Ở khu tái định cư thôn Lại Tân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) ai cũng quý mến và cảm phục tấm lòng thiện nguyện, tận tụy giúp dân của ông trưởng thôn U60 Võ Văn Kèn.
Ông Võ Văn Kèn thăm lớp học xóa mù chữ ở thôn Lại Tân.
Năm 1976 lúc mới 21 tuổi, chàng trai Võ Văn Kèn đã được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố phường Vĩ Dạ (TP Huế).
Những năm đó, anh dành nhiều thời gian vận động người dân cho con em đến trường, bởi lúc bấy giờ hầu như toàn bộ con em dân vạn đò ở phường Vĩ Dạ đều thất học do cuộc sống lênh đênh sông nước, nay đây mai đó.
Từ đó, tới năm 1988 người dân vạn đò phường Vĩ Dạ đã có 6 em thi đỗ đại học. Từ đó về sau, hàng năm dân vạn đò Vĩ Dạ đều có một vài em thi đỗ cao đẳng, đại học.
Đến năm 2009, UBND TP.Huế thực hiện dự án tái định cư dân vạn đò, gồm nhiều phường như: Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Hậu, Vĩ Dạ…về tái định cư ở thôn Lại Tân (xã Phú Mậu), ông Võ Văn Kèn được bầu làm Trưởng ban điều hành khu tái định cư, rồi Trưởng thôn Lại Tân.
Thôn có 337 hộ dân, với 2.800 nhân khẩu. Mặc dù đã được định cư trên bờ, có nhà cửa ổn định nhưng phần lớn người dân ở đây vẫn tiếp tục cuộc sống sông nước, theo đuôi con tôm con cá để kiếm kế mưu sinh, hoặc khai thác cát sạn trên sông Hương, trong số đó có khoảng 5% hộ dân làm du lịch (tàu rồng phục vụ khách tham quan).
Có khoảng 95% người dân tái định cư mù chữ, nhận thức về việc học của người dân còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, đa phần họ không muốn cho con em đi học mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt là đi theo phụ giúp cha mẹ thả lừ, buông lưới để có cái ăn.
Bằng lương tâm và trách nhiệm, với tình thương dân sâu đậm, gắn bó nhiều năm với người dân vạn đò nên ông Kèn đã nhiều đêm thức trắng suy nghĩ: Nếu để bà con cứ theo nếp cũ, hành xử mãi thế này thì chẳng khác gì trói buộc người dân trong cái vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo, thất học, lạc hậu, không lối thoát.
Khi tâm đã động, chí đã quyết, tư tưởng đã thông, ông dành thời gian, công sức để đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động, thuyết phục bà con tái định cư cho con em ra lớp.
Hễ nhận được tin báo của Ban giám hiệu các nhà trường, của chính quyền xã có con em thôn Lại Tân bỏ học nửa chừng hoặc lêu lổng trốn học nghiện game, là ông tức tốc lên đường đến nhà vận động phụ huynh, kêu các cháu trở lại lớp.
Năm 2013 gia đình ông Phan Văn Tý, 42 tuổi, có 3 người con đang học Trường Tiểu học Phú Mậu 1, trong đó có 2 cháu ý định bỏ học, biết được sự việc ông Kèn đã đến nhà vận động gia đình, và hiện nay 3 đứa con anh Tý đã đi học bình thường.
Ông Kèn chia sẻ: “Khi chuyển về Lại Tân, dân tứ xứ phức tạp. Trong thôn thường xuyên xảy ra trộm cắp, xích mích, nhiều thanh niên mù chữ lêu lổng gây hấn đánh nhau, mỗi lần tụi nó bị công xã gọi lên khai báo, viết tường trình thì không viết được, nên tui phải hì hục viết giúp cho cả chục thằng. Mù chữ thiệt là khổ…”.
Ồng Kèn còn tích cực tham mưu với UBND xã Phú Mậu về chủ trương, đồng thời kiến nghị với Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn nhận học sinh ở khu tái định cư Lại Tân vào học - khi phần lớn các cháu chưa có giấy khai sinh (do gia đình chưa có hộ khẩu, bố mẹ chưa có giấy đăng ký kết hôn), cá biệt có em đã học đến lớp 6 Trường THCS Phú Mậu nhưng vẫn còn “nợ” nhà trường giấy khai sinh.
Nhiều năm nay, nhà ông Kèn đã ngẫu nhiên trở thành “văn phòng” soạn thảo giấy tờ, đơn thư miễn phí cho dân trong thôn. Để xúc tiến việc làm giấy khai sinh cho tụi trẻ, cũng như tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng ở đây đăng ký kết hôn.
Sau nhiều lần kiên trì, bền bỉ “đấu tranh ngoại giao” nên đến năm 2014 được Hội Luật gia (thuộc Trung tâm tư vấn pháp luật Thuận Hóa-Huế) đã về tận địa phương để giải quyết cho hơn 50 trường hợp được đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh.
Năm 2012, ông Kèn đã vận động mở được lớp xóa mù chữ ở Lại Tân, phối hợp với Chi hội Phụ nữ thôn đến từng nhà thuyết phục, phân tích để bà con hiểu lợi ích của việc học, từ đó “kéo” các mẹ, các chú, các chị cùng nhau ra lớp để học đánh vần A,B,C; để biết đọc cái chữ nó khó hơn cả tìm bắt con cá, con tôm.
Thầy giáo Nguyễn Minh Thắng- Trung tâm GDTX Phú Vang cho biết: “Qua 3 năm hoạt động, lớp xóa mù ở Lại Tân đã đào tạo được 74 học viên. Hiện nay mở 2 lớp (lớp 1 và lớp 3), người lớn tuổi nhất là 58, nhỏ tuổi nhất là 14.
Trong đó có 1 học viên tàn tật (chất độc da cam) là Nguyễn Thị Hiền, 14 tuổi. Mở được lớp đã khó, duy trì sĩ số càng khó hơn. Có được thành quả bước đầu như hôm nay là nhờ công tác dân vận khéo của ông Kèn”.
Những việc làm nghĩa cử cao đẹp của ông Võ Văn Kèn vì thế được bà con trong thôn cảm phục.