Lần nào cũng vậy, tôi thường gặp chị trong không khí náo nức của Đoàn Ca Múa Nhạc thuộc Nhà hát Tuổi trẻ, khi thì đoàn đang biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ ngày Quốc tế Thiếu nhi, lúc lại hối hả chuẩn bị cho dịp Rằm Trung Thu hoặc chương trình nghệ thuật tổng hợp của Nhà hát.
NSƯT Cao Ngọc Ánh.
Sinh ra và trưởng thành trong môi trường nghệ thuật, cha là nhà giáo - biên đạo Cao Năng Dũng, mẹ là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Mai Hương, thừa hưởng gien di truyền và được truyền lửa đam mê từ gia đình, NSƯT Cao Ngọc Ánh đến với nghệ thuật Múa ngay từ khi còn là cô bé mới 11 tuổi. Với lòng hăng hái và say mê nghệ thuật, ngay sau khi tốt nghiệp loại ưu lớp diễn viên múa K16 hệ 7 năm của trường Múa Việt Nam (1990) chị được Nhà hát Tuổi trẻ đón nhận ngay, là một hạt nhân múa trẻ tuổi đầu tiên của Đoàn Ca Múa Nhạc thuộc Nhà hát trong thời kì đổi mới.
Ở Nhà hát Tuổi trẻ - với chức năng, nhiệm vụ chính là xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả thanh thiếu niên, nhi đồng - cô gái trẻ Cao Ngọc Ánh càng có cơ hội được phát huy sức trẻ và sự năng động của mình, năng nổ tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật lớn, nhỏ nào của Nhà hát. Cho dù là một phút múa thoảng qua trong một vở kịch, dù là minh họa, làm nền cho một bài ca hay đảm đương vai trò solist, chị vẫn tâm niệm phải cố gắng, nỗ lực hết mình, tuyệt nhiên không có ý nghĩ so đo, ngần ngại.
Không đóng khung mình trong khuôn hạn của một diễn viên Múa, với lòng ham học hỏi, lắng nghe nên vừa công tác, Cao Ngọc Ánh vẫn phấn đấu để năm 2002 hoàn thiện tấm bằng cử nhân nghệ thuật chuyên ngành Biên đạo Múa tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - ước mơ đã được hình thành trong chị từ khi còn là học sinh trường Múa. Chị còn bộc bạch rằng: Những cuộc đàm đạo về nghề múa của người cha thân yêu với các bác, các chú đồng nghiệp, với các thầy, cô giáo và nhất là với cố NSƯT Trần Đình Quỳ (về sau là thầy giáo dạy biên đạo của chị) vô tình nghe được là chất xúc tác cho nhiều tác phẩm múa của chị sau này. Rồi chính các hệ thống múa của vùng đất Việt Bắc được cha mẹ chị sưu tầm, lưu giữ gắn với những kỉ niệm tình yêu lãng mạn của họ đã khơi nguồn cảm hứng cho chị dựng tác phẩm “Hoa của rừng” dựa trên chất liệu múa dân gian Thái (huy chương Vàng Hội diễn các trường VHNTCN khu vực miền núi phía Bắc năm 2003).
Tác phẩm “Ve và Kiến” được chị lấy ý tưởng từ câu chuyện: Ve suốt ngày chỉ mải vui chơi, ca hát mà không lo lao động, tích lũy thức ăn cho những ngày mưa bão. Đàn Kiến tuy nhỏ bé nhưng rất chăm chỉ, cần cù. Một ngày kia khi cơn bão sắp đến Kiến nhắc Ve nên lo làm tổ và kiếm thức ăn nhưng Ve bỏ ngoài tai, khi cơn bão tràn về, mưa gió ầm ầm, Ve mới cuống quýt tìm nơi trú ẩn. May mà đàn Kiến đã cho Ve trú nhờ, và còn cho Ve cả đồ ăn nữa. Khi cơn bão đi qua, Ve xấu hổ lắm song đã nhận ra lỗi của mình nên đã hứa với Kiến là từ nay sẽ tập đi kiếm mồi như những bạn Kiến bé nhỏ. Tác phẩm đã đem lại sự tươi mới, dí dỏm trong cách thể hiện mà vẫn đậm chất nhân văn khi mang đến cho các em nhỏ một thông điệp là phải biết chăm chỉ lao động, đồng thời biết dang tay giúp đỡ bạn bè khi gặp hoạn nạn, khó khăn. “Ve và Kiến” đã nhận được mối thiện cảm của khán giả, đồng nghiệp và đạt Huy chương Vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc Chuyên nghiệp Toàn quốc khu vực 1 – 2009.
Năm 2012, khi Đoàn Ca Múa Nhạc của Nhà hát Tuổi Trẻ sang thăm và biểu diễn tại Nhật Bản vào đúng mùa hoa anh đào nở rộ thì tác phẩm “Hứng nắng Xuân” ca ngợi vẻ đẹp của hoa đào – biểu tượng mùa Xuân tràn sức sống và tình yêu của người Việt Nam - của biên đạo Cao Ngọc Ánh đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt, bởi nó đã thể hiện được nét văn hóa gần gũi, tương đồng của hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản.
