Xuất thân từ một gia đình nông dân ở Caprara, khu định cư ở Reggio Emilia, Italy, một người đàn ông 86 tuổi đã bỏ học từ cấp tiểu học đã cống hiến cả cuộc đời để học và dịch thuật hơn 100 ngôn ngữ cổ đại cùng nhiều loại ngôn ngữ hiếm trên khắp thế giới.
Ở tuổi 86, ông Riccardo Bertani vẫn tiếp tục tìm hiểu những ngôn ngữ hiếm.
“Tôi nghỉ học vì thấy nó thật nhàm chán” – ông Riccardo Bertani nói. “Tôi thấy thích thứ gì khác biệt hơn, và chỉ có duy nhất một vị giáo viên hiểu quyết định của tôi”.
Quá chán nản với việc học toán, cậu bé Bertani lúc bấy giờ đã bắt đầu công việc làm nông trại như bao người khác trong ngôi làng của mình. Và đó cũng chính là lúc mà cậu bắt đầu phát hiện ra điều khiến mình thích thú nhất: Đọc và tìm hiểu các loại ngôn ngữ.
Do cha của Riccardo từng là người đứng đầu ngôi làng, nên nhà của ông chất đầy các cuốn sách, phần lớn là viết bằng tiếng Nga. Dù không hiểu thứ ngôn ngữ này, nhưng ông bắt đầu tìm hiểu nó bằng cách đọc các cuốn sách đã được dịch ra tiếng Italy của tác giả Lev Tolstoy, rồi sau đó học ngữ pháp tiếng Nga.
Vì lý do nào đó, ông Bertani rất hứng thú với ngôn ngữ các nước phía Đông như Nga, Ukraine và đã bỏ ra 18 năm để dịch bất kỳ cuốn sách nào mà ông tìm thấy từ các quốc gia đó. Sau khi đi sâu tìm hiểu văn hóa các nước này, ông phát hiện ra người dân ở các vùng Siberia, Mông cổ, Eskimo…cũng phát triển thứ ngôn ngữ hiếm của riêng họ.
“Trong nhiều năm liền, tôi thức dậy vào lúc 2 giờ sáng và chờ mặt trời xuất hiện. Đó là lúc đầu óc tôi minh mẫn nhất để học ngôn ngữ” – ông Bertani nói với tờ La Repubblica. Đến nay, đã ở tuổi 86, ông vẫn dậy từ lúc 5 giờ sáng để học những thứ ngôn ngữ mà ông yêu thích.
Bắt đầu từ tiếng Nga và Ukraine, đến nay ông Bertani đã học được trên 100 ngôn ngữ, trong đó có nhiều ngôn ngữ đã bị thất truyền và ngôn ngữ hiếm từ khắp thế giới; bao gồm ngôn ngữ Ucar người Eskimo, Yakut, Yukaghir, Rutul, Etruscan, Prussian, Basque, Mông cổ và nhiều ngôn ngữ khác. Và điều đặc biệt là trong suốt từng ấy năm, ông đã lấp đầy 1.000 tác phẩm dịch thuật, giải thích cách phát âm các ngôn ngữ mình học được.
Giới chuyên gia ngôn ngữ từng xem qua các tác phẩm của ông đều đánh giá rất cao công trình này. Chính vì sở hữu kiến thức về hơn 100 ngôn ngữ cổ đại, ông Bertani đã nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã được mời tới hàng loạt quốc gia để phát biểu về công trình của mình, nhưng luôn từ chối. Thực tế, ông chưa từng rời khỏi đất nước Italy.
Thú vị hơn nữa, ông Riccardo Bertani không hề nói tiếng Anh, tiếng Đức hay các ngôn ngữ thông dụng hiện đại khác, nhưng nếu thử nghiệm kiến thức của ông về văn hóa cổ của người Yakut hay tiếng Etruscan, người ta sẽ phải bất ngờ về ông.
Dù đã sở hữu kiến thức khổng lồ về ngôn ngữ, nhưng ông Riccardo Bertani chưa từng che giấu những lỗi lầm của mình. Rời khỏi trường học chỉ sau 5 năm học tại trường tiểu học, ông đã thừa nhận rằng khi bản thân gặp phải những tính toán đơn giản như nhân, chia…thì cảm thấy rất khó khăn.