Mới trải qua 2 lần kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trên đảo Song Tử Tây (xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, Khánh Hòa) nhưng khi chia sẻ cùng chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (37 tuổi ở Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bảo anh có cảm giác sống trên đảo từ lâu lắm rồi.
Cũng theo thầy Phú, việc tình nguyện tới đảo xa dạy học mang đến cho anh rất nhiều trải nghiệm, nhất là kỷ niệm cùng những học sinh thân thương. Ngoài việc dạy học, thầy Phú vẫn dành thời gian làm thơ, viết báo. Tác phẩm của thầy xuất hiện rất nhiều tại các tạp chí ở trung ương lẫn địa phương cũng như những ấn phẩm báo chí khác.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (trên, bên phải) cùng học sinh ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Đoàn Đại Trí.
Chia sẻ về cuộc sống ở đảo Song Tử Tây, nơi cách đất liền (vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) hơn 500 cây số, thầy Phú cho biết: “Việc dạy và học ở đảo có khác hơn so với đất liền. Ở đảo tôi được phân công dạy lớp ghép. Trong một lớp có nhiều lứa tuổi khác nhau, từ mẫu giáo đến hết tiểu học. Vì vậy việc sắp xếp thời gian, giáo án, bài vở khó khăn hơn, sự di chuyển từ học sinh này qua học sinh khác liên tục. Ví như lúc mới vào ổn định lớp và hướng dẫn cho học sinh mẫu giáo tô màu, tô chữ, còn học sinh lớp 4 thì lên bảng kiểm tra bài cũ môn toán hay tiếng Việt (làm bài trên bảng) đã chuẩn bị từ chiều trước đó, sau đó là hướng dẫn lớp 1 hoặc lớp 2 học bài. Còn trong đất liền chỉ dạy một trình độ trong một lớp, mặc dù cũng mệt nhưng đỡ cực hơn là dạy lớp ghép. Còn trang thiết bị dạy và học mặc dù Phòng Giáo dục huyện Trường Sa cũng quan tâm, gửi ra nhưng do đặc thù biển đảo nên cũng dễ bị hao mòn, mau hư hỏng. Trong lúc chờ tàu mang ra thì mất nhiều ngày nên anh em chúng tôi có nhiều cái cũng tự làm để phục vụ việc dạy trong tiết dạy cho tốt hơn”.
Nhưng ở đảo xa không chỉ có khó khăn, vất vả và thiếu thốn bởi đó là điều mà ai cũng biết, cũng từng được nghe nói đến. Sau 2 năm trên đảo, thầy Phú tâm sự: “Cuộc sống trên đảo có nhiều cái thuận lợi. Đó là anh em giáo viên và phụ huynh học sinh ở gần nhau, nên việc gắn bó trao đổi cũng được dễ dàng hơn và học sinh thì mình cũng dễ tiếp cận, kèm học sinh mọi lúc nếu học sinh đó còn chậm. Nói chung học sinh trên đảo thiếu thốn hơn đất liền cả về vật chất, đồ dùng học tập, đồ chơi phục vụ cho việc kĩ năng hoạt động ngoài giờ. Đời sống trên đảo thiếu thốn hơn đất liền, đồ ăn thức uống phải nhờ từ đất liền mua gửi ra, mà với hành trình dài ngày tàu mới ra đến đảo nên có những đồ ăn hư hao, lên men không dùng được. Việc trồng trọt chăm sóc rau xanh cũng cực kì khó khăn, bốn bờ là nước, nồng độ mặn cao, hơi muối áp vào làm rau xanh khó lên tốt được và đặc biệt nước ngọt chủ yếu dành cho ăn uống nên cũng thiếu nước ngọt để tưới rau. Cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn quan tâm đến giáo dục nên thường hay đến động viên giúp đỡ nhà trường”.
Thầy Phú sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh). Các anh chị em của thầy đều làm nghề nông, chỉ có thầy theo nghề dạy học. Tuy nhiên, vì gia đình nghèo nên việc học của thầy bị gián đoạn tới 10 năm. Tốt nghiệp lớp 12 năm 2000 nhưng không có điều kiện học lên, thầy Phú phải đi làm nhiều nghề kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mãi đến năm 2010, thầy mới đăng kí dự tuyển vào Trường Sư phạm Nha Trang, chuyên ngành Tiểu học khi đã gần 30 tuổi. Và đến năm 2015 thi tốt nghiệp ĐH Huế mở tại thành phố Nha Trang. Trước khi ra đảo, thầy dạy các trường tiểu học trong huyện Vạn Ninh. Thầy Phú cho biết, khi viết đơn và được chấp nhận ra đảo Song Tử Tây dạy học, thầy cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào vì được đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Mặc dù công việc dạy học vất vả nhưng thầy vẫn dành nhiều thời gian để làm thơ, viết báo. Tôi vẫn thấy các bài thơ của thầy trên tạp chí, những bài báo, tin tức nơi đảo xa của thầy trên báo. Hiện nay ở đảo điều kiện sinh hoạt có nhiều thay đổi. Thầy Nguyễn Hữu Phú vẫn có thể sử dụng mạng internet dù theo như chia sẻ của thầy thì nó rất chậm và chập chờn. Đó cũng là sợi dây để thầy cùng các đồng nghiệp vững tâm công tác trên đảo xa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.