Thảo luận tại hội trường về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) diễn ra sáng 23-6, nhiều vị ĐBQH cho rằng thực tế có việc người được ủy quyền không xác định được quyền và nghĩa vụ của mình mà chỉ đến cho có lệ. Và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến án quá hạn. Chính vì vậy người ủy quyền phải có trách nhiệm chứ không phải được ủy quyền xong rồi lại về " xin ý kiến".
Phải ủy quyền cho cấp phó
Về người đại diện (người ủy quyền) nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng: Đây là một nội dung rất quan trọng, cần được cân nhắc để quy định cụ thể bảo đảm khắc phục được tính hình thức trong cơ chế đại diện hiện nay, nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hành chính. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo cần quy định chế định ủy quyền trong tố tụng hành chính theo hướng người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho biết: Có ý kiến cho rằng, để thể hiện sự tôn trọng Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đảm bảo cho bản án hành chính được thi hành nghiêm minh, thì người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải trực tiếp tham gia tố tụng, không được ủy quyền cho người khác, vì chỉ họ mới có thẩm quyền sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật.
Thảo luận tại hội trường ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định người ủy quyền là quan trọng, khi lãnh đạo nhiều việc có thể ủy quyền nhưng phải ủy quyền cho người có trách nhiệm chứ không thể ủy quyền xong lại về đi xin ý kiến. Vì vậy phải giao cho cấp phó là người thay mặt cho cấp trưởng chứ phó giúp cho trưởng mà không biết thì làm cái gì? "Vì vậy người ủy quyền phải có trách nhiệm chứ không phải được ủy quyền xong lại về xin ý kiến cấp trên thì không được"-ông Thuyền nêu rõ. Về điều này, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với ĐB Thuyền và đề nghị người ủy quyền phải tham dự xuyên suốt toàn bộ quá trình.
Sau khi dẫn chứng việc "thực tế có việc người được ủy quyền không xác định được quyền và nghĩa vụ của mình mà chỉ đến cho có lệ. Và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến án quá hạn", ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị: "UBND các cấp chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc ủy viên UBND cùng cấp".
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc quy định về người được ủy quyền để khắc phục tình trạng vì công việc quá bận người đứng đầu cơ quan không đến tham dự được phiên tòa. Tuy nhiên theo ông Ánh, nếu ủy quyền thì phải ủy quyền cho người trực tiếp tham mưu ban hành văn bản hành chính bị khiếu kiện, bởi họ chính là người trình soạn thảo, tham mưu rồi trình cho người đứng đầu ký cho nên họ là người nắm chắc nhất.
Sớm soạn thảo Luật thi hành án hành chính Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), thủ tục thi hành án là vấn đề cực kỳ quan trọng, là thước đo hiệu lực của bản án. Thực tế việc thi hành án hành chính chưa được luật quy định. Khi người đứng đầu không chịu thi hành thì cơ quan thi hành án cũng không dám thi hành, còn dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Do đó cần sớm soạn thảo Luật thi hành án hành chính. |
Vụ việc cấp huyện mà đưa lên cấp tỉnh xử là gây khó cho dân
Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp bày tỏ quan điểm không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. Bởi theo cơ quan thẩm tra thì: "Quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính".
Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐB cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình giao cho Tòa án cấp tỉnh xét xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện. Bởi theo phân tích của các ĐB thì "sẽ dẫn đến quá tải, và đi ngược với chiến lược cải cách tư pháp khi đã mở rộng thẩm quyền đối với Tòa án cấp huyện". Theo phân tích của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Chúng ta đang tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện, được quyền xét xử đến 15 năm tù. Vì vậy nếu cho rằng thẩm phán sợ không dám đối đầu với chính quyền địa phương là không đúng. "Thực tế có những nơi từ huyện lên tỉnh rất xa. Ví dụ tại Lâm Đồng có những nơi từ huyện lên tỉnh là 300 km. Nếu bắt lên Tòa án cấp tỉnh để xử là gây khó khăn cho người dân. Cho nên giao cho Tòa án cấp huyện là đúng"-ông Thuyền nói.
Thẳng thắn chỉ rõ "Luật hiện hành quy định khiếu kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính cho Tòa án cấp huyện. Nhưng dự thảo Luật sửa đổi lại giao cho Tòa án cấp tỉnh là cần cân nhắc", ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói: "Nếu quy định như trong dự thảo Luật sửa đổi là đi ngược lại chiến lược cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện".