Có dịp chiêm ngưỡng hơn 100 bức tranh khắc gỗ cùng những bản khắc do họa sĩ Trần Nguyên Đán vẽ trước ngày ông khai mạc triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới thấy được nhiều nét văn hóa Việt đã được ông tôn vinh, gìn giữ bằng một cách hết sức độc đáo.
Tác phẩm “Cô gái Dao đỏ và chàng trai H’Mông”.1.
1. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa, trong khi đa số các thể loại hội họa và đồ họa nước ta có xuất xứ phương Tây và mới chỉ được định hình từ đầu thế kỷ XX thì tranh khắc gỗ có truyền thống lâu đời với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống… từ 3, 4 trăm năm nay, thậm chí có thể còn xa xưa hơn nếu kể đến tranh minh họa mộc bản Phật giáo và tranh bùa chú Đạo giáo.
Trong số các họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ của Việt Nam như: Đỗ Đức, Mai Khanh, Nguyễn Nghĩa Duyện, Trần Tuyết Mai..., họa sĩ Trần Nguyên Đán nổi tiếng bởi sự bền bỉ với nghề và có nhiều sáng tạo riêng, được đồng nghiệp ghi nhận. “Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của Mỹ thuật VN suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Tranh ông đáng chú ý ở chỗ: bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc”, ông Hòa nhận xét.
Quả vậy, xem tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán, thấy các giá trị của văn hóa Việt Nam được “ghi chép” với các đường nét, màu sắc thấm đẫm hồn vía dân tộc. Nhìn là có thể nhận ra ngay một Hội An xưa cũ, với người bán tò he, với dãy phố cổ thâm trầm.
Nhìn là thấy ngay một Hà Nội bàng bạc sương khói của một thời đã xa, ở đó dung dị những con người, dung dị những góc phố, những cây cầu…
Nhìn là thấy ngay một miền quan họ, với nón quai thao, với thuyền quan họ hay những nét văn hóa ruộng đồng của người Việt ngàn đời: đi cấy, múa rồi nước…
Những nét văn hóa thân yêu, máu thịt của người Việt hiện ra trong tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán có thể đánh thức những ký ức ẩn giấu trong nhiều tâm hồn Việt.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán. Ảnh: Thư Hoàng.
2. Tôi quen họa sĩ Trần Nguyên Đán sau khi được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ, cho xem bộ tranh và mộc bản mà bà sưu tập được. Đó là những tác phẩm về Hội An, về Hà Nội, về Bắc Ninh quê hương ông…
“Trần Nguyên Đán là một cái tên nổi bật cũng như có vị trí trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và còn là gạch nối giữa truyền thống và hiện đại”, bà Hòa nói và cho biết, trong sưu tập của bà, nhiều nhất là tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán, đó cũng là cái Duyên vì không phải họa sĩ nào ở tầm tuổi ấy cũng lưu giữ được những bức từ hồi còn trẻ. Ông là thế hệ áp sau thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương.
Có dịp đến thăm ông mới thấy hết được cái sự giản dị của một họa sĩ trọn đời mê tranh khắc. Dù năm nay đã ở tuổi 75, hàng ngày ông vẫn cần mẫn sáng tác những bức tranh mới. Tuy vậy, cuộc sống ông lại rất giản dị, đơn sơ. Ông như muốn ở ẩn, mặc dù nhà ông chỉ cách Hồ Gươm dăm cây số.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, ông vẽ nhiều, không thể nhớ hết được là bao nhiêu tác phẩm. Không giống với nhiều họa sĩ khác, ông vẽ xong không giữ lại để hình thành bộ sưu tập riêng sau này làm Bảo tàng cá nhân. Tranh của ông vẽ xong nếu có ai mua là ông bán.
Có nhà sưu tập đã sở hữu của ông hàng trăm tác phẩm. Như bộ tranh mà nhà sưu tập Thu Hòa sắp trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật VN vào ngày 21/3 tới.
Đó là bộ sưu tập mà ông có nhiều kỷ niệm. Ở đó có cả những tác phẩm từ thuở ông còn ngồi trên ghế nhà trường như “Chăm học chăm làm”, cho tới những tác phẩm đánh dấu những bước chuyển trong phong cách sáng tác của ông.
Theo ông, mình không giữ tranh, nhưng được các nhà sưu tập gìn giữ sẽ giúp cho những bức tranh, những mộc bản được tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Chứ còn nếu tự giữ lấy, điều kiện vật chất của ông và khí hậu Việt Nam sẽ khiến cho những tác phẩm ấy suy giảm tuổi thọ. Như thế cũng là một thiệt thòi.
Dù vẽ ở mảng đề tài nào, họa sĩ Trần Nguyên Đán cũng luôn có ý thức để tôn vinh các giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Đó là những giá trị trường tồn, góp phần làm nên căn cốt của văn hóa Việt
3. Cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông dành trọn cho nghệ thuật đồ họa, tranh khắc Việt Nam. Dù vẽ ở mảng đề tài nào, ông cũng luôn có ý thức để tôn vinh các giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Đó là những giá trị trường tồn, góp phần làm nên căn cốt của văn hóa Việt.
Sắc màu văn hóa trong tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán đa dạng. Xem tranh ông, thấy một Sa Pa hiện ra với những vũ điệu khèn Mông và sắc màu văn hóa thổ cẩm thật sinh động. Rồi một Thăng Long - Hà Nội hiện ra với nhiều di tích lịch sử, những thắng cảnh nổi tiếng.
Đáng chú ý, trong số những tác phẩm của Trần Nguyên Đán về Hà Nội có bức “Nghệ nhân tranh Hàng Trống” và “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Đây là 2 trong số 5 tác phẩm đã đưa ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007).
Ông tâm sự rất chân thành: “Tôi vẽ tranh bằng con mắt của riêng mình. Không phải là người chụp ảnh, rằng phải đúng phải thật. Nghệ thuật có thật có hư, vừa có lý vừa phải có tình”. Rồi họa sĩ nói, ông luôn dùng nghệ thuật đồ họa để biểu hiện tình cảm của mình, chứ không nệ theo sách vở hay những nguyên tắc máy móc. Vì thế, tranh ông, nhiều khi có những sáng tạo riêng, không theo lối mòn.
Với ông, bức tranh đẹp là bức tranh có nhiều người thích, có nhiều người muốn sở hữu. Vẽ ra mà không có ai mua, không có ai thích thì coi như thất bại. Nếu không bán được tranh thì khó lòng tử vì đạo được. Đó là những quan niệm của ông, dù quan niệm đó có thể không có nhiều điểm chung với nhiều người.
Bền bỉ làm, lặng lẽ sống. Họa sĩ Trần Nguyên Đán như muốn rời xa sự ồn ào để cả đời đưa văn hóa Việt hội tụ trên tranh khắc gỗ…