Theo một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp sản xuất, việc đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 của Bộ Công thương tạo sự công bằng, tránh tình trạng “xin- cho”. Thế nhưng, cơ chế mới sẽ có bất cập vì nguy cơ người tiêu dùng phải sử dụng đường giá cao.
Giá đường trong nước thường cao hơn đường nhập khẩu.
Giá đường trong nước cao hơn nhập khẩu
Từ trước đến nay việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường mất lòng nhiều người. Bởi phân bổ hạn ngạch theo cơ chế phân giao nặng tính chất “xin- cho”. Năm 2015, Chính phủ yêu cầu các Bộ - ngành thực hiện cơ chế thí điểm đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016.
Nhận định về quy định mới trong nhập khẩu mía đường Bộ Công thương, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng, cơ chế điều hành mới bảo đảm quyền lợi người trồng mía và doanh nghiệp chế biến đường trong nước. Giảm đáng kể nguồn cung mặt hàng đường bị tồn kho liên tục. Ngoài ra, còn đảm bảo tuân thủ và thực hiện được cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Quan điểm của các Bộ ngành là thế song cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn vì hạn ngạch đưa ra quá ít. Hơn nữa, việc áp dụng hình thức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mía đường dẫn đến tình trạng doanh nghiệp và người tiêu dùng phải sử dụng đường giá cao.
Theo ông Lưu Huỳnh - Giám đốc Marketing Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên, doanh nghiệp chưa nhận được thông báo chính thức về việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mía đường.
Trước thông tin áp dụng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đại diện Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên khẳng định, công ty sẽ tham gia đấu giá bởi nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường của công ty trong hoạt động sản xuất rất lớn.
Nói về mức trần hạn ngạch nhập khẩu đường, đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất sữa cho biết, áp dụng quy định mới là đấu giá hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng mía đường một mặt tránh cơ chế xin -cho bằng hình thức phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp. Thế nhưng, áp dụng phương án này một lượng lớn doanh nghiệp sản xuất bằng nguyên liệu đường lại gặp khó khăn về nguồn cung.
Khó cạnh tranh
Khó khăn và hạn hẹp về nguồn cung đối với đường nhập khẩu buộc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dùng đường nội địa. Song nghịch lý ở chỗ, đường nội địa thường cao hơn đường nhập khẩu. Không ít doanh nghiệp sử dụng đường cho biết, hiện nay giá đường sản xuất trong nước vẫn đang cao hơn so với giá nhập khẩu. Khi nguyên liệu giá cao kéo theo giá thành sản xuất cao hơn và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. “Giá thành mặt hàng đường trong nước quá cao trong khi với đường nhập khẩu rẻ hơn gần 20%.
Điều này vô hình trung doanh nghiệp và người tiêu dùng phài sử dụng đường giá cao”, ông Lưu Huỳnh nhấn mạnh. Thực tế cho thấy, giá nguyên liệu sản xuất đường của Việt Nam từ 45 – 50 USD/tấn, các nước chỉ khoảng 30 USD/tấn. Trong khi tỷ lệ chi phí mía chiếm 75 – 80% trong giá thành đường.
Kết quả, giá đường nước trong nước thường ở mức 12.000 – 13.000 đồng/kg, trong khi giá đường nhập khẩu từ các nước chỉ dao động ở mức từ 9.000 – 10.000 đồng/kg. Đây chính là nguyên nhân đường trong nước không cạnh tranh được với đường thế giới.
Nhìn vào những điểm hạn chế của ngành mía đường, ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam thừa nhận, tính cạnh tranh ở giá thành đường Việt Nam còn thua các nước do giá mía nguyên liệu cao nhưng trình độ công nghệ không chênh lệch đáng kể.
Ông Nguyễn Hải phân tích rõ, tại các nước xuất khẩu đường lớn như Brazil, Thái Lan… giá đường xuất khẩu của họ luôn thấp vì các nước này được khuyến khích bằng những chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, chi phí sản xuất… khiến giá đường đạt được ở mức có sức cạnh tranh tốt.
Trước nguy cơ phải dùng đường giá cao một số ý kiến mong mỏi, hy vọng đường nhập khẩu với giá rẻ vào nhiều sẽ tạo điều kiện để đường trong nước xuống thấp nhằm tăng tính cạnh tranh. Việc giảm giá đường không chỉ có lợi với người tiêu dùng vì được sử dụng mặt hàng mía đường có giá thị trường mà còn giúp cho ngành mía đường trong nước khỏi cảnh lao đao vì đường nhập lậu tràn vào.
Đề cập đến giải pháp tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng mía đường trong nước bằng giá thành thấp, ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch Ủy ban Mía đường thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho rằng, muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam chỉ có đầu tư vào khoa học kỹ thuật vào vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân để tạo thành vùng nguyên liệu lớn, công nghệ chế biến để đa dạng sản phẩm như phân bón sinh học từ bã mía, tận dụng các phụ phẩm khi sản xuất đường… Có như vậy doanh xuất sản xuất mới được tăng lợi nhuận, người sử dụng được tiếp cận đường giá thấp.