Được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 (TLMTVN 2015) đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam. Hơn 400 tác phẩm xuất sắc được trưng bày tại đây, ít hơn so với các triển lãm trước đó. Song theo đánh giá của giới chuyên môn, TLMTVN 2015 đã ghi nhận những ngôn ngữ mỹ thuật mới.
Họa sĩ Lê Anh Vân.
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Lê Anh Vân – Chủ tịch Hội đồng Hội họa, đồ họa và video art của TLMTVN 2015.
PV: Ông đánh giá sao về ngôn ngữ mỹ thuật Việt Nam sau mỗi triển lãm định kỳ 5 năm?
Họa sĩ Lê Anh Vân: Xin đơn cử như ở hội đồng hội họa, đồ họa và video art lần này chúng tôi đã nhận được phẩm hơn 3.000 tác phẩm dự thi và chọn lựa hơn 300 tác phẩm để trưng bày và trao giải. Nguyên nhân, số lượng tác phẩm được được lựa chọn giảm đi nhiều không phải do Hội đồng khó tính mà do không gian trưng bày quá hiện nay quá nhỏ hẹp.
Đặc biệt là năm nay TLMTVN 2015 cũng ghi nhân sự đột phá khi có sự tham gia của các loại hình nghệ thuật mới như video art, sắp đặt. Riêng thể loại video art đã có đến 11 tác phẩm dự thi và có đến 7 tác phẩm được lựa chọn triển lãm, thậm chí có tác phẩm còn đạt giải. Tôi nghĩ kết quả này đã phản ánh sức làm việc của các nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay. Họ đã bắt nhịp được các loại hình mới của thế giới để từ đó phản ánh hiện thực của xã hội.
Còn về các chất liệu các tác phẩm tại TLMTVN 2015 cũng càng ngày càng phản ánh tính chuyên nghiệp hơn trong sự khám phá ra ngôn ngữ mới. Các nghệ sĩ đã bám sát vào nghệ thuật truyền thống để tìm ra hướng đi mới. Qua các loại hình giải thưởng thấy một điều loại hình đồ họa đã rất thành công thông qua các giải thưởng và các tác phẩm được lựa chọn trưng bày.
Tác phẩm Nhà xưa (sơn mài)-tác giả Nguyễn Thị Loan Phương.
Thưa ông, TLMTVN 2015 cũng ghi nhận dấu ấn của của các họa sĩ trẻ (mà nhiều người quen gọi là thế hện 7X, 8X). Ông đánh giá sao về lực lượng mới này?
- Số lượng họa sĩ trẻ chiếm đa số tại TLMTVN 2015. Tôi đánh giá các tác phẩm của họ đã những cái nhìn mới hơn, những góc độ mà những người có tuổi không tiếp cận được. Ở đó ghi nhận, sự đồng hành, tiếp cận với sự phát triển của công nghệ của những người trẻ trong việc thể hiện qua các tác phẩm mỹ thuật.
Chính họ đã gắn kết nghệ thuật hội họa để phản ánh đời sống qua góc nhìn của một thế hệ. Trong đó, có những tác phẩm thể hiện vấn đề xã hội khá nhạy cảm tưởng như khó lòng thể hiện qua ngôn ngữ mỹ thuật, nhưng họ đã làm được. Ở đó, tác giả biết tìm ra cách thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật phê phán dù tế nhị nhưng rất sinh động trong cách thể hiện.
Ngoài ra, ở giải thưởng mỹ thuật năm nay tiêu chí giải là khá rộng rãi, không gò ép vào các đề tài quá lớn như xã hội, chính trị. Và có thể nhận thấy qua các tác phẩm dự thi và trưng bày, các vấn đề xã hội được rất nhiều nghệ sĩ quan tâm. Ở đó, chúng ta đã thấy được những cái nhìn rất riêng ở từng thế hệ nghệ sĩ.
Nhìn tổng quan ở một triển lãm tầm cỡ là như thế. Tuy nhiên thực tế thị trường Mỹ thuật Việt Nam trong nhiều năm qua lại khá ảm đạm, thưa ông?
- Vào những năm 1990 đến năm 2000, thị trường mỹ thuật Việt Nam được coi là thời điểm “vàng” khi nó rất sôi động và rất nhiều họa sĩ sống được bằng các tác phẩm của mình. Thế nhưng, lâu nay với sự phát triển của các gallery nghệ thuật theo kiểu tự phát, không chính thức, thiếu sự quản lý cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường này. Chất lượng tranh giả đã gây mất uy tín cho mỹ thuật Việt Nam.
Trong khi các triển lãm mỹ thuật toàn quốc chỉ mới là những cái nhìn toàn cảnh Mỹ thuật Việt Nam trong một khoảng thời gian thì việc giới thiệu các sản phẩm mỹ thuật cần phải có những cách làm rất nghiêm túc. Ở đó đòi hỏi sự làm việc công phu, nghiêm túc của những nghệ sĩ. Hiện tại, việc tổ chức giới thiệu tranh ra nước ngoài không chỉ là việc của các cơ quan quản lý, mà ngay các gallery tư nhân cũng cần được tạo điều kiện để tiếp cận, hỗ trợ.
Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ, cũng cần có những cơ chế “mở” để giúp đỡ các đơn vị tư nhân có điều kiện mang tác phẩm ra nước ngoài. Nếu mở rộng được như vậy chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để các phẩm của Việt Nam được quảng quá nhiểu hơn trên thị trường quốc tế.
Trong tương lai, tôi cũng hy vọng TLMTVN sẽ được nâng tầm. Từ đó, triển lãm không chỉ là nơi giới thiệu, trưng bày các tác phẩm xuất sắc của mỹ thuật Việt Nam mà còn là cơ hội để quảng bá sâu rộng hơn đến với công chúng Việt Nam và quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!