nghiệp xong về dạy cấp 3 ở Nam Sách, Hải Dương.

Giai đoạn làm thầy này ông tập tọng viết văn. Truyện ngắn “Tiếng còi” viết năm 1966, rồi 2 năm sau thêm truyện ngắn “Người sưu tầm văn học dân gian và em bé gái” được báo Văn nghệ in… Có lẽ vì những “thành tựu văn chương” đó nên ông được cử đi tham dự khoá 3 bồi dưỡng nhà văn trẻ năm 1968-1969 cùng Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Phan Hách, Bích Thuận, Nghiêm Đa Văn…

Sau khóa học ông chuyển về làm biên tập lý luận phê bình, sân khấu cùng với Kim Ngọc Diệu phần văn xuôi, Vũ Quốc Ái phần thơ cho Tạp chí Sáng tác Nam Hà do nhà văn Chu Văn phụ trách. Đường hoạn lộ của Giang Phong cao nhất lên đến chức Trưởng ban bồi dưỡng, kiểm tra của Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh và trưởng phòng xuất bản. Giai đoạn này có thể coi là giai đoạn mở đầu làm đà cho sự sung sức trong sáng tác, làm việc của Giang Phong trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh việc cộng tác làm dư địa chỉ Nam Định phần nghệ thuât, văn học, báo chí, phát thanh, truyền hình in năm 2000, giữ trọng trách chủ biên Tổng tập Văn học nghệ thuật Nam Định thế kỉ 20 gồm 6 tập 5.000 trang in năm 2003 ông liên tiếp cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết như: “Nước mắt về chiều”, “Cạm bẫy”, “Biển trong xanh”, “Tình yêu thung lũng hoa”, “Thân cò”... hàng loạt tập truyện ngắn tuyện thiếu nhi, kịch bản ngắn, dài, kịch múa rối, phim truyền hình nhiều tập, khảo cứu, đạo diễn, làm thơ…

Buổi trưa hôm mãn trại sáng tác. Một người đàn bà mặt mũi phúc hậu lên thăm Giang Phong. Trò chuyện một lúc mới hay, gia cảnh nhà ông cũng hao hao giống nhà tôi. Vợ ông cũng là nhà giáo. Bà học Sư phạm văn, khi đi dạy lại tiếp xúc nhiều tác phẩm văn học nên bà cũng góp ý cho ông từ kết cấu truyện. Thêm điểm nữa là cậu con trai cả của kịch tác gia Giang Phong - Giám đốc điều hành khu vực của một hãng nước ngọt nổi tiếng tuổi Dần như con trai cả của tôi và cũng có 2 con trai. Chúng tôi hai thằng con một của một dòng họ Nguyễn chạm cốc với nhau…

Giang Phong là một người viết đa tài, khi ở tuổi ngoài 70 ông đã có vài chục ấn phẩm ra đời trong đó có 5 cuốn tiểu thuyết, dăm tập truyện ngắn, vài ba phim truyền hình mà gần đây nhất là phim 40 tập cho Truyền hình trung ương. Đài Truyền hình TPHCM từng làm phim “Người đánh trống ngũ liên” của ông, hàng loạt tác phẩm khảo cứu, trong đó danh giá nhất là chuyên luận “Giá đồng nhìn từ góc độ nghệ thuật” bảo vệ giá trị nhân bản và hình thức nghệ thuật dân gian phi vật thể tuyệt vời của giá đồng ngay khi hình thức này đang bị phê phán gay gắt. Rồi làm chủ biên tác giả của hàng loạt công trình nghệ thuật về văn học nghệ thuật, dư địa chí, các danh nhân của Thành Nam như: Lương Thế Vinh, Nguyễn Khuyến... Ông cũng gặt hái được không ít giải thưởng kịch bản sân khấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tài đất Thành Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO