Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vừa tổ chức cuộc thi Workshop “Tái thiết không gian bị chuyển đổi trong đô thị” với địa điểm thiết kế là tuyến phố Phùng Hưng (đoạn từ Ga Long Biên - nút giao phố Phùng Hưng với đường Trần Phú).
Đây cũng là tuyến đường đang có nhiều ý kiến khác nhau trong việc tái thiết lại không gian sống sao cho hài hòa, hợp lý.
Mô hình cải tạo và khai thác vòm đường dẫn cầu Long Biên.
Di sản sống
Khu vực cầu Long Biên gồm 131 vòm cầu đá dưới cầu dẫn lên, được biết đến là một di sản đang sống và vận hành cùng với hoạt động của người dân Hà Nội từ rất lâu đời. Đây cũng được coi là bộ phận quan trọng, được xác định là di sản của thủ đô trong nhiều năm qua cần phải được bảo tồn và phát huy.
Là một trong những công trình cùng với cầu Long Biên được nằm trong quy hoạch bảo tồn và sử dụng làm không gian đi bộ phục vụ cho du lịch và hoạt động văn hóa nghệ thuật của thủ đô.
Khu vực các vòm đá tại tuyến đường Phùng Hưng được đánh giá là có chức năng rất quan trọng trong việc tạo dựng không gian chuyển tiếp linh hoạt cho cảnh quan của Hà Nội.
Theo quy hoạch giao thông Hà Nội mà Thủ tướng đã phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị số 1 (đi từ Giáp Bát - Ngọc Hồi đến Gia Lâm - Yên Viên có hướng và vị trí trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có, đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh có tim tuyến nằm về phía phố Phùng Hưng) đi thẳng và rẽ vào phố Hàng Đậu đi qua sông Hồng (song song với cầu Long Biên về phía thượng lưu 75 m) để đến ga Gia Lâm.
Vì vậy, việc tái thiết không gian tại tuyến đường này đang là một trong những khó khăn của chính quyền và nhân dân thủ đô thời gian qua.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, đường Phùng Hưng xây trên nền con hào nước bao quanh thành Hà Nội bị lấp đi khi phá dỡ tường thành năm 1889.
Con phố dài xuất hiện đồng thời với công trình đường sắt, nối ga Hàng Cỏ lên cầu Long Biên (1902). Hơn 100 năm qua, bức tường đá trên phố Phùng Hưng là tấm gương soi chiếu vào lịch sử Hà Nội trải qua những giai đoạn khó khăn và chiến tranh ác liệt.
Người Hà Nội từng biết đến một đường Phùng Hưng sôi động, đóng góp tích cực trong cuộc sống đô thị, là tuyến đường sắt quan trọng với cả nền kinh tế thời bình lẫn đường tiếp vận trong chiến tranh và cũng hiu hắt khi vận tải đường sắt cạnh tranh bất lợi với đường bộ.
“Trong ký ức của tôi có thời điểm, nơi đây có nhiều ngôi nhà rất đẹp được xây dựng trên con phố này cho người nước ngoài thuê với giá cao. Cũng có những giai đoạn phố gầm cầu là nơi trú ngụ của người tha hương cơ nhỡ, chính vì vậy, chúng ta nên đặc biệt chú ý tới việc sao cho dung hòa được cả hai việc, vừa phát triển được đô thị nhưng vẫn có thể đảm bảo được cảnh quan và gìn giữ được những di sản còn sót lại”- ông Ánh nói.
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống
Chương trình Workshop của ĐH Kiến Trúc đã khởi đầu cho một cuộc thảo luận lớn là làm thế nào để tạo sức sống mới lại một không gian đô thị lịch sử trong một thành phố hiện đại, phát triển nhanh, đối mặt với rất nhiều thử thách.
Tại đây, 29 nhóm sinh viên dự thi đã đưa ra được những đề xuất thiết thực, với mong muốn TP Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng sẽ có thêm cách nhìn đa chiều trong việc tái thiết lại không gian tuyến phố Phùng Hưng hiện nay.
Vẫn theo KTS Trần Huy Ánh, thực tế các nhà quản lý hiện nay cũng đang có rất nhiều ý tưởng để thực hiện, và những cách giải quyết này rất cụ thể và rất hữu ích đối với họ.
Từ một vỏ đặc dưới vòm cầu như vậy thì nên làm như thế nào cho nó sinh động hơn, lấy con người làm trung tâm như thế nào để có thể vừa có thể che mưa che nắng, vừa có sự hấp dẫn, ngay cả chỗ ngồi cũng rất quan trọng.
TP Hà Nội từ đầu năm tới giờ có rất nhiều những thông tin rằng sẽ mở vòm, rằng sẽ khai thác không gian công cộng. Chúng ta đã có sự thử nghiệm từ phố Lê Văn Linh tới phố Hàng Giấy, có 9 vòm thôi mà cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau rồi.
Tôi cho rằng những ý tưởng của các em sinh viên cũng là một cách tiếp cận của người dân đô thị với không gian đô thị, cũng là một trong những gợi ý cho các cấp chính quyền khi bắt tay vào tái thiết đô thị.
Đây là một ý tưởng rất sáng tạo khi chúng ta động chạm tới không gian rất có cảm xúc với người Hà Nội từ xưa tới nay, nhất là trong thời gian thủ đô đang nhận được rất nhiều sự quan tâm như hiện nay.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Dương Đức Tuấn chia sẻ thêm: “Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm kỳ vọng, chính quyền có thể cùng với cộng đồng tổ chức được một không gian công cộng thực sự hấp dẫn, đem lại lợi ích cho người dân, góp phần xây dựng tuyến phố trở thành một không gian văn hoá, nghệ thuật chung cho công chúng.
Việc làm này sẽ có ý nghĩa tích cực để tái thiết lại, gây dựng lại những không gian trong đô thị nói chung, tổ chức không gian công cộng khu vực tuyến phố Phùng Hưng nói riêng trong tương lai”.