Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội ngày 22/3, ĐBQH Dương Trung Quốc khẳng định: Cần phải đảm bảo để người dân tham gia vào quá trình sàng lọc, lựa chọn ứng viên đại biểu QH - tham gia ngay cả với các ứng viên được các cơ quan, tổ chức giới thiệu.
Ông DươngTrung Quốc.
PV:Vậy để người dân tham gia thực sự vào quá trình “sàng lọc” ứng cử viên, theo ông phải làm thế nào?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Muốn thực thi các quy định pháp luật về quy trình bầu cử công khai, minh bạch thì phải đảm bảo để người dân tham gia vào quá trình đó. Ta không nói lý thuyết là dân sáng suốt; nhưng dân tham gia thì dễ minh bạch, họ phát hiện những dữ kiện, hiện tượng để làm rõ ràng trong đánh giá phẩm chất những người ứng cử.
Là người tham gia nhiều khóa QH, theo ông người tự ứng cử và người được giới thiệu có thuận lợi khó khăn gì trong vòng hiệp thương?
Về lý thuyết thì bình đẳng như nhau, nhưng trên thực tế người được giới thiệu có sự tín chấp của một tổ chức xã hội, của một pháp nhân, và sự tín chấp cũng đã được sàng lọc trong tổ chức đó. Còn ra trước nhân dân thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan. Ví dụ người dân có thực sự tham gia không? Cơ cấu của người dân tham gia có bảo đảm tính khách quan không? Đó là đại cử tri hay tất cả mọi người dân đều có quyền tham gia... Đó là vấn đề khó kể cả về mặt kỹ thuật, bởi rõ ràng những cuộc gặp mặt lấy ý kiến cử tri cũng không thể rộng rãi như bầu cử phổ thông đầu phiếu. Cho nên lựa chọn thế nào là cái phải làm tốt để người tham gia ứng cử nếu chưa đủ điều kiện họ cũng có thể cảm thấy chấp nhận được, tránh mặc cảm do có phân biệt đối xử.
Nhiều ứng viên có uy tín trong xã hội nhưng lại không thực sự gần gũi với khu vực mình cư trú, không được người dân nơi cư trú yêu mến, sẽ được góp ý tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú... điều này sẽ bất lợi như thế nào với ứng viên, thưa ông?
Nếu là tôi, tôi cũng mong muốn họ nói thẳng cái tốt hay chưa tốt của mình, tôi không e ngại. Nếu mình tự tin đủ tiêu chuẩn thì có thể đối diện với nhân dân một cách hết sức chân thành.
Với kinh nghiệm ứng cử nhiều khóa, ông có thể nói gì với người ứng cử đại biểu QH khóa tới để họ tự tin hơn?
Người ra ứng cử phải có tâm thế. Đương nhiên họ có mục tiêu và muốn đạt mục tiêu đó. Nhưng phải có tâm thế. Nếu không trúng có nghĩa là có những người giỏi hơn mình, được dân tín nhiệm hơn mình.
Tôi cũng vậy, đến thời điểm này tôi tham gia nhiệm kỳ thứ tư, cũng phải giữ tâm thế nếu không trúng thì có nghĩa có nhiều người giỏi hơn mình. Về riêng tư có thể thấy chạnh lòng, nhưng cái chung thì thấy đất nước có một chất lượng phát triển cao hơn nhìn từ khâu lựa chọn ĐBQH.
Xin cảm ơn ông!