Người trẻ và ứng xử với cổ phục

Minh Quân (ghi) 16/08/2021 06:35

Việc nghiên cứu phát triển cổ phục là hoạt động mà giới trẻ có lợi thế trong việc phát huy và tuyên truyền. Tuy nhiên, theo nhà thiết kế cổ phục Nguyễn Đức Lộc, người sáng lập Công ty CP Ỷ Vân Hiên, để những người trẻ có ứng xử đúng hướng với cổ phục thì còn nhiều việc phải làm.

Nhà thiết kế cổ phục Nguyễn Đức Lộc trong bộ trang phục cổ.

Thực tế chứng minh trong gần 10 năm trở lại đây, giới trẻ là những người nhiệt thành nhất với hoạt động nghiên cứu và tái hiện trang phục cổ.

Ghi nhận trong những năm gần đây, điều đáng mừng là phong trào tìm lại cổ sử, trong đó có phong trào phục dựng cổ phục không những không “nguội đi”, mà còn đang phát triển tốt. Những nghiên cứu tranh luận hiện nay cũng đã có chất lượng hơn rất nhiều những cuộc tranh luận của chục năm về trước. Mà ở đó, một số lầm tưởng đã dần được xóa bỏ và phong trào cũng đã thể hiện ra ở những hình thức cụ thể hơn là những tranh luận “suông”.

Còn nhớ chục năm về trước vẫn có những quan điểm mang nặng tính chủ quan và nhầm lẫn về thời kỳ của các loại trang phục, như nhất quyết cho rằng trang phục cổ nước ta có ống tay hẹp (mà thực ra ống hẹp và ống rộng đều tồn tại song song, trong nhiều thế kỷ, tới tận cuối đời Nguyễn vẫn có áo tấc ống tay rộng), hay vua thời Lý mặc áo... đỏ; hoặc cho rằng người Việt xưa không có loại áo giao lĩnh tay hẹp và quần xỏ ống làm đồ lót mà chỉ có đóng khố (có tranh luận còn phê phán một bộ phim truyền hình là “nhái theo Trung Quốc” chỉ vì xuất hiện bộ áo quần lót trong đó - mà thực tế thì không phải như vậy).

Bạn trẻ mặc cổ phục chụp ảnh lưu niệm.

Bên cạnh đó, thời gian qua những công việc hướng về cổ phục không chỉ còn là trên giấy tờ, hay hạn chế trong những đoàn làm phim mà đã dần lan tỏa trong giới trẻ. Hiện có không ít những công ty hay nhóm nghiên cứu đang tiến hành phục dựng cổ phục, bao gồm vẽ lại và may lại. Những công việc này mang lại một bước chuyển rất lớn. Cổ phục Việt Nam ngày càng gần gũi với những người không nghiên cứu sâu về lịch sử. Hiện nay không khó để bắt gặp những MV ca nhạc dàn dựng bối cảnh cổ đại, đám cưới có chú rể mặc áo tấc, những điệu nhảy trên phố của cô gái mặc áo nhật bình, hay các bạn trẻ mặc cổ phục đi chụp ảnh trên phố đi bộ hồ Gươm, thậm chí có cả các em học sinh phổ thông chụp ảnh kỷ yếu với trang phục thời Nguyễn. Việc phục dựng nói trên thực sự đã bắt đầu quá trình len lỏi vào các góc đời sống, giúp mọi người dân có nhận thức rộng hơn về cổ phục.

Tuy nhiên, một hoạt động văn hóa, dẫu đã có chỗ dựa vững chắc là trầm tích văn hóa hàng ngàn năm thì vẫn có thể phải trải qua những vấp váp, khó khăn, thậm chí là nguy cơ chệch hướng. Ở đó câu hỏi mang tính lựa chọn được đặt ra là, nên cố gắng tái hiện nguyên hình trang phục cổ, hay cố gắng cách tân để đưa trang phục cổ vào cuộc sống hằng ngày?

Nếu chỉ tái hiện nguyên dạng trang phục cổ thì e rằng như vậy cũng quá cứng nhắc và có phần làm giảm hiệu quả, nếu xét trên tác dụng thúc đẩy giới trẻ tìm hiểu văn hóa truyền thống. Việc đưa những yếu tố cổ phục vào trang phục hiện đại vẫn là việc nên làm, để tất cả mọi người dần dần không còn cảm thấy xa lạ với những hoa văn họa tiết truyền thống, hay những chi tiết như bổ tử, cổ giao lĩnh... Nhưng việc này rất cần có nền tảng, đó chính là việc cố gắng hoàn nguyên trang phục cổ đến hết mức có thể. Bởi chỉ khi những nghiên cứu về trang phục cổ đã đầy đủ về chi tiết, nhà sản xuất mới có thể chọn lựa được những chi tiết cần thiết theo yêu cầu để đưa vào trang phục cách tân. Bên cạnh đó, tái hiện lại trang phục cổ thời kỳ nào cũng là vấn đề nan giải. Đến giờ, trang phục cổ được tái hiện nhiều nhất vẫn là trang phục thời Nguyễn, đặc biệt là áo nhật bình. Lí do về mặt kỹ thuật là tư liệu thời kỳ này còn rất nhiều, thậm chí là nhiều hiện vật để nghiên cứu, nên việc tìm hiểu không quá khó khăn. Nhưng, còn một lí do tế nhị hơn nữa, đó là tâm lý e ngại... không thuần Việt.

Trang phục thời kỳ sớm hơn cũng vậy, nhìn qua khó phân biệt được với các nền văn hoá khác. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, không có bất kỳ một nền văn hóa nào là “thuần túy” và không vay mượn bên ngoài. Hơn nữa, có những thứ trang phục rất phổ biến ở Đông Á, như áo giao lĩnh (hai vạt chéo nhau), kimono hay hanbok thực chất cũng đều là giao lĩnh, đó là sự thật lịch sử không thể chối bỏ. Ngoài ra tái hiện lại cổ phục không thể lẻ loi, nó còn cần gắn với những yếu tố văn hóa khác nữa đó là những yếu tố văn hóa liên quan khác, như tái hiện lễ cưới xưa, tái hiện nghi thức thiết triều, trình diễn âm nhạc, võ thuật truyền thống...

Tóm lại, đặt cổ phục trong bối cảnh “cổ”, không chỉ phục dựng trang phục mà còn cố gắng tái hiện cả bối cảnh văn hóa rộng lớn hơn, để những người đến tham quan hình dung được về cuộc sống thực sự của những bộ trang phục đó. Dù một số nhóm bạn trẻ ở Việt Nam cũng đã cố gắng làm công việc đó một cách công phu nhất có thể nhưng nhìn tổng thể thì có lẽ sẽ còn nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người trẻ và ứng xử với cổ phục