Chăm chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp nên chỉ trong một thời gian ngắn công tác tại Nhà hát, chị đã được Ban lãnh đạo tin tưởng, giao nhiệm vụ là Bí thư Đoàn, và nằm trong cấp ủy của Nhà hát, rồi Phó Đoàn Ca Múa Nhạc của Nhà hát…
Trong hoạt động nghệ thuật, Cao Ngọc Ánh cũng dồn tâm huyết, nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vừa phát huy khả năng của một diễn viên múa, vừa đảm nhận vai trò biên đạo cho nhiều chương trình Ca Múa Nhạc của Đoàn, của Nhà hát. Từ năm 2000 đến nay, chị thường đảm đương vai trò chủ lực như đạo diễn hoặc Tổng biên đạo múa trong các chương trình nghệ thuật hàng năm phục vụ thiếu niên, nhi đồng vào dịp Quốc tế Thiếu nhi, Rằm trung thu của Nhà hát Tuổi trẻ, như: “Ngôi nhà của bé”, “Ông Trăng ơi! Xuống đây chơi”, “Trái đất này là của chúng mình”, “Sơn Tinh – Thủy Tinh đại chiến”. Đặc biệt, vở “Giấc mơ nàng tiên cá” do chị đạo diễn đã ra mắt tại Hà Nội, rồi lưu diễn ở 14 tỉnh Tây Bắc vào dịp đầu năm 2019, hiện nay - tại TPHCM và các tỉnh Tây Nam Bộ. Đây là một vở diễn nghệ thuật tổng hợp quy tụ hơn 30 nghệ sĩ ở tất cả các bộ môn nghệ thuật Ca – Múa – Nhạc – Kịch của Nhà hát Tuổi trẻ. Những đợt lưu diễn khắp đất nước với số lượng nhân sự lên đến 45 người (bao gồm cả cán bộ âm thanh, ánh sáng, hậu đài, hậu cần...) đủ để nói lên tinh thần đoàn kết và nhiệt huyết vượt khó của các nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát Tuổi trẻ, đồng thời cũng phản ánh sự thành công về nghệ thuật, sức lan tỏa của chương trình...
Bên cạnh việc biên đạo múa – đạo diễn cho các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, Cao Ngọc Ánh còn đạo diễn nhiều chương trình của Nhà hát Tuổi Trẻ như “Đêm nhạc Lam Phương – cho em quên tuổi ngọc”, “Đêm nhạc Huy Du” kỉ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Huy Du... Chị là biên đạo múa cho nhiều vở kịch của Nhà hát Tuổi trẻ như “Rừng trúc” – giải Đặc biệt Hội diễn SKCNTQ 2004, “Kiều Loan” – giải Đặc biệt Hội diễn SKCNTQ 2009, “Ai sợ ai?” – huy chương Bạc Hội diễn SKCNTQ 2009… Tác phẩm múa độc lập mà Cao Ngọc Ánh giành được, ngoài huy chương Vàng cho “Hoa của rừng” và “Ve và Kiến” còn có giải B của HNSMVN cho các tác phẩm “Hoa Bông đỏ”, “Tiếng lá gọi xuân” năm 2006, giải C của Hội NSMVN (2008, 2011) cho các tác phẩm “Sắc xuân vùng cao”, “Hứng nắng xuân”; “Noọng Ngăm lai” và giải thưởng Văn học cho Kịch bản múa “Đá thiêng – Cầu hôn” của Hội Nhà văn Việt Nam trong Liên hoan Múa dân gian Toàn quốc năm 2010, v.v… Môi trường và điều kiện công việc khiến chị ít có điều kiện sáng tác các tác phẩm múa độc lập, nên thành tích trong lĩnh vực sáng tác tác phẩm múa mang tính chuyên nghiệp cũng không dày đặc như nhiều biên đạo múa khác trong ngành. Đó là tâm sự không phải của riêng Cao Ngọc Ánh mà còn là nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ Múa hoạt động của các đoàn nghệ thuật, các Nhà hát ở cả lĩnh vực chuyên nghiệp và không chuyên… Dẫu vậy, đó không phải là vấn đề khiến chị nản chí, chùn bước trên con đường nghệ thuật. Tự trong “tâm” mình, chị luôn ước mong được gắn bó với nghề, được phát huy hết mình vì nghệ thuật dù là nghệ thuật phục vụ cho thanh – thiếu niên, cho lễ hội hay không chuyên… Và hơn hết, chị tự thấy mình thật may mắn khi được công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, được phụng sự cho nghệ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng – một đối tượng khán giả mầm non của đất nước đang rất cần một sự định hướng đúng đắn về Chân - Thiện – Mỹ trong thời điểm toàn cầu hóa như hiện nay.
Tình yêu đối với thanh, thiếu, niên nhi đồng cũng là động lực để chị quyết định cho khai trương “Mây Hồng” vào tháng 6/2013 - một câu lạc bộ thiếu nhi đã được chị thai nghén, ấp ủ từ rất lâu mà cho đến khi lên làm Trưởng đoàn Múa chị mới có điều kiện để triển khai. Biên đạo Cao Ngọc Ánh đã được giới chuyên môn ghi nhận, chị vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012 rồi được gửi trọn niềm tin, trao cho trọng trách Trưởng đoàn Ca Múa Nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ vào năm 2013. Đó là vinh dự nhưng cũng là gánh nặng đòi hỏi chị phải nỗ lực hơn nữa, nhiệt thành hơn nữa để đưa Đoàn Ca Múa Nhạc nói riêng và Nhà hát Tuổi trẻ nói chung ngày càng lớn mạnh, vững bước đi lên trong cơ chế thị trường và hội nhập.
Tôi luôn thấy ở chị sự hồ hởi, tháo vát điều hành công việc một cách trôi chảy với thái độ hết sức thân tình, cởi mở. Tôi nghiệm ra rằng: Phải chăng chính NSƯT Cao Ngọc Ánh – một biên đạo Múa, một nữ Trưởng đoàn hoạt bát, năng động - đã truyền cảm hứng đam mê cho các nghệ sĩ của đoàn, dù gặp áp lực về thể chất với lịch biểu diễn dày đặc nhưng tinh thần lúc nào cũng phơi phới, vui như hội và coi nơi đây là gia đình thân yêu của mình.